Ngày 08 tháng 5 năm 2013, Đoàn công tác của HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với UBND huyện Quảng Xương về các nội dung: việc đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết việc làm trên địa bàn huyện; việc xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch, thực hiện quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2020. Tham dự với đoàn có các thành viên Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Thanh Hoá. Đồng chí Lê Thị Thìn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Sau khi trực
tiếp khảo sát tại một số cơ sở sản xuất sản phẩm từ lốp cao su tại xã Quảng
Trạch và công ty May Sôtô đóng trên địa bàn xã Quảng Lợi, Đoàn công tác của Hội
đồng nhân dân tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Quảng Xương. Theo báo
cáo của UBND huyện, trong thời gian qua công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân
lực trên địa bàn huyện đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân
trí, đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn huyện. Công tác đào tạo, dạy nghề cho
lao động nông thôn, dạy nghề lao động trong các doanh nghiệp được quan tâm: đã
tổ chức được 8.410 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân tại các trung
tâm học tập cộng đồng xã, thị trấn với 1.044.069 lượt người tham gia (bình quân
mỗi năm 348.023 lượt người); mở 27 lớp đào tạo nghề cho 946 lao động nông thôn.
Những
kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giải quyết việc làm và dạy
nghề trong 3 năm qua đã tạo nên sự chuyển biến tích cực, góp phần tích cực vào việc
chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn huyện theo hướng tăng
tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; khuyến
khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, khôi phục các ngành nghề truyền thống.
Tổng số người lao động có việc làm mới là: 17. 815 lao động, trong đó bao gồm
685 người từ chương trình xuất khẩu lao động, 1.445 người có việc làm từ nguồn
vốn vay Ngân hàng chính sách, 7.653 lao động nông nghiệp và ngành nghề tiểu thủ
công nghiệp- dịch vụ thương mại tại chỗ, 2.525 lao động trong các doanh nghiệp
trên địa bàn huyện, 5.552 lao động tại Khu công nghiệp Lễ Môn và các doanh
nghiệp khác trên địa bàn. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song công tác đào tạo nguồn
nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá và
xây dựng nông thôn mới. Chất lượng một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã
còn hạn chế. Cơ sở vật chất cho đào tạo
nghề, chuyển giao kỹ thuật còn hạn chế. Số lao động có việc làm mới hàng năm đạt tỷ lệ thấp, thu nhập không ổn định.
Về
tình hình xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát
triển du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2020 cũng được huyện Quảng xương quan
tâm chỉ đạo. Toàn huyện có 3 mặt bằng quy hoạch phát triển du lịch đã được phê
duyệt, với diện tích gần 679,6 ha gồm: Khu Du lịch Nam Sầm Sơn, Khu Đô thị du
lịch sinh thái biển Tiên Trang, xã Quảng Lợi; Khu Du lịch Làng mom- Lạch Ghép
và đầu Cầu Ghép. Trong đó Khu du lịch biển Tiên Trang đang được đầu tư, bắt đầu
đi vào hoạt động, bước đầu tạo được sự quan tâm đến tham quan, tắm biển của du
khách trong và ngoài tỉnh. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thu
hút ngày càng nhiều du khách gần xa đến với Quảng Xương, huyện đã triển khai và
thực hiện tốt Đề án trùng tu, tôn tạo và chống xuống cấp các di tích; từ năm
2006 đến 2012 đã trùng tu, tôn tạo 11 di tích, chống xuống cấp 15 di tích, tiêu
biểu như: Đền thờ Trần Nhật Duật, xã Quảng Hợp, chùa Nổ xã Quảng Ngọc, đền
Nghiêm xã Quảng Giao, đền thờ Bùi Sỹ Lâm xã Quảng Tân, di tích cách mạng cây Đa
làng Si xã Quảng Chính…các di sản văn hóa phi vật thể cũng được quan tâm khôi
phục, phát huy các giá trị. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế thì những kết
quả đạt được của huyện về phát triển du lịch còn nhiều hạn chế như: một số dự
án quy mô lớn được triển khai thực hiện chậm, kéo dài nhiều năm ảnh hưởng đến
đời sống của nhân dân. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, lễ hội còn hạn
chế do đó chưa thu hút được du khách gần xa.
Để khắc phục
những hạn chế, bất cập về các lĩnh vực trên huyện Quảng Xương đề xuất với tỉnh
tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí xây dựng và mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy
học cho trường Trung cấp nghề Quảng Xương; đầu tư có trọng tâm trọng điểm để
huyện Quảng Xương phát huy thế mạnh về du lịch…
Tại
buổi làm việc các thành viên trong đoàn công tác và lãnh đạo huyện Quảng Xương
đã trao đổi, thảo luận, làm rõ một số vấn đề có liên quan đến thực trạng của công
tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng như công tác xây dựng quy hoạch,
quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020 của
huyện Quảng Xương.
Phát
biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh
ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả huyện Quảng Xương đã đạt được
về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng như quy hoạch, quản lý quy
hoạch và phát triển du lịch đến năm 2020 đồng thời đề nghị huyện cần tiếp tục
nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực, bố trí những
người có phẩm chất đạo đức, năng lực vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước;
quan tâm nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh THCS và
THPT học đúng nghề, để học sinh lựa chọn đúng ngành học mà xã hội đang cần;
nâng cao năng lực trách nhiệm quản lý Nhà nước về đào tạo, việc làm và lao động,
xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong đó vai trò của cấp
huyện, cấp xã là hết sức quan trọng. Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh,
huyện cần tập trung thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, ưu tiên
đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng phát triển du
lịch, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều doanh nghiệp
đầu tư trên địa bàn tạo nhiều việc làm cho người lao động. Đối với những đề
xuất kiến nghị của huyện, đoàn công tác của HĐND tỉnh sẽ trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới./.
Lê Thu Hà