Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVII, sáng 12-12, các đại biểu tiến hành các phiên thảo luận tại tổ.
Theo gợi ý của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, các đại biểu tập trung thảo luận 3 nhóm vấn đề lớn, gồm: Các báo cáo của UBND, nhất là báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; các tờ trình của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, thống nhất để quyết định các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh; và các nội dung trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Các đại biểu khẳng định báo cáo tình hình kinh tế - xã hội đã phản ánh toàn diện bức tranh kinh tế của tỉnh trong năm 2018; nhiều chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch, đặc biệt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 15,16%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Kết quả trên thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt, sáng tạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu, quyêt tâm cao của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại tổ 1.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã phân tích nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2018, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ. Nhiều ý kiến tập trung, làm rõ những hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Trăn trở với câu chuyện “được mùa, rớt giá” trong nông nghiệp, đại biểu Hoàng Văn Toản, Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa (tổ 5) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất, tuy nhiên trên thực tế chưa có có doanh nghiệp quan tâm đầu tư đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tình trạng “được mùa rớt giá” vần diễn ra tại các địa phương. Chính vì vậy, cần có sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp, quan tâm đầu tư mốt số loại cây trồng phát huy thế mạnh của các địa phương trong tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết đầu ra cho bà con nông dân.
Đại biểu Hoàng Văn Toản, Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa.
Đại biểu Bùi Thị Mười, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành (tổ 4) đề nghị cần tập trung rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp để có giải pháp tháo gỡ, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp, không phát huy hiệu quả. Nghiên cứu quy hoạch vùng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng từng khu vực, quy hoạch phát triển mạng lưới dịch vụ thương mại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi. Bên cạnh đó UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, nhất là các hợp phần về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.... Kiến nghị Trung ương phân bổ sớm các nguồn vốn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, kịp thời giải ngân nguồn vốn đảm bảo tiến độ.
Đại biểu Bùi Thị Mười, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Hà Trung (tổ 4) cho rằng cần phải triển khai tích cực các giải pháp để hạn chế tình trạng người dân bỏ ruộng. Thời gian gần đây, nông dân nhiều nơi đã bỏ ruộng và trả ruộng, ngay cả ở những địa phương có diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người rất thấp. Vấn đề trên đã tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và tâm lý người dân ở khu vực nông thôn, gây lãng phí trong việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp. Để hạn chế tình trạng trên, theo đai biểu Nguyễn Văn Tuấn cần đẩy mạnh công tác dồn thửa, đổi điền tạo điều kiện cho sản xuất lớn, hàng hóa, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Những hộ không có khả năng sản xuất nông nghiệp có thể chuyển giao đất cho người khác để chuyển sang ngành nghề mới phù hợp hơn. Các địa phương cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp tạo ra một cơ cấu kinh tế nông nghiệp thị trường, theo đó nền nông nghiệp sẽ có cơ cấu sản phẩm hợp lý, phù hợp với điều kiện thị trường. Ngành nông nghiệp cần hướng dẫn, tư vấn cho các địa phương nghiên cứu thị trường nông nghiệp để giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp…
Đại biểu Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Hà Trung.
Theo đại biểu Nguyễn Xuân Thủy, Bí thư huyện ủy Tĩnh Gia (tổ 3): Thời gian tới tỉnh cần tập trung lãnh đạo đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; triển khai thực hiện nghị quyết về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao; chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị cao hơn. Quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nâng giá trị thu nhập cho người nông dân. Quy hoạch lại vùng sản xuất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, xác định sản phẩm chủ lực gắn với phong trào khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy, Bí thư huyện ủy Tĩnh Gia.
Đại biểu Ngô Tiến Ngọc, Bí thư huyện ủy Ngọc Lặc (tổ 3) đề nghị cần có cơ chế chuyển dịch cơ cấu cây trồng và tích tụ ruộng đất. Quan tâm đến đào tạo khởi nghiệp doanh nghiệp. Có cơ chế xử lý tình trạng dự án không triển khai, sửa quy hoạch nhiều lần. Đồng thời cần có hướng dẫn giải quyết để xử lý tình trạng thừa thiếu giáo viên.
Đại biểu Ngô Tiến Ngọc, Bí thư huyện ủy Ngọc Lặc.
Năm 2018, sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, giá trị sản xuất tăng 34,2% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay, góp phần tăng thu ngân sách và tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh. Phấn khởi trước kết quả đạt được, nhưng các đại biểu cũng trăn trở về những hạn chế trong lĩnh vực công nghiệp hiện nay. Đại biểu Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công thương (tổ 4) cho biết, tuy các chỉ tiêu của ngành công thương đạt cao, song các sản phẩm truyền thống của tỉnh như: đường, thuốc lá, bia... tiêu thụ chậm, thậm chí thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017. Để nâng cao chất lượng, tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp cần đầu tư thay thế dây chuyền sản xuất đã lạc hậu, tăng cường tiếp thị mở rộng tiêu thụ sản phẩm; kêu gọi thu hút đầu tư mới từ các doanh nghiệp.
Đại biểu Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công thương.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh (tổ 3) công tác phát triển doanh nghiệp trong năm 2018 tiếp tục được đẩy mạnh, thể hiện ở số lượng 3.222 doanh nghiệp được thành lập mới, vượt kế hoạch và xếp thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới. Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Văn Đệ cũng đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bố trí cán bộ có trình độ trong việc thực hiện giải quyết cho doanh nghiệp tránh tình trạng “một cửa, nhiều khóa”, ngăn ngừa những biểu hiện sách nhiễu, gây khó dễ trong việc giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Quyết liệt hơn nữa trong việc thu ngân sách, phân loại đối tượng kinh doanh để có hướng phát triển doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.
Đại biểu Mai Văn Hải, Bí thư Huyện ủy Nga Sơn (tổ 2) cho rằng việc bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, bởi người dân sẽ được sử dụng điện an toàn, ổn định, không phải chịu thêm những chi phí phát sinh. Đến nay, ngành điện đã cơ bản tiếp nhận xong lưới điện hạ áp nông thôn. Tuy nhiên việc hoàn trả vốn sau tiếp nhận cho người dân vẫn chưa được thực hiện, tạo dư luận không tốt. Nguyên nhân của sự chậm trễ là do vướng mắc các thủ tục tài chính, như hồ sơ không đầy đủ, chưa rõ ràng khi bàn giao nên chưa được chấp nhận hoàn trả, công tác bàn giao, hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn chậm, việc thanh toán tiền nhân dân đóng góp vẫn chưa dứt điểm... Đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành điện quan tâm đến tiến độ tiếp nhận bàn giao lưới điện và hoàn trả tiền đầu tư cho nhân dân.
Đại biểu Mai Văn Hải, Bí thư Huyện ủy Nga Sơn.
Để tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế, yếu kém trong công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu Lê Nhân Đồng, Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh (tổ 2) cho rằng những vướng mắc, bất cập hiện nay chủ yếu là do nguồn gốc đất của các tổ chức, hộ dân chưa rõ ràng, khó xác định, giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất còn thấp, chưa sát với giá thị trường. Ngoài ra, liên quan trình tự, thủ tục bồi thường khi thu hồi đất vẫn còn tình trạng thiếu công khai, minh bạch và ở mức độ nào đó là sự tùy tiện của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thu hồi, bồi thường...Đây là vấn đề thời sự, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội. Đề nghị tỉnh cần có những giải pháp sát với những thực tế hiện nay để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB.
Đại biểu Lê Nhân Đồng, Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phản ánh những vấn đề liên quan đến các địa phương, như hệ thống giao thông xuống cấp và một số vấn đề được cử tri kiến nghị nhiều lần; quan tâm đưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; xiết chặt quản lý tín dụng đen trên địa bàn; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, xe ô tô quá tải, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra. Cần có giải pháp giải quyết hiệu quả tình trạng thừa thiếu giáo viên đã diễn ra trong nhiều năm. Công tác khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, nhưng vẫn quá tải đối với bệnh viện tuyến trên. Một số ý kiến cho rằng với những điều kiện thuận lợi như hiện nay,có thể xem xét, điều chỉnh nâng một số chỉ tiêu trong kế hoạch năm 2019...
Các đại biểu thảo luận tại tổ 5.
Tại tổ 1, sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh thống nhất với ý kiến của các đại biểu về các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, đặc biệt là các giải pháp phát triển nông nghiệp, công nghiệp.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Đồng chí nhấn mạnh, một trong các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp thời gian tới cần chú trọng đó là tập trung tích tụ ruộng đất thành vùng lớn, thuận lợi, có trọng tâm trọng điểm; cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp phải tập trung, điều chỉnh phù hợp với thực tế địa phương để người dân, doanh nghiệp tiếp cận được; công tác cán bộ trong ngành nông nghiệp phải được chú trọng nâng cao về trình độ, năng lực. Về vấn đề ô nhiễm môi trường đầu nguồn sông Mã, sông Chu phải tính toán chặt chẽ hiệu quả mang lại và những tác động thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra của các doanh nghiệp, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm đối với các đơn vị, thậm chí buộc đóng cửa nếu doanh nghiệp, đơn vị không khắc phục hậu quả, không đảm bảo các quy định về môi trường. Về các ý kiến bố trí vốn các công trình giao thông, đầu tư xây dựng cơ bản, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Trọng Hưng khẳng định những công trình kéo dài không phát huy hiệu quả do thiếu vốn cần tham mưu cho tỉnh có giải pháp giải quyết kịp thời...
Theo chương trình kỳ họp, chiều 12-12 các đại biểu HĐND tỉnh sẽ thảo luận tại hội trường.