Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVI (từ ngày 02- 04/7/2012), Thường trực HĐND tỉnh đã trình Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các sở và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. HĐND tỉnh đã thảo luận, nhất trí cao với nội dung báo cáo; đồng thời, xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (Nghị quyết số 33/2012/NQ-HĐND ngày 04/7/2012). Ban biên tập Website Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh xin trích đăng Báo cáo số 196/BC-HĐND ngày 22/6/2012 của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc cải cách thủ tục hành chính.

IMG_0582.jpg

Kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVI (ảnh: Domino)

             PHẦN THỨ NHẤT: TÌNH HÌNH CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH (GIAI ĐOẠN 2007 - 2011)

1. Việc quán triệt, triển khai, ban hành các văn bản về cải cách thủ tục hành chính (TTHC):

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; Đề án đơn giản hoá TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007- 2010 ban hành kèm theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 30); Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện đề án Đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010; Kế hoạch triển khai thực hiện kiểm soát TTHC, tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh; Quy chế phối hợp trong hoạt động kiểm soát các quy định, công bố TTHC và tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

- Trên cơ sở các văn bản của trung ương và của tỉnh về cải cách thủ tục hành chính, Văn phòng UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt đến công chức các phòng, ban chuyên môn, trước hết là đội ngũ công chức làm nhiệm vụ thống kê, rà soát TTHC về mục đích, ý nghĩa, nội dung, yêu cầu, tiến độ công việc gắn với trách nhiệm của tập thể và mỗi cán bộ, công chức trong việc thực hiện cải cách hành chính nói chung và cải cách TTHC nói riêng theo Đề án 30 của Chính phủ.

- Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về cải cách TTHC; quy chế làm việc; quy định việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thành lập bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; quy chế thực hiện Bộ TTHC theo cơ chế một cửa; thành lập và kiện toàn tổ đầu mối kiểm soát TTHC; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện cải cách TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông... Trong đó, quy định trách nhiệm phối hợp công tác của các phòng, ban chuyên môn, của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; các nội dung, quy trình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, thời gian xử lý, trình ký, trả kết quả tại bộ phận một cửa đối với từng TTHC.

- Thực hiện đề án 30 của Chính phủ, các đơn vị đã coi trọng công tác bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức; tập huấn nghiệp vụ thống kê, rà soát TTHC; kỹ năng giao tiếp tại bộ phận "một cửa"; triển khai thực hiện Bộ TTHC được công bố; Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 22/6/2007 của Chính phủ về kiểm soát TTHC, Nghị định 20/2008/NĐ-CP 14/02/2008 của Chính phủ quy định việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; đẩy mạnh ứng dựng công nghệ thông tin trong cải cách TTHC.

2. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện:

Xác định rõ nội dung trọng tâm của chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 là rà soát lại quy trình giải quyết công việc, đặc biệt là quy trình nội bộ cơ quan; công khai, minh bạch thủ tục hồ sơ, thời gian, phí, lệ phí; thực hiện việc phân cấp TTHC cho cấp huyện, cấp xã; bồi dưỡng nâng cao văn hóa, kỹ năng ứng xử của cán bộ, công chức. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện cải cách TTHC; yêu cầu giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo công tác rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa TTHC, đơn giản hóa các mẫu đơn, mẫu tờ khai trong hồ sơ TTHC trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, các đơn vị đã tích cực triển khai, thực hiện, tính đến ngày 19/8/2009, toàn bộ TTHC của 3 cấp trong phạm vi toàn tỉnh đã được thống kê đầy đủ; UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố 20 Bộ TTHC, trong đó có 1.712 thủ tục; 154 văn bản có quy định TTHC đã được nhập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Đến ngày 29/3/2010, toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh phải rà soát (1.723 TTHC, 1.207 mẫu đơn, mẫu tờ khai, 1.465 yêu cầu, điều kiện để được thực hiện TTHC) đã rà soát xong. Qua đó đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đơn giản hóa 1.356/1.723 thủ tục đạt 78,7%, trong khi yêu cầu bắt buộc theo quy định chung phải đơn giản hóa tối thiểu 30%.

Thực hiện kế hoạch rà soát các quy định, TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh năm 2012 và Chỉ thị số 26 ngày 15/11/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện việc kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh; các sở, ban ngành, địa phương đã rà soát các văn bản có quy định, hướng dẫn về TTHC gắn với việc giải quyết TTHC tại đơn vị để kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp trung ương sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền. Kết quả từ ngày 20/8/2009 đến ngày 23/5/2012, UBND tỉnh đã quyết định công bố, cập nhật bổ sung 625 TTHC (trong đó ban hành mới 217; sửa đổi, bổ sung 290; hủy bỏ, bãi bỏ 118).

Sau khi UBND tỉnh công bố Bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và quản lý của các đơn vị, việc tổ chức thực hiện TTHC tại các địa phương, đơn vị có chuyển biến tích cực; quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp được minh bạch, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc được nâng lên. Các TTHC được đơn giản hóa, công khai; nhiều TTHC đã được giải quyết đúng hạn và nhanh hơn so với quy định của Nhà nước, giảm phiền hà. Một số đơn vị đã quan tâm xây dựng mô hình giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp quản lý khoa học trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được mở rộng và có kết quả. Sự chuyển biến nêu trên đã góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh năm 2011 tăng 20 bậc so với năm trước (xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước).

PHẦN THỨ HAI: THỰC TRẠNG CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TẠI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ ĐƯỢC GIÁM SÁT

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Kết quả thực hiện thống kê, rà soát, đánh giá để đơn giản hóa, nâng cao chất lượng thủ tục hành chính:

- Trong số các đơn vị được giám sát có 09 đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thống kê TTHC là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, UBND huyện Hậu Lộc, Nông Cống, Bá Thước và thị xã Bỉm Sơn. Kết thúc giai đoạn 1 của Đề án 30, các đơn vị đã trình UBND tỉnh công bố TTHC, cụ thể: Sở Kế hoạch và Đầu tư 128 thủ tục; Sở Tài chính 82 thủ tục; Sở Tài nguyên và Môi trường 158 thủ tục; Sở Xây dựng 51 thủ tục; Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn 96 thủ tục, UBND cấp huyện 221 thủ tục.

- UBND tỉnh giao 6 đơn vị là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và UBND thị xã Bỉm Sơn rà soát, đánh giá, đơn giản hóa TTHC. Kết thúc giai đoạn 2 của Đề án 30, các đơn vị đã hoàn thành việc tự rà soát, đánh giá, kiến nghị UBND tỉnh đơn giản hóa TTHC và đã được UBND tỉnh thông qua phương án đơn giản hóa TTHC thực hiện trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 976/QĐ-UBND ngày 29/3/2010, cụ thể như sau:

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát 127 TTHC (kiến nghị sửa đổi, bổ sung 84; bãi bỏ 07 thủ tục); được UBND tỉnh thông qua: sửa đổi, bổ sung 112; bãi bỏ 02 thủ tục.

+ Sở Tài chính đã rà soát 79 TTHC (kiến nghị giữ nguyên 20; sửa đổi, bổ sung 34; thay thế 25 thủ tục); được UBND tỉnh thông qua: sửa đổi, bổ sung 36; thay thế 25; bãi bỏ 02 thủ tục.

+ Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát 158 TTHC (kiến nghị giữ nguyên 13; sửa đổi, bổ sung 141; bãi bỏ 04 thủ tục); được UBND tỉnh thông qua: sửa đổi, bổ sung 135; bãi bỏ 05 thủ tục.

+ Sở Xây dựng đã rà soát 51 TTHC (kiến nghị giữ nguyên 16; sửa đổi, bổ sung 35 thủ tục); được UBND tỉnh thông qua: sửa đổi, bổ sung 35 thủ tục.

+ Ban quản lý KKT Nghi Sơn đã rà soát 99 TTHC; được UBND tỉnh thông qua: sửa đổi, bổ sung 55; thay thế 19; loại bỏ 01 thủ tục.

+ UBND thị xã Bỉm Sơn đã rà soát 219 TTHC (kiến nghị giữ nguyên 83; sửa đổi, bổ sung 136 thủ tục); được UBND thông qua phương án: giữ nguyên 82 thủ tục; sửa đổi, bổ sung 137 thủ tục.

- Sau khi tiến hành rà soát, đối chiếu Bộ TTHC đã được công bố với văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC hiện hành, các đơn vị đã kiến nghị UBND tỉnh công bố, cập nhật TTHC đảm bảo đầy đủ, chính xác, đơn giản hóa của Bộ TTHC.

2. Việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính:

Tại thời điểm giám sát, đa số các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai các TTHC tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả bằng các hình thức như đóng thành tập tài liệu theo từng lĩnh vực treo trên bảng tin hoặc để bàn, tạo thuận lợi cho người dân và tổ chức đến tìm hiểu.

3. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong cải cách thủ tục hành chính:

- Đa số các đơn vị đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành; quan tâm đầu tư đưa vào vận hành hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; từng bước đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, tăng cường áp dụng các phần mềm trong quản lý để cập nhật, theo dõi việc tiếp nhận, xử lý, trả kết quả giải quyết hồ sơ; tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tìm hiểu và nắm bắt kịp thời các thông tin cần quan tâm. Đồng thời đã từng bước đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ hành chính công, như Văn phòng UBND tỉnh đã áp dụng "Hệ chương trình quản lý văn bản, hồ sơ công việc"; Sở Kế hoạch và Đầu tư đã áp dụng Hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia, ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu tiếp nhận, xử lý hồ sơ, tạo mã số doanh nghiệp và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Thanh Hóa đã ứng dụng tốt các phần mềm phục vụ công tác chuyên môn và quản lý, theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ công việc...

- Xác định áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước trong việc chuẩn hóa các phương pháp làm việc với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của tổ chức, công dân có liên quan là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình cải cách TTHC; do đó, một số đơn vị đã tích cực thực hiện và đạt kết quả bước đầu. Năm 2008 Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hậu Lộc đã được cấp giấy chứng nhận có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2000; đến năm 2011, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, UBND huyện Hà Trung, Nga Sơn, Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Sầm Sơn và thành phố Thanh Hóa đã được cấp giấy chứng nhận có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008.

4. Việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông:

- Theo báo cáo, đến nay 33/33 đơn vị được giám sát đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa; cách làm phổ biến là bố trí từ 01 - 03 công chức chuyên trách (một số đơn vị có bán chuyên trách và lao động hợp đồng) làm việc tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; phân công Chánh Văn phòng hoặc Phó Chánh Văn phòng phụ trách kiêm nhiệm. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, các đơn vị đã bố trí phòng làm việc của bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cơ bản đáp ứng yêu cầu. Một số đơn vị như UBND thành phố Thanh Hóa, các huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Nga Sơn và Thị xã Bỉm Sơn đã thí điểm mô hình Trung tâm một cửa điện tử phục vụ cải cách hành chính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý hồ sơ công việc tại các đơn vị tạo thuận lợi khi kiểm tra tiến độ giải quyết TTHC qua hệ thống máy vi tính và mạng Internet.

Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua cơ chế một cửa tại các cơ quan cấp tỉnh đạt tỷ lệ cao so với các huyện, thị xã. Cụ thể: Văn phòng UBND tỉnh 100% hồ sơ giải quyết công việc được tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa; Sở Tài chính 76/76 = 100%, Sở Xây dựng 38/38 = 100%, Sở Kế hoạch và Đầu tư 123/127 = 97%, Sở Tài nguyên và Môi trường 114/157 = 73%; UBND thị xã Bỉm Sơn 126/189 = 67%, UBND các huyện: Nga Sơn 166/193 = 86%, Đông Sơn 37/131=28%, Cẩm Thủy 56/215 = 26%, Hoằng Hóa 45/180 = 25%, Hà Trung 38/150 = 25%, Triệu Sơn 49/216 = 23%, Lang Chánh 25/183 = 14%, Thường Xuân 17/224 = 8%, Ngọc Lặc 14/226 = 6%, Vĩnh Lộc 07/188 = 4%, (Chi tiết xem biểu 5 và báo cáo kết quả giám sát của các đoàn kèm theo).

- Về thực hiện cơ chế một cửa liên thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cơ chế một cửa liên thông đối với 26 TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký phát triển doanh nghiệp. Sở đã chủ trì, phối hợp với Cục thuế, Công an tỉnh đưa quy trình cấp đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế và đăng ký con dấu đối với việc thành lập doanh nghiệp. Thực hiện cơ chế một cửa liên thông đã giảm thời gian cấp giấy thành lập doanh nghiệp xuống còn 5 ngày (quy định là 10 ngày).

5. Kết quả giải quyết công việc cho tổ chức và người dân:

Hầu hết các đơn vị đã có những nỗ lực cố gắng trong tổ chức triển khai thực hiện cải cách TTHC và đạt được những kết quả quan trọng. Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của phần lớn cán bộ, công chức có chuyển biến tích cực; tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu được chấn chỉnh; thời gian giải quyết công việc cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp nhanh hơn. Cụ thể từ năm 2007 - 2011:

- Văn phòng UBND tỉnh đã tiếp nhận 51.789 hồ sơ công việc, giải quyết đúng hạn 47.677 hồ sơ, công việc đạt 92,1% (trong đó năm 2007 tiếp nhận 8.726 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 8.403, đạt 96,3%; năm 2008 tiếp nhận 9.466 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 8.770, đạt 92,6%; năm 2009 tiếp nhận 10.231 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 8.750, đạt 85,5%; năm 2010 tiếp nhận 10.912 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 9.538, đạt 87,4%; năm 2011 tiếp nhận 12.454 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 12.216, đạt 98,1%);

- Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận 18.955 hồ sơ, trong đó 97,4% hồ sơ được giải quyết đúng hạn, 2,6% hồ sơ chậm.

- Sở Tài chính (trong số 28 TTHC Đoàn lựa chọn giám sát) đã tiếp nhận 11.046 hồ sơ; giải quyết bảo đảm thời gian so với quy định 10.643 hồ sơ, đạt 96%. Trong đó giải quyết nhanh trước thời hạn 2.865 hồ sơ đạt 26%, đúng thời hạn 7.778 hồ sơ, đạt 70%; chậm 403 hồ sơ (chiếm 4%).

- Sở Xây dựng đã tiếp nhận 4.628 hồ sơ thì 100% đã được giải quyết đảm bảo thời gian theo quy định của Sở, ngắn hơn so với thời gian quy định của tỉnh; trong đó, số giải quyết nhanh trước thời hạn 1.456 hồ sơ, đạt 31,7%; giải quyết đúng thời hạn 3.134 hồ sơ, đạt 68,3%.

- Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 6.472 hồ sơ; giải quyết đúng hạn 6.116 hồ sơ, đạt 96%; trong đó giải quyết nhanh trước thời hạn 3.495, đạt 54%; chậm 356 hồ sơ (chiếm 6%).

- Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn đã tiếp nhận 1.780 hồ sơ, trong đó 100% được giải quyết đúng hạn, có 95% hồ sơ giải quyết nhanh trước thời hạn.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thời gian theo quy định đạt từ 70 -100%.

III. NHỮNG HẠN CHẾ, TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Những hạn chế , tồn tại:

- Một số đơn vị quán triệt, chỉ đạo thực hiện cải cách TTHC chưa kiên quyết, không thường xuyên, chưa bám sát các mục tiêu cải cách để thực hiện có kết quả; chưa chủ động nghiên cứu để tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về thực hiện cơ chế một cửa liên thông giữa các sở, ban, ngành, UBND huyện, giữa cấp huyện, cấp xã nhằm quy định rõ trách nhiệm, thời hạn giải quyết TTHC tại từng cơ quan, đơn vị tạo cơ sở để thực hiện cải cách TTHC hiệu quả hơn. Thực tế nhiều thủ tục thuộc các lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp cùng giải quyết nhưng chưa có quy định cụ thể về quy trình thực hiện nêu hiệu quả giải quyết chưa cao.

- Nhiều nơi sự phối hợp công tác giữa các cơ quan hành chính nhà nước, giữa cơ quan chuyên môn cấp trên với UBND cấp dưới, giữa các bộ phận chuyên môn trong cùng cơ quan chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết công việc cho tổ chức và người dân.

- Một số đơn vị, người đứng đầu chưa chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên công tác cải cách TTHC mà giao cấp phó phụ trách, do đó hiệu quả công tác cải cách TTHC chưa cao, hình thức. Một số đơn vị bố trí cán bộ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả chưa đáp ứng yêu cầu, còn bố trí cán bộ bán chuyên trách, lao động hợp đồng tại bộ phận một cửa.

- Diện tích phòng tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả còn chật hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa bảo đảm theo quy định tại Điều 12, Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

- Việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông còn bộc lộ những bất cập và yếu kém. Lựa chọn TTHC (thuộc lĩnh vực nào, bao nhiêu thủ tục) để đưa vào giải quyết theo cơ chế một cửa đang phụ thuộc vào cách làm của từng đơn vị; đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký hộ kinh doanh, có nơi giải quyết theo cơ chế một cửa, có nơi phòng chuyên môn trực tiếp nhận hồ sơ và giải quyết. Cũng vì thế nên danh mục TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa giữa các huyện không thống nhất và chiếm tỷ lệ còn thấp so với tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết. Tại một số cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện vẫn còn hiện tượng đại diện tổ chức, người dân mặc dù nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa nhưng vẫn gặp gỡ trực tiếp với cán bộ, công chức phòng chuyên môn bằng nhiều hình thức để được giải quyết công việc theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức mình.

- Việc công khai TTHC tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả ở một số cơ quan, đơn vị chưa bảo đảm theo yêu cầu (danh mục TTHC được công khai còn ít; việc công khai bằng hệ thống bảng biểu chưa nhiều, chủ yếu đóng thành tập, không thuận lợi trong tra cứu văn bản). Một số đơn vị giải quyết TTHC chậm thời hạn so với quy định; có đơn vị (Quan Sơn) dù đã niêm yết TTHC tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả nhưng chưa giải quyết các TTHC cho tổ chức và người dân theo cơ chế một cửa; UBND huyện Tĩnh Gia dù trước đó đã thực hiện cơ chế một cửa đối với một số TTHC nhưng từ năm 2009 đến nay các phòng chuyên môn trực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.

- Một số đơn vị chưa thường xuyên cập nhật, rà soát TTHC nhằm phát hiện, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ kịp thời. Có đơn vị khi đối chiếu Bộ TTHC do UBND tỉnh công bố với văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC, phát hiện thêm TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng chưa phản ánh, kiến nghị với UBND tỉnh để công bố bổ sung (UBND thị xã Bỉm Sơn có 03 TTHC mới thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; UBND thị xã Sầm Sơn thực hiện thủ tục xác nhận Hợp đồng lao động giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, TTHC này không có trong Bộ TTHC chung áp dụng tại cấp huyện trên địa bàn tỉnh).

- Còn tình trạng không cấp giấy biên nhận hồ sơ hoặc yêu cầu xuất trình, nộp thêm giấy tờ ngoài quy định gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức và người dân khi đến giao dịch.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách TTHC ở một số đơn vị còn hạn chế, bất cập (xây dựng Website nhưng không hoạt động; niêm yết TTHC tại nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua màn hình cảm ứng có cài phần mềm hỗ trợ nhưng khó tra cứu, chưa thuận lợi khi có nhiều người cùng tìm hiểu thông tin về các TTHC).

- Nhiều cơ quan, đơn vị chưa xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước theo Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg ngày 20/6/2006 và Quyết định số 118/2009/QĐ-TTg ngày 30/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

- Một bộ phận nhân dân chưa tích cực "chung tay cải cách TTHC", nhất là phát hiện, kiến nghị, đóng góp ý kiến với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Diễn ra cùng thời điểm với việc tổ chức cuộc giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã gửi phiếu khảo sát, tham vấn 300 doanh nghiệp về tình hình thực hiện cải cách TTHC của một số sở nhưng chỉ có 29 doanh nghiệp phản hồi ý kiến.

2. Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại:

- Nguyên nhân khách quan: Một số văn bản của trung ương thiếu đồng bộ, chồng chéo. Mặt khác, sự tồn tại của nền hành chính theo cơ chế bao cấp đã và đang để lại di chứng của sự trì trệ, quan liêu, cửa quyền ở một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, gây cản trở cho công tác cải cách TTHC. Một số bộ, ngành vẫn có xu hướng giữ thuận lợi cho hoạt động quản lý của mình nhiều hơn là đáp ứng yêu cầu, tạo thuận lợi cho nhiệm vụ chung, doanh nghiệp và người dân.

- Nguyên nhân chủ quan: Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách TTHC nói riêng; chưa đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ và bố trí nguồn lực thỏa đáng cho nhiệm vụ này.

Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết công việc hiệu quả chưa cao. Tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao. Việc thanh tra, kiểm tra công vụ để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý cán bộ, công chức nhằm làm trong sạch bộ máy chưa thường xuyên và chưa nghiêm. Kinh phí giành cho cải cách TTHC chưa được quan tâm bố trí phù hợp với yêu cầu thực tế.

* Đánh giá chung:

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về cải cách hành chính nhà nước nói chung, cải cách TTHC nói riêng; đồng thời nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải cách TTHC cũng như ảnh hưởng của cải cách TTHC đối vớimọi mặt của đời sống xã hội; trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2007 - 2011, công tác cải cách TTHC của các cấp, các sở, ban ngành được đẩy mạnh và đạt được những kết quả tích cực. Các TTHC đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch, giảm phiền hà cho tổ chức, công dân. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bước trưởng thành về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho cải cách TTHC được quan tâm đầu tư; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách TTHC đã góp phần từng bước hiện đại hóa nền hành chính nhà nước. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 tại một số đơn vị bước đầu đã đạt kết quả, tạo ra lề lối, phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả.

Tuy nhiên, một số đơn vị chưa ban hành hoặc ban hành chậm Quy chế quy định quy trình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký, trả lại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Việc thống kê, rà soát các TTHC, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, các yêu cầu, điều kiện của TTHC thực hiện không đầy đủ, chưa thường xuyên. Việc công khai, minh bạch các TTHC ở một số đơn vị còn hạn chế, số lượng TTHC được công khai còn ít, hình thức công khai đơn điệu, chưa phong phú, khó truy cập. Cơ sở vật chất phục vụ cho cải cách TTHC; bố trí đội ngũ công chứclàm việc tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.

PHẦN THỨ BA: MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

1. Kiến nghị với Tỉnh ủy:

Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, công chức gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trương ương Đảng khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", nhằm làm cho hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; đầy lùi tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thực hiện tốt hơn công tác cải cách TTHC ở tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, có số lượng lớn giao dịch và dễ phát sinh tiêu cực trong giải quyết công việc; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 27/6/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015.

2. Kiến nghị với HĐND tỉnh:

Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tăng cường công tác giám sát việc thực hiện cải cách TTHC.

3. Kiến nghị với UBND tỉnh:

1) Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý hành chính phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, ở từng ngành, từng lĩnh vực; quy định rõ thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm để chủ động tổ chức thực hiện được sát thực, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Đồng thời tăng cường vai trò chức năng quản lý nhà nước, chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên thực hiện kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh theo quy định nhằm tiếp tục đơn giản hóa TTHC.

2) Yêu cầu giám đốc các sở, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; chủ động báo cáo, tham mưu để cấp ủy Đảng cùng cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác cải cách hành chính nhà nước.

3) Quyết định phân loại công việc thực hiện giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; trong đó, bao gồm các loại công việc giải quyết ngay trong ngày làm việc không phải ghi giấy hẹn, loại công việc giải quyết phải ghi giấy hẹn theo quy định tại khoản 2, Điều 5 Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

4) Tiếp tục triển khai đồng bộ, nâng cao chất lượng cơ chế "một cửa" theo yêu cầu công khai, minh bạch, tạo sự liên thông giữa các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết TTHC, bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, rõ trách nhiệm ở từng khâu công việc.

5) Hướng dẫn sử dụng nguồn thu phí, lệ phí trong giải quyết TTHC tại các cơ quan nhà nước; hàng năm, xây dựng dự toán ngân sách cho công tác cải cách hành chính phù hợp với khả năng ngân sách địa phương.

6) Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức để có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ với chất lượng cao hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.

7) Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan được cấp Giấy chứng nhận ISO hành chính công, góp phần cải thiện và nâng cao công tác cải cách TTHC.

4. Đề nghị các sở, cơ quan ngang sở, UBND huyện, thị xã, thành phố:

1) Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị về công tác cải cách TTHC; thực hiện đúng quy định về công tác kiểm soát TTHC; bố trí nhân lực làm việc tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả bảo đảm về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

2) Thường xuyên rà soát các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và quản lý để kịp thời kiến nghị cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, loại bỏ TTHC không còn phù hợp theo hướng đơn giản hóa.

3) Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ chế một cửa, tạo thuận lợi cho tổ chức và người dân khi đến giải quyết công việc.

4) Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong quy trình giải quyết công việc; áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước./.

 

 

Ban biên tập


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.322.773
    Trong năm: 982.780
    Trong tháng: 88.943
    Trong tuần: 23.460
    Trong ngày: 1.282
    Online: 132