Thực hiện chương trình công tác năm 2013, ngày 20/3/2013 tại Văn Phòng Đoàn ĐBQH và Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các Nông trường và Ban quản lý rừng phòng hộ. Đồng chí Trần Quang Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc Hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, Chi cục Kiểm lâm.

PC21_3_2013.jpg

Thay mặt, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Thế Long, Phó Giám đốc Sở báo cáo tình hình quản lý, sử dụng đất đai tại các Nông trường và Ban quản lý rừng phòng hộ.

Báo cáo đã khẳng định việc sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng; nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nông lâm trường; tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, các nông, lâm trường sau khi sắp xếp chuyển đổi lại đã quản lý, sử dụng đất đúng mục đích và hiệu quả, đất được giao khoán đến hộ, năng suất cao hơn so với trước khi chuyển đổi. Rừng và đất lâm nghiệp được nhà nước giao cho các Ban quản lý rừng phòng hộ được bảo vệ và chăm sóc tốt hơn so với giao cho các cá nhân, tổ chức khác. Độ che phủ rừng ở các Ban quản lý rừng phòng hộ ở mức cao 70 - 80%, bình quân chung của tỉnh năm 2011 là 49,1%.

Đến tháng 12 năm 2011, Thanh Hóa có 12 Ban quản lý Rừng phòng hộ và 01 trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật lâm nghiệp được thành lập từ việc chuyển 12 Lâm trường, chuyển đổi và thành lập 6 Công ty TNHH trên cơ sở duy trì, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Nông trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, quá trình quản lý sử dụng đất của các Ban quản lý rừng phòng hộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Chưa tổ chức cắm mốc ranh giới, đo vẽ chi tiết lập bản đồ, hồ sơ địa chính cho từng đơn vị nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quản lý đất đai còn nhiều hạn chế, theo quy định sau khi chuyển đổi các công ty trách nhiệm hữu hạn phải làm thủ tục thuê đất theo Luật doanh nghiệp; việc thuê đất trên thực tế chưa thực hiện được; Diện tích đất đai các Nông trường đang quản lý rất lớn, nhưng năng lực tài chính hạn hẹp nên chưa khai thác được tiềm năng đất đai, lao động, chưa gắn sản xuất với chế biến; các nông trường thực hiện hợp đồng giao khoán và hợp đồng cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất còn mang tính độc quyền với người nhận khoán...

Tại buổi làm việc các thành viên trong đoàn giám sát đã tập trung thảo luận về tình hình tổ chức quản lý và sử dụng đất đai của các đơn vị sau khi chuyển đổi từ lâm trường sang Ban quản lý rừng phòng hộ và nông trường sang Công ty trách nhiệm hữu hạn; thực hiện việc giao khoán sử dụng đất; việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc bàn giao đất về cho địa phương; cắm mốc ranh giới...

Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các thành viên Ban pháp chế HĐND tỉnh, các ngành có liên quan, đồng chí Trần Quang Đảng, đã phân tích làm rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất đai ở các Ban quản lý rừng phòng hộ, công ty trách nhiệm hữu hạn Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng đất tại các đơn vị đồng chí đề nghị trong thời gian tới cần khẩn trương rà soát, phân loại, cắm mốc ranh giới, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác chỉ đạo hướng dẫn kiểm tra việc quản lý đất đai của các đơn vị để kiến nghị với các Bộ ngành trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế chính sách thực hiện đồng bộ đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; thực hiện đầy đủ đúng quy trình trong hồ sơ giao đất, thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của phát luật; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác phối hợp trong việc quản lý đất đai ở các nông lâm trường.

Cuối cùng đồng chí ghi nhận những kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chuyển các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo luật định.

Lê Thị Hương


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
542 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 4.210.185
Trong năm: 1.361.419
Trong tháng: 132.789
Trong tuần: 26.632
Trong ngày: 4.692
Online: 164