“Phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân có hiệu quả cần phải nâng cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân” là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại hội nghị thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ 5 với chủ đề “kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng các phiên họp thường trực HĐND tỉnh”, được tổ chức ngày 18/01.
Toàn cảnh Hội nghị
Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã quy định khá cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND. Qua thực tế từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay có thể khẳng định rằng phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu tại Hội nghị, việc thực hiện các nhiện vụ của Hội đồng nhân dân cần tiếp tục có những đổi mới để có thể đáp ứng mong mỏi của cử tri.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo tóm tắt về tình hình phát triển kinh tế- xã hội; an ninh quốc phòng; văn hóa – xã hội và các vấn đề liên quan tới môi trường. Qua đó, các chỉ tiêu đều được giữ vững và phát triển theo kế hoạch. Đối với các hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, vừa qua thực hiện theo chỉ đạo đã tiến hành sắp xếp đổi mới tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6. Ở cấp tỉnh hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội với Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Hợp nhất Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh thành Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh... Bộ máy hoạt động ngày càng tinh gọn.
Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh
Ông Lê Đình Sơn cũng cho biết, việc tổ chức hội nghị thường trực HĐND Bắc Trung bộ là việc làm cấp thiết, đáp ứng nhu cầu ngày càng đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng thời, việc chia sẻ cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức các phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân, một quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Từ đó có các kiến nghị, đề xuất góp phần hoàn thiện hơn quy định của pháp luật, làm phong phú thêm bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động các phiên hợp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố, xây dựng chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu của các tỉnh thành đã đề xuất nhiều cách làm hay, cách làm riêng của mỗi đơn vị. Trong đó các nội dung nhằm thực hiện tốt các chương trình của thường trực Hội đồng nhân dân thì khâu xây dựng kế hoạch tổ chức phiên họp; khâu tổ chức phiên họp giải trình; khâu giám sát thực hiện các nội dung kết luận cần phải thực hiện đầy đủ. Trong đó, yếu tố quan trọng cần nhắc tới là các chủ đề được lựa chọn thảo luận phải mang tính cấp bách, nhất là những vấn đề ảnh hưởng tới đời sống của cử tri. Việc lựa chọn chủ đề ”đúng và trúng” sẽ góp phần quan trọng, quyết định thành công cho các phiên giải trình phía sau. Bên cạnh đó, việc tăng cường giám sát cần phải được rốt ráo chỉ đạo để thực hiện theo đúng kết luận của Hội đồng nhân dân nhằm mang lại được hiệu quả cao, phát huy được vai trò, gắn với trách nhiệm cụ thể của cơ quan, đơn vị, cá nhân... Thông báo các kết quả tới các cơ quan truyền thông để cử tri nắm bắt được các thông tin và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (ngồi giữa) tham dự Hội nghị
Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại ở các phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân như: bố trí lịch phiên họp, nội dung xem xét tại phiên họp nhiều, việc đôn đốc thực hiện các kết luận của phiên họp còn chưa quyết liệt… Những nội dung này cần phải được khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao chất lượng của hội nghị. Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, các ý kiến đóng góp của các đại biểu chắc chắn sẽ góp phần đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân tại các địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các địa phương cần quan tâm thêm một số nội dung:
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị
Một là, nâng cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân. Một yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ hoạt động nào là vấn đề con người. Để Thường trực Hội đồng nhân dân, các phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân có hiệu quả cần phải nâng cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân. Mỗi thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân phải thường xuyên nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động,trách nhiệm cá nhâncủa mình để tạo thành một tập thể đoàn kết, chủ động, sáng tạo. Đối với các thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì cần dành thời gian thỏa đáng cho công việc của Hội đồng nhân dân, gắn kết công tác thường xuyên của mình với chức năng nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân.
Hai là, trong công tác chuẩn bị phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về công tác chuẩn bị phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân. Mọi vấn đề về thời gian, nội dung chương trình, chuẩn bị kỳ họp đều do Chủ tịch Hội đồng nhân dân quyết định, chỉ đạo thực hiện. Do vậy, để phiên họp Hội đồng nhân dân có hiệu quả, đạt chất lượng trước hết cần có sự tham dự đông đủ các thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân, có sự thống nhất trước giữa Thường trực Hội đồng nhân dân với Ủy ban nhân dân và các cơ quan hữu quan trong việc lựa chọn những nội dung phù hợp, có tính thời sự để thảo luận tại các phiên họp, cần cân nhắc việc lựa chọn mời thành phần đại biểu tham dự phiên họp, công tác thông tin tuyên truyền về phiên họp, cách thức điều hành phiên họp…
Ba là, đối với các nội dung phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân để giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân. Để đảm bảo nguyên tắc hoạt động của cơ quan dân cử, Luật Tổ chức chính quyền địa phương không giao Thường trực Hội đồng nhân dân có thẩm quyền giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân. Đây là vấn đề được nhiều địa phương đề nghị hướng dẫn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chuẩn bị ban hành hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân, trong đó có nội dung giao Thường trực Hội đồng nhân dân giải quyết một số vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân giữa hai kỳ họp.
Bốn là, đối với các nội dung phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân để thống nhất các nội dung cho kỳ họp Hội đồng nhân dân. Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định 10 nhóm nhiệm vụ quyền hạn đối với Thường trực Hội đồng nhân dân, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ để bảo đảm kỳ họp Hội đồng nhân dân hoạt động hiệu quả và chất lượng. Đây là một nhiệm vụ các đồng chí thường xuyên thực hiện trong nhiều nhiệm kỳ qua tuy nhiên cũng cần được coi trọng và thường xuyên đổi mới vì có tác động đến hiệu quả hoạt động của kỳ họp Hội đồng nhân dân. Chương trình, thời gian kỳ họp Hội đồng nhân dân, các nghị quyết dự kiến được thông qua cần được Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét kỹ lưỡng, có sự trao đổi và thống nhất với các cơ quan có trách nhiệm trình, thẩm tra nghị quyết trong việc chuẩn bị hồ sơ trước khi trình Hội đồng nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Nữ Y - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh bàn giao đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 cho tỉnh Quảng Bình
Năm là, đối với các nội dung phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân để xem xét việc trả lời chất vấn và yêu cầu các cơ quan giải trình. Hoạt động chất vấn và giải trình của Thường trực Hội đồng nhân dân đã được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đây là công cụ giám sát trực tiếp nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Do vậy Thường trực Hội đồng nhân dân cần lựa chọn đúng vấn đề để các thành viên của Thường trực Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân được phép tham gia phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân nêu câu hỏi chất vấn, vấn đề giải trình. Các nội dung chất vấn, giải trình phải là vấn đề bức xúc, có tính thời sự, liên quan trực tiếp đến đời sống an sinh xã hội, sự phát triển kinh tế và việc thực hiện các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước được cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm. Khi xem xét lựa chọn vấn đề để chất vấn, giải trình cần phải xem xét đến các điều kiện khách quan, chủ quan tác động đến hiệu quả việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của đối tượng được yêu cầu trả lời chất vấn và giải trình để từ đó làm cơ sở để các câu hỏi đúng trọng tâm, người trả lời chất vấn, giải trình đúng vấn đề./.