Thực hiện Chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2016, ngày 04/3, Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh làm việc với huyện Nga Sơn về việc thực hiện các chế độ trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo bồi dưỡng; Việc quản lý, sử dụng các khoản thu từ học phí và các khoản thu khác trong các trường mầm non, tiểu học và phổ thông công lập trên địa bàn hiện nay. Đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Hiện nay trên địa bàn huyện Nga Sơn có 87 trường học (từ bậc học mầm non
đến bậc học THPT), 01 trường Trung cấp nghề và 01 Trung tâm GDTX; với 958 lớp,
29.075 học sinh; 2.200
cán bộ, giáo viên. So với nhu cầu thực tế, số giáo viên bậc mầm non còn thiếu 37,
bậc tiểu học thiếu 18 giáo viên và bậc THCS dư 79 giáo viên. Trong những năm qua,
chất lượng giáo dục các bậc học trên địa bàn huyện luôn nằm trong tốp đầu của
tỉnh.
Việc thu và sử dụng các khoản thu trong
các trường học được thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của tỉnh. Việc quản lý
sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho sự nghiệp
giáo dục được các nhà trường thực hiện nghiêm túc và theo quy định. Các chế độ
chính sách đối với cán bộ, giáo viên và học sinh (đối tượng thụ hưởng chính
sách) các cấp học được chi trả kịp thời; đảm bảo cân đối nguồn để thực hiện chi
theo dự toán, đồng thời bổ sung chi một số nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền
giao. Tập trung giải quyết các chế độ phụ cấp cho các xã bãi ngang, cấp bù học
phí và hỗ trợ chi phí học tập từng năm học cho học sinh; kinh phí hỗ trợ ăn
trưa cho trẻ em 3 - 5 tuổi của bậc học Mầm non...theo đúng quy định. Đối với
cán bộ, giáo viên được cử đi đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn
được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách chi nghiệp vụ của các đơn vị trường
học.
Từ năm 2011 đến nay, UBND huyện Nga
Sơn đã cử 2178 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo bồi dưỡng nâng cao
trình độ kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1 tỷ
đồng.
Tại buổi làm việc, UBND huyện và các nhà trường đã kiến nghị với HĐND, UBND tỉnh và các ngành liên
quan nâng mức hỗ trợ kinh phí đối với số cán bộ, giáo viên được cử đi đào tạo;
chuyển ngạch lương đối với số giáo viên đã học chuyển đổi bằng; có quy định đối
với các khoản được thu trong các trường; nâng mức thu học phí đối với các cấp
học; tiếp tục có giải pháp đối với số giáo viên dôi dư.
Phát biểu kết
luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh
ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đánh
giá cao chất lượng giáo dục - đào tạo trên địa bàn huyện Nga Sơn. Đồng chí đề
nghị huyện tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng, luân chuyển, tiếp
nhận và bổ nhiệm cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn. Rà soát, đánh giá đúng
trình độ đội ngũ cán bộ, công chức và công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời
gian qua, từ đó xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể theo
từng giai đoạn. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ và nhu cầu thực tiễn của cơ quan,
đơn vị, địa phương, các cấp ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù
hợp với từng chức danh, ngạch, bậc; quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, tránh tình
trạng cán bộ, công chức đi học nhằm hợp thức hoá bằng cấp. Tạo điều kiện đối
với số sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy, có trình độ chuyên môn phù hợp
về công tác tại các cơ quan hành chính cấp xã.
Đồng chí Trưởng
ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đề nghị các trường học trên địa bàn huyện thực
hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của tỉnh về việc thu và quản lý sử dụng các
khoản thu trong nhà trường theo đúng quy định. Kinh phí từ nguồn ngân sách nhà
nước chi thường xuyên cho giáo dục phải được chi đủ và đúng mục đích.
Đối với các kiến
nghị, đề xuất của các đơn vị Ban sẽ tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền xem
xét giải quyết.
Lê Như Hoa