Trong các ngày từ 18 đến 20 tháng 3 năm 2014, Ban Dân tộc HĐND tỉnh tiến hành giám sát việc đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện Mường Lát, Quan Hóa. Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm Trưởng Đoàn, cùng tham gia có đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, lãnh đạo Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường tỉnh.
Mường Lát và Quan Hóa là
2 huyện vùng núi cao, có đường biên giới, địa hình phức tạp, nguồn nước dùng
cho sinh hoạt khu dân cư chủ yếu là lấy từ các khe suối chưa qua xử lý. Tuy
nhiên, ở một số vùng do chặt phá rừng nên nguồn nước cạn kiệt thiếu nước sinh
hoạt, gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân nông thôn. Thực hiện
chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, 2 huyện đã
được quan tâm đầu tư nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung như: Chương
trình 134, 135; Chương trình nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về nước
sạch và vệ sinh môi trường. Đối với huyện Mường Lát giai đoạn 2010 đến 2013
được đầu tư 33 công trình nước sinh hoạt tập trung, trong đó có 17 công trình
do Trung tâm nước sinh hoạt tỉnh làm chủ đầu tư; huyện Quan Hóa đầu tư 32 công
trình, có 13 công trình Trung tâm nước sinh hoạt tỉnh làm chủ đầu tư. Các công
trình hoàn thành đưa vào sử dụng, những năm đầu đều phát huy được hiệu quả nhất
định, khắc phục được tình trạng người dân phải đi gánh nước, xách nước ở những
nơi xa cách nhà, chất lượng nguồn nước được xử lý qua bể lọc, không bị ảnh
hưởng bởi thời tiết lúc có mưa nước chảy từ các nguồn về gây đục và ô nhiễm.
Qua khảo sát tại một số xã:
Mường Lý, Mường Chanh, Tam Chung, Pù Nhi của huyện Mường Lát; các xã Thiên Phủ,
Nam Xuân, Hồi Xuân, Xuân Phú, Phú Nghiêm của huyện Quan Hóa. Đoàn có buổi làm
việc với lãnh đạo 2 huyện Mường Lát và Quan Hóa để nghe báo cáo tình hình, kết
quả việc triển khai, thực hiện đối với các công trình nước sạch tập trung trên
địa bàn. Trước hết, coi đây là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước
ta, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với đồng bào các dân tộc miền núi, vùng có
điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, lãnh đạo huyện cũng đang tập
trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương này, tuyên truyền để nhân dân
hiểu và tham gia. Đồng thời mong muốn đề nghị nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư
đến các thôn, bản hiện nay chưa được đầu tư rất khó khăn về nguồn nước, để ổn
định đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, qua giám sát
Đoàn nhận thấy vẫn còn tồn tại ở địa phương đó là: Việc khảo sát, thiết kế một
số công trình chưa phù hợp về địa điểm và quy mô, chất lượng công trình kém; sự
phối với giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ; hồ sơ, thủ tục bàn giao công
trình cho đơn vị quản lý còn sơ sài, thiếu trách nhiệm, tài sản chưa được thống
kê, hạch toán kế toán để quản lý tại địa phương; chưa ban hành được quy chế
quản lý, khai thác vận hành công trình; ý thức người dân trong việc tham gia sử
dụng, bảo quản kém; nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình không được huy
động, bố trí, dẫn đến công trình nhanh xuống cấp…
Thay mặt Đoàn giám sát,
Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Đoàn đã ghi nhận những kết quả đạt được trong việc
triển khai thực hiện Chương trình nước sạch nông thôn ở 2 huyện. Đồng thời đề
nghị chính quyền địa phương 2 huyện cần nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn
chế mà các thành viên Đoàn giám sát đã nêu và quan tâm thực hiện tốt các chủ
trương, chính sách trên địa bàn./.
Cầm Bá Chái