Lược ghi phát biểu của ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU tại Hội nghị

Thưa các đồng chí,

Tôi đánh giá cao chủ đề Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh mà các đồng chí lựa chọn để trao đổi tại Hội nghị này. Có thể nói, kết quả Hội nghị sẽ là một “cuốn cẩm nang” quý và bổ ích về hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND. Mặc dù mỗi đồng chí chỉ phát biểu 5 - 10 phút nhưng qua bản kỷ yếu tổng hợp gửi đến Hội nghị hôm nay, các tham luận nêu rất nhiều vấn đề, bài học kinh nghiệm rất quý cho hoạt động giám sát nói chung và giám sát chuyên đề nói riêng. Ban Công tác đại biểu sẽ tập hợp cùng với các tỉnh, các khu vực khác hoàn thành cuốn cẩm nang rất bổ ích trong việc hướng dẫn các hoạt động giám sát, trong đó có giám sát chuyên đề của HĐND.


Ảnh: Diệp Anh

Thưa các đồng chí,

Thời gian tới, tôi đề nghị các đồng chí quan tâm một số nội dung sau đây:

Một là, giám sát của HĐND là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước ở địa phương. Vì vậy, mỗi đại biểu HĐND cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện quyền giám sát, làm bật vai trò là chủ thể duy nhất, trực tiếp nhất thực hiện quyền lực Nhà nước về giám sát ở địa phương. Đồng thời, chúng ta cần xác định giám sát của HĐND không phải là gây khó khăn, cản trở cho công tác điều hành, quản lý của UBND mà chính là sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực của chính quyền địa phương, là sự cộng đồng trách nhiệm, giúp cho UBND, các cơ quan chịu sự giám sát thấy rõ những điểm mạnh, các bất cập, hạn chế, yếu kém, sai phạm trong chỉ đạo quản lý, điều hành để hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Hai là, chú trọng từng công đoạn trước, trong và sau giám sát chuyên đề. Tôi rất đồng tình với ý kiến mà các đồng chí đã trao đổi. Trước giám sát cần nghiên cứu lựa chọn đúng chủ đề giám sát. Nội dung giám sát phải phù hợp với chính sách và pháp luật, với tình hình thực tế của địa phương, là những vấn đề bức xúc được nhân dân và cử tri quan tâm. Khi thực hiện giám sát phải công tâm, khách quan, tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát và cương quyết đi đến cùng vấn đề. Đặc biệt, phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát, cần thiết phải tổ chức “tái giám sát” hoặc chất vấn trở lại và đề nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý đối với trường hợp không thực hiện nghiêm túc kết luận giám sát.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả các nghị quyết giám sát, trong nghị quyết về giám sát của HĐND phải chỉ rõ được những địa chỉ, tránh tình trạng nói chung chung, không rõ trách nhiệm, không rõ người cụ thể.

Bên cạnh đó, cần có sự tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự tham gia ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông, tạo hiệu ứng tích cực để hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND đạt hiệu quả cao nhất. Báo cáo của Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Thái Bình có đề cập đến vấn đề này. Đây là những kinh nghiệm rất hay nên phát huy.

Ba là, kết hợp các hình thức giám sát khác nhau với sự tham gia của nhiều chủ thể có quyền giám sát khác nhau để nâng cao chất lượng các kiến nghị giám sát và bảo đảm tiết kiệm. Nên có sự phối hợp giữa các cơ quan dân cử từ Trung ương đến địa phương để bảo đảm sự kế thừa kết quả giám sát của các chủ thể, tiết kiệm được thời gian và nguồn lực. Do đó, cần quan tâm tới vai trò, trách nhiệm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Thường trực HĐND cấp tỉnh, tránh tình trạng chồng chéo về nội dung, thời điểm giám sát, gây khó khăn cho các cơ quan chịu sự giám sát, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò và ý nghĩa hoạt động giám sát của HĐND.

Bốn là, tiếp tục chủ động và đổi mới trong hoạt động giám sát chuyên đề. Hiện nay, các quy định hướng dẫn hoạt động này còn chưa đầy đủ và đồng bộ, tuy nhiên các đồng chí đã rất chủ động trong thực hiện hoạt động này. Thời gian tới, các quy định về giám sát chuyên đề sẽ được hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết về Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐND. Đây là quy chế mà Ban Công tác đại biểu, VPQH đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của HĐND, các cơ quan, tổ chức, đề nghị sớm hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, làm cơ sở pháp lý cho tổ chức hoạt động giám sát của HĐND.

Năm là, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND. Như chúng ta đã biết, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc rất nhiều vào hình thức, hoạt động của HĐND như kỳ họp, hoạt động của Thường trực, các Ban, nhưng vị trí trung tâm hạt nhân là các đại biểu HĐND. Định hướng tới đây, chúng ta sẽ dần dần bớt số đại biểu tham gia HĐND ở địa phương từ cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp; tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách cho các ban và HĐND. Nhưng để có kinh nghiệm, năng lực trình độ thì phải tự nâng cao năng lực, kiến thức và kinh nghiệm hoạt động của mình bằng những nhiệm vụ khác nhau. Trong đó, cần tiếp tục mở các lớp đào tạo, hướng dẫn đại biểu HĐND, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Thưa các đồng chí,

Thông qua việc tham dự các hội nghị khu vực, được nghe các đồng chí thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất ý kiến, chúng tôi thấy còn nhiều vấn đề về tổ chức và hoạt động của HĐND cần được tiếp tục hướng dẫn. Trước mắt, sớm ban hành nghị quyết về Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND. Đồng thời, ý kiến của các đồng chí sẽ được tiếp thu nghiên cứu, xem xét bổ sung trong quá trình sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!

 

Báo đại biểu nhân dân


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.185.070
    Trong năm: 1.349.506
    Trong tháng: 144.449
    Trong tuần: 30.926
    Trong ngày: 1.359
    Online: 80