Liên kết đào tạo là một chủ trương của Nhà nước về đào tạo theo nhu cầu xã hội. Đây là một trong những hình thức xã hội hóa giáo dục nhằm huy động tiềm năng của các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp (gọi tắt là các trường) để đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương; tạo cơ hội học tập cho nhiều người trên cơ sở phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục đào tạo. Cùng với tình hình chung của cả nước, việc liên kết đào tạo của các trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện khá sớm và kể từ những năm 2000 thì càng về sau càng trở nên phổ biến hơn.

anhha4102012.jpg

          Không phủ nhận những kết quả tích cực từ việc liên kết đào tạo đã mang lại cho xã hội; tuy nhiên việc bung ra quá mạnh của hoạt động này đã có lúc trở thành hiện tượng bất bình thường, khó kiểm soát; quản lý nhà nước về vấn đề này chưa chặt chẽ; chưa xây dựng và ban hành được các quy định cụ thể để quản lý về liên kết đào tạo; chưa có kế hoạch chỉ đạo định hướng nhu cầu ngành nghề đào tạo; kiểm tra, thanh tra còn ít, xử lý các sai phạm còn chậm; sự phối hợp giữa các ngành trong quản lý liên kết đào tạo còn lỏng lẻo; chất lượng đào tạo "thật giả" khó phân định; dư luận nhân dân bức xúc, tới mức vấn đề này được đưa vào chương trình nghị sự của HĐND tỉnh...Tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa XV (tháng 12/2008), một số đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về tình trạng "một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh liên kết với các cơ sở đào tạo khác tuyển sinh, đào tạo các lớp cao đẳng, đại học chất lượng thấp"; và kỳ họp thứ 14 (tháng 12/2009), chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh về tình trạng " ở tỉnh ta việc mở các lớp đào tạo liên kết với các trường đại học, cao đẳng còn nhiều thiếu sót, trong đó có việc buông lỏng quản lý của các cấp, các ngành...". Năm 2010, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề việc liên kết đào tạo của các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2005 - 2010. Tiếp thu ý kiến của HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 08/7/2010 về chấn chỉnh hoạt động liên kết đào tạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Từ đó đến nay, tình hình liên kết đào tạo tại các trường, trung tâm và các huyện, thị, thành phố trên địa bàn có những chuyển biến tích cực hơn, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ năm 2010 đến nay có 5.037 học sinh, sinh viên theo học tại 14 đơn vị liên kết đào tạo với 24 chuyên ngành là: lọc hóa dầu; công nghệ kỹ thuật điện; hệ thống điện; công nghệ thông tin; xây dựng cầu đường; Y sĩ y học cổ truyền; trồng trọt; kế toán; quản trị kinh doanh; quản lý đất đai; tài chính ngân hàng, luật kinh tế; tiếng Anh; sư phạm mầm non; sư phạm tiểu học; giáo dục thể chất; quản lý giáo dục; quản lý vănhóa; sư phạm âm nhạc; sư phạm mỹ thuật; sư phạm kỹ thuật... Có 20 trường trường đại học, cao đẳng trong phạm vi cả nước tham gia liên kết đào tạo trên địa bàn tỉnh, đó là: Đại học công nghiệp Hà Nội, Đại học điện lực, Đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, Đạihọc mỏ địa chất; Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học sư phạm Hà Nội 2, Đại học sư phạm nghệ thuật Trung ương, Đại học sư phạm thể dục thể thao Hà Nội, Đại học tài nguyên môi trường, Đại học thể dục thể thao Bắc Ninh, Đại học Thành Tây, Đại học thương mại, Đại học Vinh, Học viện quản lý giáo dục, Viện Đại học mở Hà Nội, Cao đẳng hóa chất Phú thọ, Cao đẳng kinh tế kỹ thuật thương mại, Trung cấp y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội...Đối với các trường trong tỉnh, hiện có 17 cơ sở giáo dục (Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng và Đại học) có chức năng và đủ năng lực để liên kết đào tạo những chuyên ngành ở bậc cao hơn ngành mà các trường đang đào tạo, đảm bảo đúng Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Số đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý trong 17 trường là 2.366 người. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý việc liên kết đào tạo được thực hiện thường xuyên từ năm 2010 đến nay, đã phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm trong liên kết đào tạo tại Thanh Hóa, yêu cầu các trường Đại học chuyển các lớp liên kết đào tạo bậc Đạihọc, Cao đẳng tại các huyện về các trường Đại học và trung cấp chuyên nghiệp ở thành phố Thanh Hóa; đình chỉ liên kết đào tạo, xử phạt vi phạm hành chính đối với một số trường liên kết đào tạo trái phép...

Tuy nhiên, việc liên kết đào tạo tại một số trường vẫn còn những hạn chế, yếu kém mà tựu trung nhất là hiện tượng không được cấp có thẩm quyền cho phép nhưng vẫn thực hiện liên kết đào tạo; không thuộc nhóm đối tượng được liên kết đào tạo nhưng vẫn liên kết đào tạo trong nhiều năm; không bảo đảm yêu cầu về cơ sở vật chất theo quy định mà vẫn liên kết đào tạo; việc thu, quản lý và sử dụng học phí, lệ phí có nhiều vi phạm, một số cơ sở đào tạo đã thu học phí và tự đặt ra các khoản thu khác không đúng quy định....

Những vi phạm nêu trên là do sức ép về nhu cầu học tập của học sinh và người lao động cần có một nghề để có cơ may tìm kiếm việc làm và nhằm chuẩn hóa, nâng cao trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức, giáo viên. Đối với người học ở các lớp liên kết họ có nhu cầu học thực sự nhưng không có điều kiện đi học tập trung và xa nhà, xa cơ quan công tác, nắm bắt được nhu cầu đó các trường Đại học, Cao đẳng và các cơ sở đào tạo vừa đáp ứng nhu cầu học, vừa tăng thêm nguồn thu. Thực trạng này đã dẫn đến tình trạng tổ chức liên kết tràn lan, không xin phép hoặc xin ít mở nhiều, khó khăn cho việc quản lý và kiểm soát.

Trước tình hình trên, thực hiện Nghị quyết số 30/2011/NQ-HĐND ngày 17. 12. 2011 về chương trình giám sát của HĐND tỉnh trong năm 2012, sáu tháng cuối năm Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tập trung giám sát chuyên đề việc liên kết đào tạo tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 đến nay; kết quả giám sát sẽ được Ban báo cáo với HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 5 (vào tháng 12/2012 tới).

Với sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, giám sát chặt chẽ của HĐND, quản lý, điều hành có hiệu quả của UBND tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng; tin tưởng rằng việc liên kết đào tạo của các trường trên địa bàn tỉnh sẽ có những chuyển biến mới, tích cực hơn; bảo đảm thực hiện đúng quy định tại Quyết định số 42/2008/QĐ-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; bảo đảm quyền lợi cho người học và nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với tình hình thực tế yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh./.

Lê Thu Hà


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.322.618
    Trong năm: 982.625
    Trong tháng: 88.943
    Trong tuần: 23.460
    Trong ngày: 1.127
    Online: 41