Thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri để chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khoá XVI, đến ngày 25 tháng 11 năm 2011 đã có 27/27 tổ đại biểu báo cáo kết quả cuộc tiếp xúc cử tri, với 85/94 (chiếm tỷ lệ 90,4 %) đại biểu HĐND tỉnh tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri. Tổng số cử tri tham gia là 5.228 ng¬ười, với 469 ý kiến, kiến nghị tập trung vào một số lĩnh vực sau:

           I. NHỮNG VẤN ĐỀ THUỘC THẨM QUYỀN TRUNG Ư­ƠNG:

- Về cơ sở hạ tầng: Cử tri các huyện: Cẩm Thủy, Bá Thước, Thường Xuân, Lang Chánh, Như Xuân đề nghị Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: công sở cấp xã, nhà văn hóa thôn, các công trình thủy lợi và đường giao thông cho các xã vùng khó khăn, trang thiết bị Trạm y tế xã; đề nghị tăng mức đầu tư các công trình thuộc chương trình 30a.

- Về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế:

+ Cử tri các huyện: Yên Định, Nga Sơn, Ngọc Lặc, Triệu Sơn đề nghị Nhà nước cần có chính sách trợ giá và thu mua sản phẩm, đầu tư công nghệ chế biến nông sản, tăng cường quản lý nhà nước về giá cả, chất lượng các loại phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật cung cấp trên thị trường.

+ Cử tri Thị xã Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho vay đối với những dự án đánh bắt xa bờ, chính sách khai thác hải sản gắn với an ninh quốc gia và chủ quyền biên giới hải đảo.

- Về chính sách xã hội:

+ Cử tri đa số các huyện trong tỉnh tiếp tục kiến nghị chính sách đãi ngộ đối với giáo viên mầm non, nhất là giáo viên mầm non ngoài biện chế.

+ Cử tri các huyện: Nông Cống, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Như Xuân... đề nghị nhà nước sớm giải quyết chế độ cho những quân nhân tham gia chiến trường Căm Pu Chia từ sau năm 1975, chế độ đãi ngộ cho các đối tượng được tặng bằng khen kháng chiến, chính sách hỗ trợ đối với quân nhân xuất ngũ, chế độ cho những người bị nhiễm chất độc da cam.

+ Cử tri huyện Quan Hóa, Hà Trung đề nghị Trung ương tiếp tục nghiên cứu cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức để đảm bảo đời sống và yên tâm công tác, nâng mức lương hưu cho cán bộ về hưu trước năm 1990.

+ Cử tri huyện Bá Thước đề nghị nâng hệ số phụ cấp khu vực đối với xã Thành Sơn lên mức 0,5 bởi vì Thành Sơn là xã có khí hậu, thời tiết và địa hình khó khăn, phức tạp nhất của huyện.

II. Ý KIẾN THUỘC THẨM QUYỀN CỦA TỈNH:

1. Về kinh tế:

- Về giá cả, chất lượng hàng hóa: Đa số cử tri các huyện, thị, thành phố tiếp tục đề nghị tỉnh có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp về giá cả, chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng phục vụ sản xuất.

Cử tri huyện Nông Cống phản ánh giá thuốc chữa bệnh tại bệnh viện huyện cao hơn giá bên ngoài dù cùng chủng loại và nơi sản xuất.

- Về giao thông, thủy lợi: Đa số cử tri đề nghị tỉnh cân đối nguồn vốn đầu tư và thực hiện một số chính sách kích cầu xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: nâng mức hỗ trợ, kích cầu đầu tư kiên cố hóa đường giao thông, kênh mương nội đồng trong chương trình xây dựng vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao và chương trình xây dựng nông thôn mới (hiện nay cơ chế kích cầu 50% của Nhà nước là 170 triệu đồng/01 km là quá lạc hậu so với giá cả thị trường); quan tâm hỗ trợ kinh phí cho phát triển giao thông, thuỷ lợi ở các xã miền núi không được hưởng các chính sách của Chương trình 30a của Chính phủ; bố trí vốn thi công các tuyến đường đã được phê duyệt dự án, các tuyến đường trục vào trụ sở các xã, thôn.

Đề nghị tỉnh xem xét đầu tư, tu sửa, nâng cấp các tuyến đường: từ xã Công Liêm huyện Nông Cống đi xã Yên Lạc huyện Như Thanh, tuyến đường từ trung tâm huyện Như Thanh đi xã Phú Nhuận; đẩy nhanh tiến độ thi công quốc lộ 47 đoạn từ thành phố Thanh Hóa đi Sầm Sơn và đoạn qua thị trấn Nhồi – Đông Sơn; nâng cấp các tuyến tỉnh lộ 506 từ thị trấn Quán Chua huyện Triệu Sơn đi Xuân Khánh huyện Thọ Xuân; tuyến đường Quốc lộ 45 đoạn từ Ngã ba Nhồi đến Ngã ba Voi; tuyến đường kết nối 6 xã phía nam huyện Đông Sơn với trung tâm huyện và thành phố Thanh Hóa; đường giao thông thôn Oi, tuyến đường 174 liên thôn Ảng - Phống xã Quang Hiến huyện Lang Chánh; tuyến đường từ thôn Lửa đi thôn Khong xã Yên Nhân huyện Thường Xuân; sớm có kế hoạch triển khai thi công xây dựng tuyến đường Quảng Lĩnh - Quảng Trường phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội các xã vùng Tây Nam huyện Quảng Xương; mở rộng tuyến đường từ xã Hà Yên huyện Hà Trung đi Thạch Thành, đường từ huyện uỷ Hà Trung đi qua xã Hà Lai đến thị xã Bỉm Sơn, đường từ xã Hà Phú qua các xã (Hà Hải - Hà Châu - Hà Thanh) đến thị xã Bỉm Sơn; đầu tư hệ thống đường cứu hộ, cứu nạn ven biển huyện Hậu Lộc; nâng cấp đường giao thông từ bản máy đến bản Bàng và đường lên bản Pù Khạn xã Trung Thượng huyện Quan Sơn.

Đề nghị tỉnh đầu tư xây dựng 3 cầu treo: Bản Hiềng đi Sa Ná xã Na Mèo, cầu treo Bản Sủa xã Sơn Điện, Bản Thủy Thành xã Sơn Thủy huyện Quan Sơn; nâng cấp, sửa chữa, xây mới một số cầu của huyện Hà Trung (cầu Hà Dương, cầu Hà Vân, cầu Hà Vinh, cầu Đen xã Hà Tiến, cầu Bắc – Yên); tu sửa Cầu De huyện Hậu Lộc.

Quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống các hồ, đập thủy lợi nhỏ đảm bảo tiêu thủy và cung cấp nước cho sản xuất cũng như sinh hoạt của nhân dân; bố trí nguồn vốn để xây dựng các công trình thủy lợi như: hệ thống tưới tiêu của các xã vùng III huyện Nông Cống,thi công mặt đê phía tả sông Hoàng từ xã Đông Ninh huyện Đông Sơn đến xã Đồng Tiến huyện Triệu Sơn, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án tiêu úng cho Thiệu Hóa, Đông Sơn và thành phố Thanh Hóa; tiến hành nạo vét sông Lý phục vụ tiêu úng; cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu sông Dừa; thực hiện tu sửa, nâng cấp đập thủy lợi thôn Phống, thôn Oi, thôn Bàn xã Quang Hiến huyện Lang Chánh (đã có quyết định tu sửa, nâng cấp từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện); xây đập ngăn mặn cùng các biện pháp thau chua, rửa mặn cho đồng ruộng các xã Ba Đình, Nga Vịnh, Nga Thắng huyện Nga Sơn, xã Hải Lộc huyện Hậu Lộc để nhân dân yên tâm sản xuất; đầu tưtrạm bơm phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp của 2 xã Liên Lộc và Quang Lộc huyện Hậu Lộc; cử tri huyện Hà Trung đề nghị: nạo vét sông Hoạt, sông Chiếu Bạch đoạn Hà Lâm - Hà Dương; kè đê tả sông Lèn (đoạn từ xã Hà Sơn đến âu Như Lăng xã Hà Hải) và tuyến đê Hà Châu - Hà Thanh; nâng cấp hồ Hà Thái, hồ đập Cầu, đập Ngang xã Hà Lĩnh, công trình thủy lợi liên hồ đập thuộc xã Hà Tiến; nâng cấp hệ thống kênh mương sau trạm bơm đầu mối Cống Phủ, Vạn Đề để chống hạn cho các xã Hà Lâm, Hà Ngọc.

Cử tri huyện Bá Thước đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, kiểm tra và điều chỉnh thiết kế tràn Hón Nủa (công trình đường giao thông xã Lũng Cao) bảo đảm tiêu thoát lũ và đề nghị tỉnh chỉ đạo kiểm tra chất lượng, tiến độ thi công cầu Hón Chàm xã Ban Công.

Cử tri các huyện Mường Lát, Lang Chánh, thành phố Thanh Hóa đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo tiến độ các dự án: tuyến đường Tây Thanh Hóa từ Chiềng Nưa đi Trung tâm xã Mường Lý, cầu Chiềng Nưa đi Bản Táo xã Trung Lý (đã thi công 4 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành) để giảm bớt khó khăn cho việc đi lại của dân; đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường 520 Mường Lát – Hồi Xuân vì đây là tuyến đường độc đạo lên huyện vùng cao biên giới; đầu tư giai đoạn hai đường Lang Chánh - Yên Khương, tuyến từ Làng Ngàm xã Yên Thắng lên đồn Biên phòng 503 (18km) đã xuống cấp nghiêm trọng, giao thông bị chia cắt, nhân dân đi lại khó khăn; sớm đầu tư xây dựng cửa khẩu Mén – Bản Sắng xã Yên Khương theo Quyết định 253 của Chính phủ; đầu tư xây dựng cầu Bãi Gỗ xã Giao An, Cầu Làng Bượn xã Tân Phúc, Cầu Làng Loọng xã Tam Văn; sớm triển khai thi công nâng cấp tuyến Quốc lộ 15a, đoạn từ đường Hồ Chí Minh (Ngọc Lặc đi qua Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa) đến Mai Châu - Hòa Bình để thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế - xã hội trong khu vực; đầu tư đường Đông Tây, Khu đô thị Quảng Thành (Khôi Việt), Tượng đại chiến thắng Hàm Rồng, Quốc lộ 47 đi Sầm Sơn;

- Về cơ sở vật chất trường học, trụ sở làm việc của UBND xã, nhà văn hóa thôn (làng, bản): Cử tri các huyện Thọ Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Như Thanh, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hậu Lộc, Tĩnh Gia, thị xã Bỉm Sơn... đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho trường học và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó khăn; hỗ trợ, bố trí đủ nguồn vốn xây dựng trụ sở làm việc của các xã đã xuống cấp nghiêm trọng, điều kiện làm việc khó khăn như: công sở xã Xuân Phong huyện Thọ Xuân, xã Quang Hiến huyện Lang Chánh; đề nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng công sở các xã, thị trấn thuộc huyện Quan Hóa; đầu tư xây dựng trường THPT Đinh Chương Dương huyện Hậu Lộc; hỗ trợ nguồn kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi tập thể: trạm y tế, nhà văn hóa thôn, xóm.

- Về cấp điện: Đa số cử tri các huyện đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành điện đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện 0,4 KV nông thôn đã xuống cấp không bảo đảm an toàn.

Đề nghị đầu tư xây lắp đường điện cung cấp điện cho các thôn, chòm, bản chưa có điện như: thôn giáp biên giới (Đục, Vịn, Khẹo, Ruộng) xã Yên Nhân huyện Thường Xuân, Đội 1 và các thôn (Oi, Chiềng Ban, Tỉu) xã Quang Hiến huyện Lang Chánh, các chòm bản huyện Quan Hóa, các bản (bản Sủa, Na Hồ, Na Phường, Xa Mang xã Sơn Điện; bản Hiết, bản Muống, bản Khà, bản Mùa Xuân, bản Xía Nọi, bản Cóc, bản Chanh xã Sơn Thủy; bản Ché làu, bản Son, bản Xa Ná, bản Na Poong, bản Cha Khót xã Na Mèo; bản Mảy, bản Bàng, bản Pù Khạn xã Trung Thượng, bản Muống xã Trung Xuân; bản Chè xã Trung Tiến) huyện Quan Sơn.

- Về cấp nước sạch sinh hoạt: Cử tri huyện Hậu Lộc, Quan Hóa đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, nhất là các chòm bản chưa có nước sạch sinh hoạt.

- Về chính sách phát triển kinh tế:

+ Cử tri huyện Hậu Lộc đề nghị HĐND tỉnh cần có Nghị quyết về đầu tư xây dựng nông thôn mới.

+ Cử tri huyện Như Thanh đề nghị tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để huyện Như Thanh thu hút các dự án đầu tư như: Bò sữa, chăn nuôi và chế biến gia cầm…; sớm quyết định 4 xã Yên Thọ, Phú Nhuận, Mậu Lâm và Xuân Du được hưởng chính sách vùng thâm canh lúa có năng xuất chất lượng cao.

+ Cử tri huyện Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc đề nghị tỉnh cần có chính sách trợ giá nông nghiệp, chính sách hỗ trợ vốn kích cầu chuyển đổi một số cây trồng mũi nhọn có giá trị kinh tế cao tại các địa phương như: Đậu tương, ớt, ngô ngọt... và có chính sách khen thưởng thỏa đáng với các hộ nông dân dám nghĩ, dám làm đưa giống mới, tiến bộ khoa học vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

+ Cử tri huyện Lang Chánh đề nghị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình 30a của Chính phủ đối với các huyện nghèo trong tỉnh.

+ Cử tri huyện Mường Lát đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ các loại giống cây, con để nhân dân tích cực tham gia các dự án trồng rừng, phát triển sản xuất.

+ Cử tri huyện Thạch Thành đề nghị tỉnh có chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp chế biến Nông – Lâm – Thủy sản ở các huyện miền núi để tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

+ Cử tri thị xã Sầm Sơn đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư phát triển du lịch.

2. Về văn hoá - xã hội:

- Đa số cử tri trong tỉnh đề nghị sớm chuyển các trường mầm non bán công thành hệ công lập và cho tuyển dụng đủ giáo viên theo Thông tư 71; các trạm y tế xã nên bàn giao huyện quản lý.

- Cử tri huyện Cẩm Thủy đề nghị Sở VHTT đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án bảo tồn văn hóa Mường tại thôn Lương Ngọc xã Cẩm Lương.

- Cử tri huyện Nga Sơn đề nghị UBND tỉnh có sự chỉ đạo, nâng cao chất lượng hoạt động của các làng văn hóa; đề nghị tỉnh có chính sách đầu tư trùng tu, tôn tạo lại một số Di tích lịch sử, cách mạng như: Khu di tích lịch sử Ba Đình (03 đình làng), di tích lịch sử cách mạng ở Nga Thắng; đề nghị tỉnh làm thủ tục trình Trung ương công nhận xã Ba Đình là đơn vị anh hùng thời kỳ chống Pháp.

- Cử tri huyện Hà Trung đề nghị tỉnh bố trí vốn đầu tư, tôn tạo, phục dựng Miếu Triệu Tường xã Hà Long, Ly cung nhà Hồ thuộc xã Hà Đông; cho lập dự án đầu tư bảo tồn rừng sến Tam Quy xã Hà Tân.

- Cử tri huyện Quan Hóa đề nghị cho phép huyện được tuyển dụng giáo viên cấp Tiểu học và THCS đủ biên chế tỉnh giao, nhất là số giáo viên hợp đồng hệ cử tuyển là người dân tộc ở các huyện nghèo để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy học ở các cấp học trên.

- Cử tri hầu hết các huyện đề nghị giao biên chế hành chính sự nghiệp ngành giáo dục nên căn cứ vào số lớp, số học sinh, số bộ môn cần giảng dạy của từng trường thì mới sát thực tế, thay vì căn cứ theo tổng số học sinh của toàn huyện và định mức số học sinh/lớp (nhất là các lớp lẻ, lớp ghép tại các vùng sâu, vùng xa) định mức biên chế nên thực hiện trần của Thông tư số 35.

- Cử tri huyện Thường Xuân đề nghị quan tâm tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp Đại học hệ cử tuyển; đề nghị ngành Viễn thông phủ sóng điện thoại 2 xã: Yên Nhân, Bát Mọt.

- Cử tri huyện Như Thanh đề nghị tỉnh quyết định xây dựng Trường phổ thông trung học Như Thanh III tại khu vực phía bắc huyện.

- Cử tri huyện Ngọc Lặc đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng quy mô giường bệnh tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc để khắc phục tình trạng quá tải hiện nay.

- Cử tri huyện Tĩnh Gia đề nghị tăng cường chỉ đạo cải cách hành chính tại các bệnh viện công lập, đơn giản hoá thủ tục chuyển tuyến, đặc biệt việc chuyển tuyến điều trị đối với bệnh nhân thuộc diện bảo hiểm y tế.

3. Về chính sách xã hội:

- Chế độ cho cán bộ cơ sở: Đa số cử tri trong tỉnh đề nghị tỉnh tạo điều kiện cấp kinh phí hoạt động cho lực lượng công an viên, các đoàn thể cấp xã, thị trấn; nâng mức phụ cấp cho cán bộ bán chuyên trách ở xã và có chế độ phụ cấp đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho hoạt động giải quyết công việc liên quan đến dân của cán bộ cấp thôn (khu phố, xóm, bản).

- Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế :

+ Cử tri huyện Bá Thước đề nghị bảo hiểm xã hội tỉnh có hướng dẫn và quy định cụ thể hồ sơ cấp sổ bảo hiểm xã hội cho cán bộ cấp xã, đối tượng đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa được cấp sổ BHXH.

+ Cử tri huyện Vĩnh Lộc đề nghị thực hiện chế độ BHXH, BHYT cho các đối tượng là cán bộ trưởng thôn, bí thư chi bộ và phó các đoàn thể, đã trúng cử tham gia công tác một vài khóa nhưng chưa được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

+ Cử tri huyện Nông Cống phản ánh chế độ khám, chữa bệnh BHYT nhất là với đối tượng nghèo tại cơ sở y tế của huyện chưa được quan tâm.

+ Cử tri huyện Yên Định, Như Thanh đề nghị có quy định để người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được khám chữa bệnh thuận lợi tại các cơ sở y tế ngoài nơi đã đăng ký khám chữa bệnh.

- Đào tạo nghề, nguồn nhân lực: Cử tri thị xã Bỉm Sơn, Sầm Sơn và các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Cẩm Thủy... đề nghị tỉnh quan tâm công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân, đào tạo nghề sau cai nghiện để hòa nhập cộng đồng; mở thêm các lớp dạy nghề nông thôn và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi theo hướng năng suất, chất lượng gắn với chế biến; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho miền núi, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

4. Về môi tr­ường:

- Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị tỉnh có biện pháp xử lý kịp thời nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước Mật Sơn. Hiện nay nguồn nước từ Đập Bái Thượng về mất vệ sinh do nhân dân các huyện đầu nguồn ném rác thải, xác xúc vật chết và ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật.

- Cử tri Thị xã Sầm Sơn đề nghị tỉnh sớm có phương án khắc phục tình trạng bãi biển Sầm Sơn đang bị xâm thực khá nghiêm trọng, nhất là đoạn từ xã Quảng Cư đến phường Trung Sơn.

- Cử tri huyện Triệu Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc đề nghị tỉnh đầu tư xây dựng bãi chứa và xử lý rác thải.

- Cử tri huyện Đông Sơn, thị xã Sầm Sơn phản ánh tình trạng bụi bẩn, ô nhiễm môi trường do thi công nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 47 qua địa bàn, mặt đường lồi lõm gây nhiều tai nạn giao thông. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan có phương án hạn chế ô nhiễm và bảo đảm an toàn giao thông.

- Cử tri huyện Hoằng Hóa phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thi công mở rộng Quốc lộ 1A ảnh hưởng sức khỏe nhân dân, gây ô nhiễm môi trường cho nuôi trồng thủy sản.

- Cử tri huyện Quảng Xương đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo giải quyết ô nhiễm môi trường ở một số khu vực như: Tuyến sông tiêu Thống Nhất chảy qua địa bàn Quảng Xương bị ô nhiễm nặng do chất thải của khu công nghiệp Lễ môn và địa bàn phía trên thải ra gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân các xã Quảng Phú, Quảng Tâm, Quảng Thọ và Quảng Châu; Nhà in báo Thanh Hóa tại xã Quảng Thịnh, từ khi hoàn thành không sản xuất báo mà chỉ sản xuất giấy bao bì từ giấy phế liệu. Chất thải nhà máy gây ô nhiễm nặng tại khu vực xã Quảng Tân, Quảng Thịnh.

- Cử tri huyện Lang Chánh đề nghị cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý việc gây ô nhiễm môi trường do nhà máy sản xuất giấy Bãi Bùi thải nước sản xuất chưa qua sử lý ra sông Âm gây ô nhiễm môi trường.

- Cử tri thị xã Bỉm Sơn đề nghị các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn nghiêm túc thực hiện công tác bảo vệ môi trường để không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

5. Về Quốc phòng – An ninh:

- Cử tri huyện Bá Thước, Đông Sơn, Hoằng Hóa đề nghị tăng thêm kinh phí hoạt động quốc phòng an ninh bảo đảm cho địa phương thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả; định mức hiện nay là không hợp lý.

- Cử tri huyện Hoằng Hóa phản ánh tình trạng tệ nạn xã hội, trộm cắp tài sản, nghiện hút ma túy, đánh nhau gây thương tích, xuất hiện băng nhóm xã hội đen...ngày một gia tăng, đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp để giảm các tệ nạn này; tăng cường hoạt động của cảnh sát môi trường, cảnh sát đường thủy để ngăn chặn các vi phạm xảy ra nhất là khai thác cát trái phép; Đề nghị tỉnh xem xét lại việc chuyển giao chỉ tiêu tuyển quân huyện Hoằng Hóa cho phù hợp.

- Cử tri huyện Thọ Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy, Hậu Lộc, Tĩnh Gia đề nghị ngành công an phối hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành có biện pháp tích cực xử lý để giảm tai nạn giao thông, phát hiện và xử lý nghiêm các tệ nạn cờ bạc, số đề, cho vay nặng lãi, cầm đồ ven các khu vực trường học và trong nông thôn...

            6. Các vấn đề khác:

-Về quy hoạch xây dựng:

+ Cử tri huyện Đông Sơn đề nghị giãn thời gian xây dựng quy hoạch nông thôn mới; quan tâm tạo điều kiện để huyện Đông Sơn lập quy hoạch mở rộng địa giới hành chính và quy hoạch trung tâm huyện lỵ mới sau khi một số xã sáp nhập về Thành phố.

+ Cử tri huyện Hoằng Hóa đề nghị tỉnh chỉ đạo và quan tâm đến chất lượng quy hoạch Nông thôn mới.

+ Cử tri huyện Quảng Xương đề nghị điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu công nghiệp và nhà máy bia Thanh Hóa tại xã Quảng Thịnh xuống khu vực phía nam huyện, cách trung tâm Thị trấn khoảng 10km để không ảnh hưởng đến môi trường và dành khu vực này quy hoạch xây dựng khu đô thị mới.

+ Cử tri huyện Thạch Thành đề nghị tỉnh cho rà soát lại để công nhận một số khu vực đã hình thành thôn từ lâu nhưng chưa được công nhận thôn, huyện Thạch Thành có một số địa danh: Thôn Chợ xã Thành Kim, Thôn Ngọc An – xã Ngọc Trạo; Đội 3 Nông trường Thạch Quảng thuộc địa danh xã Thành Mỹ; xóm 327 của Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành – thuộc xã Thành Vân, thôn Trường Sơn – xã Thạch Sơn (Nông trường Thạch Thành chuyển sang).

- Về quản lý sử dụng đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng:

+ Cử tri huyện Bá Thước, Lang Chánh, Quan Sơn đề nghị tỉnh giải quyết một số điểm chồng chéo ranh giới hành chính giữa bản đồ 364 và thực địa. Việc tranh chấp đất đai giữa xã Yên Khương, huyện Lang Chánh với xã Sơn Hà huyện Quan Sơn, việc tranh chấp địa giới hành chính tại Vũng Cộp bản Chanh xã Sơn Thủy huyện Quan Sơn với bản Pọng xã Hiền Kiệt huyện Quan Hóa lâu nay cử tri kiến nghị nhiều nhưng chưa được giải quyết.

+ Cử tri huyện Mường Lát, Quan Sơn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo giao một phần diện tích đất rừng nghèo kiệt của Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Lát, ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lò để các hộ dân Thị trấn Mường Lát và xã Trung Thượng huyện Quan Sơn có đất sản xuất, tham gia các dự án trồng rừng.

+ Cử tri huyện Ngọc Lặc đề nghị HĐND tỉnh cần ban hành cơ chế chính sách giao đất có thu tiền đối với các nông lâm trường trước đây nay là các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước để tạo sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ với nông dân và các nông trường viên.

+ Cử tri huyện Nga Sơn đề nghị tỉnh hướng dẫn xử lý ruộng đất đã giao cho hộ nông dân nhưng không sản xuất để hoang hóa.

+ Cử tri thị xã Sầm Sơn đề nghị tỉnh quy định giá đất vùng giáp ranh giữa phường và xã nhằm sát giá thị trường.

+ Cử tri thành phố Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn, huyện Hậu Lộc đề nghị tỉnh giải quyết việc các dự án chậm đưa vào sử dụng diện tích đất được giao.

+ Cử tri huyện Như Xuân đề nghị thu hồi diện tích đất không phục vụ mục đích trồng cao su của Nông trường Bãi Trành cho huyện quản lý.

+ Cử tri thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, Ngọc Lặc đề nghị tỉnh ban hành chính sách mới về bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm khắc phục những bất cập hiện nay như đơn giá quy định bồi thường đất, cây cối, vật kiến trúc thấp so với thực tế.

+ Cử tri huyện Bá Thước đề nghị cấp thẩm quyền chỉ đạo đơn vị thi công bồi thường, hỗ trợ phần diện tích ngoài mốc giới bị ảnh hưởng do khi thi công đường Ban Công đi Lũng Cao đã san ủi lấp ruộng vườn và hoa màu của dân.

- Về cơ chế điều tiết nguồn thu sử dụng đất, khai thác tài nguyên: Cử tri các huyện Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định, Hà Trung, thị xã Sầm sơn đề nghị tỉnh có cơ chếđiều tiết tiền thu từ khai thác tài nguyên cho xã có tài nguyên khai thác và điều chỉnh tỷ lệ điều tiết tiền cấp sử dụng đất theo hướng cơ chế xã 40% - huyện 50% - tỉnh 10%. Đối với các xã được quy hoạch, làm điểm xây dựng điểm nông thôn mới của các huyện được điều tiết 100% tiền cấp quyền sử dụng đất.

- Vềcấp kinh phí cho các công trình đã hoàn thành:

+ Cử tri huyện Cẩm Thủy đề nghị tỉnh đấu mối với các bộ ngành Trung ương giải quyết và thanh toán vốn thiếu cho các công trình xây dựng trường học theo Quyết định 20 đã hoàn thành quyết toán và đưa vào sử dụng từ năm 2010.

+ Cử tri huyện Quan Sơn đề nghị cấp vốn cho các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng hiện chỉ được cấp vốn 30%, các công trình đang xây dựng dở dang như: Trụ sở UBDN xã Trung Tiến, các trường (THCS, tiểu học, mầm non) xã Sơn Điện, trường mầm non Tam Lư, nhà ở giáo viên xã Tam Thanh, trường (THCS, tiểu học, mầm non) xã Mường Mìn, trường mầm non xã Trung Xuân...đã thi công khối lượng hoàn thành gần 80%.

- Về thi đua, khen thưởng:

+ Cử tri huyện Bá Thước đề nghị Ban Thi đua khen thưởng tỉnh quan tâm giải quyết tiền thưởng cho các đối tượng do Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích tham gia kháng chiến nhưng chưa được nhận tiền thưởng;

+ Cử tri huyện Yên Định đề nghị công tác thẩm định hồ sơ khen thưởng cần được thẩm định kỹ để khen thưởng đúng người, đúng việc, có ý nghĩa thiết thực trong khuyến khích kịp thời những nhân tố tích cực.

- Các chính sách hỗ trợ:

+ Cử tri các huyện miền núi đề nghị tỉnh và Trung ương có chính sách cho thị trấn thuộc các huyện nghèo được hưởng chính sách theo quyết định 30a.

+ Cử tri thị xã Bỉm Sơn, huyện Lang Chánh đề nghị tỉnh quan tâm hơn đến công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và đề nghị Trung ương nâng mức trợ cấp và có chính sách hỗ trợ tiền điện, tiền thuế nhà đất cho các hộ gia đình chính sách.

+ Cử tri huyện Vĩnh Lộc đề nghị tỉnh quan tâm đề xuất với Trung ương đưa 4 thôn (thôn 4,5,6,7) xã Vĩnh An vào vùng đặc biệt khó khăn được hưởng các Chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh để phát triển; Đề nghị tỉnh quan tâm tăng mức hỗ trợ thủy lợi phí từ tháng 3/2011 để đảm bảo đủ kinh phí bù các khoản phải chi từ nguồn thủy lợi phí.

+ Cử tri xã Điền Hạ huyện Bá Thước đề nghị cho xã được sử dụng mặt nước hồ Thạch Minh để sản xuất kinh doanh và xem xét hỗ trợ kinh phí cho các hộ làm nhiệm vụ bảo về rừng phòng hộ.

+ Cử tri huyện Ngọc Lặc đề nghị tỉnh có chính sách kịp thời hỗ trợ cho nhân dân đã trồng được 450 ha Cao su tiểu điền nhưng chưa được hưởng chính sách của tỉnh.

+ Cử tri huyện Nông Cống đề nghị tỉnh hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho nhân dân do năm 2010-2011 Công ty TNHH một thành viên Sông Chu không thực hiện việc xả lũ hồ Yên Mỹ để đón lũ như quy trình nên tạo ra nguồn nước lũ lớn ngập sâu vào khu vực dân cư và ngập dài ngày làm diện tích lúa đang trỗ của các thôn Yên Nẫm xã Công Bình, thôn Hồng Thái xã Công Chính, 10/12 thôn thuộc xã Tượng Sơn lúa đang trỗ bị mất trắng; đề nghị tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét cho các xã (Thăng Long, Công Liêm, Công Chính, Công Bình, Yên Mỹ) có dân cư sống cài răng lược với các xã 135 huyện Như Thanh được hưởng chính sách theo quyết định 135.

- Cử tri huyện Quan Hóa phản ánh dự án di dời dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ bị sạt lở theo quyết định 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện quá chậm, đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân vào mùa mưa lũ. Qua 3 năm thực hiện tại huyện Quan Hóa (từ năm 2009 đến nay) chỉ thực hiện di dời được 186/546 hộ (đạt 34,02%).

- Cử tri huyện Như Xuân đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Nhà máy Đường, Sắn thực hiện nghiêm túc các hợp đồng thu mua nông sản cho nông dân (thu mua và trả tiền rất chậm).

7. Những ý kiến đóng góp về hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh:

- Về hoạt động giám sát:

+ Tăng cường sự phối hợp giữa Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh với Thường trực HĐND, MTTQ các huyện, thị xã, thành phố trong hoạt động giám sát.

+ Tăng cường vai trò giám sát của HĐND tỉnh về thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước của các doanh nghiệp, việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất, khai thác tài nguyên khoáng sản, công tác cán bộ, việc thực hiện cơ chế chính sách mà HĐND tỉnh đã quyết nghị và đôn đốc việc thực hiện các kết luận kiểm tra, giám sát để công tác quản lý điều hành của chính quyền các cấp đạt hiệu quả cao hơn.

- Về hoạt động tiếp xúc cử tri: Tăng cường việc tiếp xúc với cử tri ở thôn, xóm.

Trên đây là tổng hợp ý kiến của các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 3, khoá XVI./.

 Bao cao Tong hop y kien cu tri truoc ky 3 .docBao cao Tong hop y kien cu tri truoc ky 3 .doc


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    373 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.366.322
    Trong năm: 993.577
    Trong tháng: 96.071
    Trong tuần: 21.797
    Trong ngày: 2.102
    Online: 39