Thực hiện Chương trình công tác năm 2018, ngày 20/4 Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với huyện Nga Sơn và Hà Trung về công tác quản lý Nhà nước phát triển du lịch trên địa bàn từ năm 2015 đến nay. Đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì các buổi làm việc; tham dự với Ban có đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thường trực HĐND huyện Nga Sơn và Hà Trung.
Theo báo cáo của huyện Nga Sơn, trên địa bàn huyện hiện có 42 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, từ nhiều nguồn lực, huyện đã đầu tư hơn 74 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo các điểm di tích; đầu tư mở rộng hệ thống giao thông, đào tạo đội ngũ làm công tác du lịch; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến đầu tư về phát trển du lịch trên địa bàn; hình thành một số sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương như: Chiếu cói, nghề mộc, mỹ nghệ, mây tre đan xuất khẩu…Cùng với đó là xây dựng thương hiệu đặc sản ẩm thực nổi tiếng như: Gỏi cá nhệch, rượu nếp Nga Sơn, dê núi ủ trấu, dưa hấu…hướng tới việc xây dựng đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng thành công tour tuyến trên địa bàn huyện, kết nối với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Huyện Hà Trung hiện có 72 di tích danh thắng được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, huyện đã huy động các nguồn lực, đầu tư trên 100 tỷ để trùng tu tôn tạo các di tích. Ngoài ra, huyện cũng đã tập trung quy hoạch, định hướng được một số tour tuyến, điểm du lịch trên địa bàn; phục dựng lại nhiều lễ hội truyền thống; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông cho phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động du lịch. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành rõ nét các tuyến du lịch như: Tuyến du lịch từ di tích Đò Lèn chiến thắng - Chùa Trần - đền Lý Thường Kiệt; Chùa Linh Xứng - Đền Cây Thị - Đền Hàn Sơn - Đền Cô Bơ gắn với du lịch sông Lèn, rừng sến Tam Quy; vùng trang trại Đông - Phong - Ngọc và tuyến du lịch dọc sông Mã…
Thảo luận tại các buổi giám sát, các đại biểu cơ bản thống nhất và đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch. Đồng thời đã chỉ ra những hạn chế tại địa phương như: Chưa có quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch địa phương; thiếu sự liên kết giữa các điểm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn; đội ngũ cán bộ quản lý du lịch, hướng dẫn viên du lịch còn thiếu và yếu; nhiều điểm di tích tham quan còn nghèo nàn, hiệu quả thu hút khách du lịch chưa cao…
Phát biểu kết luận tại các buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Phát, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị huyện Nga Sơn và Hà Trung cần có những giải pháp cụ thể nhằm khai thác, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh về du lịch. Trước hết, phải nghiên cứu, sớm xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch trên địa bàn. Trên cơ sở đó xác định các sản phẩm du lịch đặc trưng, kêu gọi thu hút đầu tư hạ tầng du lịch, xã hội hóa trong công tác phát triển du lịch; gắn phát triển du lịch với tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ làm du lịch. Huyện Nga Sơn cần ưu tiên bố trí nguồn ngân sách đầu tư quảng bá, kết nối các điểm di tích cấp quốc gia của huyện với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Đối với huyện Hà Trung, cần đẩy mạnh hợp tác, thu hút các công ty lữ hành du lịch xây dựng phát triển các tour, tuyến phù hợp, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách; tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động tín ngưỡng tại các điểm di tích tâm linh. Đồng chí cũng đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất của các đơn vị, làm tốt chức năng tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch. Đối với kiến nghị, đề xuất của các huyện, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh sẽ tổng hợp trình Hội đồng nhân dân tỉnh.