Ngày 21 tháng 6 năm 2014, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh làm việc với sở Y tế, sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh trong thời gian từ năm 2012 đến nay.
Đồng chí Trần Quang Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì buổi làm việc. Đồng chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Chi Cục quản lý thị trường cùng dự buổi làm việc.
Căn cứ chức
năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian từ tháng 01 năm 2012 đến tháng 5 năm
2014, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế đã tổ chức nhiều hội nghị
triển khai, quán triệt và thực hiện các quy định của pháp luật, các chủ trương,
chính sách và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các bộ,
ngành trung ương, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 127 tỉnh về công tác đấu tranh phòng,
chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tới các phòng chuyên môn thuộc
UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi
quản lý.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được
các đơn vị chú trọng. Ngành y tế đăng tải toàn văn các quy định pháp luật, các
chủ trương, chính sách của các bộ, ngành, ban chỉ đạo 127 về công tác đấu tranh
phòng, chống buôn lậu hàng giả và gian
lận thương mại trên trang điện tử của ngành; phối hợp thường xuyên với Báo
Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh kịp thời đưa tin bài về công tác an
toàn thực phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2012 tổ chức 2.610
hội nghị, lớp tập huấn, in ấn 3.500 cuốn tài liệu cấp phát đến cơ sở, tuyên
truyền trên loa phóng thanh 1.257 lần, phát trên đài Phát thanh Truyền hình
tỉnh 13 chuyên mục; năm 2013, tổ chức 3.075 hội nghị, lớp tập huấn, tuyên
truyền lưu động và trên loa phóng thanh 1.538 lần, Đài phát thanh Truyền hình
tỉnh phát sóng 40 chuyên mục, đài truyền thanh thành phố phát sóng 90 bản tin.
Công tác phát hiện,
ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, hành nghề y dược tư
nhân được ngành y tế tập trung chỉ đạo đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên
quan tăng cường công tác kiểm tra về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, sản
xuất kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả, trong hành
nghề y dược tư nhân đã kiểm tra 221 vụ, xử lý 75 vụ, nộp ngân sách nhà nước
trên 447 triệu đồng; an toàn thực phẩm 36.509 vụ, xử lý 1.091 vụ, nộp ngân sách
nhà nước gần 2 tỷ đồng.
Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 2.737 tổ
chức, cá nhân có vi phạm về chất lượng, nhãn mác, hàng hóa, điều kiện sản xuất
kinh doanh, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái phép, nộp ngân sách nhà nước
trên 55 tỷ đồng.
Phát biểu
tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thị Thìn Uỷ
viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nêu rõ hiện nay
cử tri tại nhiều địa phương băn khoăn về tình trạng giống cây trồng, phân bón,
thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi chất lượng kém và có cả hàng giả trên
thị trường gây tổn hại đến kinh tế của người dân. Mặc dù các ngành đã có nhiều
cố gắng nhưng trên thực tế công tác phòng, chống buôn lậu hàng giả và gian lận
thương mại có sự buông lỏng trong công tác quản lý, chưa đáp ứng yêu cầu. Kết
quả xử lý của 2 ngành còn hạn chế chưa tương xứng với tình hình phức tạp đang
diễn ra hiện nay. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới cần tập trung tăng
cường, phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan như Mặt trận tổ quốc và các
đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao
nhận thức về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý
thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi doanh nghiệp và
người dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh đúng
quy định của pháp luật trong đó chú trọng kiểm tra các vi phạm về niêm yết giá,
thuốc tân dược, đăng ký kinh doanh, chất lượng giống cây trồng, phân bón...
thực hiện đầy đủ các bước thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định. Phối hợp chặt
chẽ, thường xuyên với các cơ quan chuyên trách thực hiện công tác đấu tranh
phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Kết luận
tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quang Đảng đã khẳng định những kết quả đạt
được của các ngành chức năng trên lĩnh vực chống buôn lậu, hàng giả và gian lận
thương mại đã có tác dụng cảnh báo, răn đe và phòng ngừa vi phạm. Đồng chí cũng
thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm của 2 ngành trong thời gian qua;
đề nghị trong thời gian tới 2 ngành cần cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả
và gian lận thương mại tăng cường lãnh đạo, điều hành quản lý, phối hợp với các
cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các
hành vi vi phạm. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công và bố trí lực lượng, tập trung đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền trong đấu
tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các vi phạm buôn lậu, hàng giả và gian lận thương
mại. Tăng cường phổ biến, tuyên truyền và công khai trên các phương tiện thông
tin đại chúng về các trường hợp vi phạm; những vấn đề cần lưu ý nhắc nhở người
tiêu dùng cần tránh. Việc phát hiện, xử lý các vi phạm phải đúng quy định pháp
luật vừa thể hiện sự nghiêm minh, có tác dụng giáo dục và ngăn ngừa vi phạm.
Củng cố kiện toàn các cơ quan chuyên trách trong thực thi công tác đấu tranh
phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. 2 ngành cần xây dựng
đội ngũ cán bộ, công chức có tác phong
liêm chính trong thực hiện nhiệm vụ.