Ngày 12 tháng 7 năm 2017, Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa 17 bước sang ngày làm việc thứ 2. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận tại Tổ; buổi chiều thảo luận tại Hội trường.

 

 KYHOP 1272017.jpg

Các đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá với các số liệu trong báo cáo của UBND tỉnh. Trên lĩnh vực đầu tư, nhiều đại biểu đề cập, trong khi nguồn vốn đầu tư công đang bị thắt chặt thì trên thực tế, việc sử dụng nguồn vốn này vẫn chưa hợp lý, còn dàn trải nên hiệu quả chưa cao. Các đại biểu đề nghị, đối với các dự án đang đầu tư chuyển tiếp, nhất là các dự án đê điều, hồ đập đã xuống cấp nghiêm trọng, cầu dân sinh tỉnh cần ưu tiên ghi vốn đầu tư dứt điểm để phát huy hiệu quả đầu tư. Về phía các địa phương, có ý kiến cho rằng phải phát huy hơn nữa tính chủ động, sáng tạo trong việc thu hút doanh nghiệp và tạo các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đối với những dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không tiến hành đầu tư theo quy định phải kiên quyết thu hồi để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác và đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

 

Về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhiều đại biểu cho rằng: phải tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, có giải pháp để tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa lớn bao gồm: Các gia đình góp đất để tổ chức sản xuất cho doanh nghiệp thuê; các huyện có quy hoạch sản xuất nông nghiệp cho các loại cây có lợi thế; phát huy vai trò của Hợp tác xã, quan tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

 

Về lĩnh vực xây dựng, giao thông, các đại biểu đề nghị quan tâm đầu tư các tuyến đường giao thông có tính liên vùng, liên huyện để khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo điều kiện đề các địa phương có nguồn lực đầu tư phát triển; giao cho các Ban Quản lý đầu tư xây dựng chuyên ngành và dự án đầu tư xây dựng khu vực làm chủ đầu tư các dự án; có sự tách bạch giữa các ban với các Sở, Ngành trong thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý dự án. Đề nghị Tỉnh tiếp tục bố trí vốn để tiếp tục thi công cầu Bến Kẹm (huyện Bá Thước).

 

Về phát triển doanh nghiệp, một số đại biểu đề nghị tỉnh cần có các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, tìm những sản phẩm mới mang thương hiệu Thanh Hóa; tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển thu hút lao động; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách chế độ công vụ, công chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm.

 

Về lĩnh vực tài nguyên – môi trường, nhiều đại biểu đề nghị tỉnh sớm quyết định chuyển bộ máy tổ chức của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại các huyện, thị xã, thành phố về Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý theo quy định của Luật Đất đai; để hạn chế tình trạng nợ tiền sử dụng đất đề nghị trong đấu giá quyền sử dụng đất hạn chế bán đấu giá, phân lô cho Doanh nghiệp tăng đấu giá lẻ từng lô cho các hộ dân; nên điều chỉnh giá đất trong giải phóng mặt bằng sát với thực tế (hiện nay giá đất đền bù rất thấp so với thực tế). Tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản. Đề nghị quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý tài nguyên khoáng sản, nhất là đối với khai thác cát, sỏi. Thực hiện nghiêm túc việc quản lý cấp phép bến bãi tập kết cát sỏi; vận động các doanh nghiệp và nhân dân không dùng cát để san lấp mặt bằng khi thực hiện các dự án.Tiếp tục chỉ đạo công ty Cao su Thanh Hóa bàn giao đất cho địa phương quản lý sau khi đã đo đạc, cắm mốc.

 

Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, nhiều đại biểu đề nghị quy hoạch sử dụng đất công cộng cho nhân dân; tạo điều kiện có các điểm vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt tại các khu đô thị; tiếp tục quan tâm đến người cao tuổi; quan tâm đến công tác giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện miền núi, đặc biệt là các huyện miền núi đang thụ hưởng chương trình 30a của Chính phủ; tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến huyện, giao đủ nhân lực cho ngành y tế theo Thông tư 08/2007/TTLT/BYT-BNV ngày 05/6/2007, Thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ và Bộ Y tế về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước; quan tâm phát triển du lịch khu vực Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), khu bảo tồn thiên nhiên Bù Luông (huyện Bá Thước) tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào khai thác du lịch tại các huyện Miền núi đặc biệt tại các khu vực vùng xâu, vùng xa. Đối với trường hợp giáo viên dôi dư sau khi đã rà soát, điều chuyển vẫn còn thừa thì có biện pháp quản lý và cấp kinh phí cho số giáo viên dôi dư này; bảo đảm chi nghiệp vụ cho giáo dục đạt 10%, không lấy kinh phí nghiệp vụ để trả lương cho giáo viên dôi dư; xem xét các doanh nghiệp nếu nợ bảo hiểm xã hội thì không xét khen thưởng và không đồng ý mở rộng đầu tư hoặc phát triển thêm ngành nghề.

 

          Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến đóng góp hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết về cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để sau khi ban hành, các chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả cao, thực sự tạo động lực thúc kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới./.

​Lê Như Tú

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
542 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 4.185.973
Trong năm: 1.349.506
Trong tháng: 144.449
Trong tuần: 30.926
Trong ngày: 2.262
Online: 100