Thực hiện chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2017, ngày 03 tháng 3 năm 2017, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tại huyện Lang Chánh về việc quy định danh mục địa bàn (thôn, bản) và khoảng cách học sinh không thể đến trường và trở về trong ngày trên địa bàn huyện để thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ; Kế hoạch sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề của huyện đến năm 2020; Kết quả thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm 2015 đến nay. Đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Trong
chương trình làm việc, Đoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã đến
thăm, tìm hiểu tình hình hoạt động của Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy
nghề huyện; thăm Lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại bản Chiềng Khạt xã Đồng Lương và
Trường tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh.
Thực hiện Nghị định 116/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ
về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt
khó khăn. UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, nhà trường trên địa bàn thống kê,
rà soát các thôn bản có khoảng cách, địa bàn vùng đặc biệt khó khăn học sinh
không thể đi đến trường và trở về trong ngày. Năm học 2016-2017 huyện có 94 thôn, bản với 732 học sinh đang học tập
tại các trường bán trú và học sinh tiểu học, THCS bán trú tại các trường công
lập thuộc đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính
phủ. Các chế độ chính sách đối với giáo viên, học sinh được thực hiện theo quy
định và kịp thời.
Hiện nay Trung tâm
Giáo dục thường xuyên và dạy nghề của huyện đang hoạt động theo mô hình vừa
thực hiện chức năng giáo dục vừa dạy nghề, nên không sáp nhập mà chuyển đổi tên
đơn vị và bổ sung chức năng nhiệm vụ theo chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên tại
buổi làm việc, đơn vị đã kiến nghị với tỉnh tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề,
đội ngũ giáo viên dạy nghề cho Trung tâm; tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ
chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cho đội ngũ giáo viên dạy nghề; hỗ trợ nguồn
kinh phí dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho người lao động sau đào tạo...
Về kết quả thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động
nông thôn, từ năm 2015 đến nay, huyện Lang Chánh đã mở được 5 lớp nghề nông
nghiệp như (nghề nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm, nghề chăn nuôi lợn nái
sinh sản) và 4 lớp nghề phi nông nghiệp như (nghề may công nghiệp, nghề dệt thổ
cẩm), với hơn 300 học viên tham gia.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy
viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa -
Xã hội HĐND đề nghị UBND huyện Lang Chánh trên cơ sở các văn bản của Trung ương
và của tỉnh, rà soát các thôn bản và đối tượng học sinh được hưởng chính sách theo
Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ phải chính xác, đảm bảo đúng đối tượng, công
khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh sinh sống, học tập tại
vùng có điều kiện khó khăn được học tập tốt hơn. Đồng chí đề nghị huyện cần làm
tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ
trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với phát triển giáo dục và
đào tạo nghề. Xác định nghề trọng điểm, thống kê số lượng lớp học, số lao động
tìm được việc làm sau khi học nghề. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc chính sách
đối với cán bộ, giáo viên, học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.
Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực đào tạo nghề, xuất khẩu lao động trên
địa bàn huyện. Đối với các kiến nghị, đề xuất của đơn vị và Trung tâm Giáo dục
thường xuyên và Dạy nghề huyện Lang Chánh, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tiếp
thu và tổng hợp trình HĐND tỉnh.
Lê Thu Hà