Ngày 25- 6, dưới sự chủ trì của đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ngày làm việc thứ hai để nghe và cho ý kiến vào nhiều cơ chế, chính sách, đề án, chủ trương đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cho ý kiến vào các cơ chế, chính sách, đề án, chủ trương đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; đại điện các Ban của Trung ương Đảng; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Thảo luận về chính sách tín dụng, vốn cấp bù lãi suất và mức vốn sử dụng ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57 ngày 17/4/2018 của Chính phủ, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho rằng: Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 3 chính sách có nội dung khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hiệu lực, cần tiếp tục thực hiện, gồm: Chính sách khuyến khích tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2016 – 2020; cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020 và chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020. Tuy nhiên, để tập trung nguồn lực và thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thì việc đề xuất bãi bỏ một số nội dung không còn phù hợp và ban hành chính sách tín dụng, vốn cấp bù lãi suất và mức vốn sử dụng ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh là thực sự cần thiết.

Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến chỉ đạo UBND tỉnh cần căn cứ vào nghị định 57 của Chính phủ để xây dựng chính sách theo hướng những chính sách tỉnh ban hành trùng với chính sách quy định trong nghị định 57 của Chính phủ thì thực hiện theo nghị định 57, những chính sách tỉnh ban hành không quy định trong nghị định 57 mà vẫn tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất thì vẫn duy trì. Đồng chí lưu ý: Việc xây dựng chính sách tín dụng, vốn cấp bù lãi suất và mức vốn sử dụng ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phải đảm bảo vừa thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng, vừa thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Cho ý kiến về chủ trương đầu tư chương trình xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá: Sau 2 năm thực hiện đề án xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh, Thanh Hoá đã đạt được những kết quả bước đầu, các dự án đã và đang triển khai thực hiện đều phù hợp mục tiêu, đối tượng, phù hợp với xu hướng, yêu cầu phát triển trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay. Một số dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả cao, nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân, giảm thời gian, chi phí và góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức; tăng tính công khai, minh mạch trong giải quyết các thủ tục hành chính…

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn bởi đây là vấn đề mới, vấn đề khó, trong khi các Bộ, ngành Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể, nên việc triển khai ở một số ngành, đơn vị còn bị động, lúng túng, ảnh hưởng đến tiến độ chung của tỉnh. Hơn nữa, nhu cầu và chi phí đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực này là rất lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ hàng năm hạn chế, nên việc đánh giá, lựa chọn mục tiêu, quy mô từng dự án mất nhiều thời gian.

Phát biểu kết luận nội dung trên, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến đánh giá cao việc UBND tỉnh xây dựng chương trình một cách khoa học và khẳng định hiệu quả các dự án đã đầu tư trong 2 năm qua khá tốt. Đồng chí yêu cầu khi thực hiện chương trình xây dựng Chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020 phải ứng dụng những công nghệ mới nhất mà Việt Nam đã triển khai để bắt kịp xu hướng. Từng dự án phải đủ lớn, diện phủ rộng để đảm bảo Thanh Hoá thực hiện được chính quyền điện tử theo yêu cầu hiện tại. Trình độ công nghệ phải đạt mức cao chung của quốc gia bởi đây là lĩnh vực nhanh thay đổi, nếu đi sau sẽ bị lạc hậu. Đưa ra yêu cầu về tính kết nối và đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo rà lại các dự án, hoàn thiện chương trình để trình HĐND tỉnh quyết định.

Thảo luận về phương án đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm của tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2019 – 2025, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tinh rủy đều thống nhất cho rằng: Cơ sở hạ tầng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư. Xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hệ thống kết cấu hạ tầng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII đã quyết nghị phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của tỉnh là khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 và đã được UBND tỉnh cụ thể hóa thành Kế hoạch hành động để triển khai thực hiện. Thời gian vừa qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng và đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều chương trình, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả đầu tư, nhất là các dự án sử dụng vốn ngoài nhà nước. Riêng các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước do nguồn vốn hạn hẹp, chưa tập trung nên hầu hết các dự án được đầu tư là những dự án có quy mô nhỏ, chỉ giải quyết được một số vấn đề cấp bách, bức xúc trong phạm vi hẹp ở một số địa phương, chưa tạo sự đột phá trong kết cấu hạ tầng của tỉnh. Vì vậy, để tạo được hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại thì việc xây dựng Phương án đầu tư một số dự án trọng điểm từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp trong thời gian tới là thực sự cần thiết.

Phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Đây là những dự án có quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác động lan tỏa rộng và kết nối nhiều vùng, miền và địa phương trong tỉnh, tạo động lực trong việc thúc đẩy phát triến kinh tế - xã hội của tỉnh. Sau khi các dự án hoàn thành, sẽ thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, tạo quỹ đất để phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, các ngành, lĩnh vực khác của tỉnh.

Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định danh mục một dự án hạ tầng trọng điểm để cân đối nguồn lực thực hiện trong thời gian tới gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hóa; Dự án đường nối từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân; Dự án di dân, tái định cư xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia.

Một số dự án khác, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu tiếp tục nghiên cứu kỹ mới đưa vào danh mục để tiến hành đầu tư tuần tự theo yêu cầu cấp bách của từng dự án, bởi đây đều là các dự án hạ tầng quan trọng, đòi hỏi nguồn vốn lớn.

Cũng tại hội nghị các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thảo luận cho cho ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án đường giao thông từ trung tâm thành phố Thanh Hoá nối với đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; đường nối thành phố Thanh Hoá nối với Cảng hàng không Thọ Xuân, đoạn từ cầu Nỏ Hẻn đến đường tỉnh 514; đường nối thành phố Thanh Hoá nối với Cảng hàng không Thọ Xuân, đoạn từ đường tỉnh 514 đến đường vào Cảng hàng không Thọ Xuân và đường giao thông nối quốc lộ 217 với quốc lộ 45 và quốc lộ 47.

Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến khẳng định: Tiềm năng của Thanh Hoá rất lớn nhưng trước đây chúng ta chưa tính toán đầu tư được các dự án giao thông lớn cho phù hợp với nhu cầu phát triển và nâng cao vị thế của tỉnh. Vì vậy, lần này, tỉnh tính phương án đầu tư một số tuyến giao thông tầm cỡ, đẹp, hiện đại đáp ứng sự phát triển ngày càng nhanh của tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao UBND tỉnh xây dựng phương án hợp lý, khoa học, có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội cả trước mắt và lâu dài. Đồng chí đồng ý chủ trương mở một tuyến đường mới từ trung tâm thành phố Thanh Hoá nối với đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, bởi quốc lộ 47 cũ lên Cảng hàng không Thọ Xuân không thể mở rộng do chi phí giải phóng mặt bằng quá lớn và thống nhất chủ trương đầu tư cả 3 giai đoạn của dự án. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu giải phóng toàn bộ mặt bằng 3 giai đoạn, cắm mốc lộ giới, phân kỳ đầu tư phù hợp. Giai đoạn 1 đầu tư đường cấp 1 đồng bằng chất lượng cao. Quy mô mặt cắt 41 m, dải phân cách giữa 17 m, có 6 làn đường , gồm 4 làn cơ giới, 2 làn thô sơ, thực hiện từ tháng 5 - 2019 , hoàn thành sau 22 tháng. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng tuyến đường và giai đoạn 3 làm cao tốc trên cao.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo UBND tỉnh cho dừng tất cả các dự án đang thực hiện xung quanh tuyến đường, nhất định không cấp phép thực hiện dự án mới và lập phương án để khai thác quỹ đất phát triển kinh tế - xã hội 2 bên tuyến đường. Phương án này là căn cứ để UBND tỉnh giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến việc phát triển kinh tế - xã hội dọc tuyến. Đồng thời, cho nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết khu dịch vụ Cảng hàng không Thọ Xuân để nhanh chóng đầu tư và tiếp tục nghiên cứu phương án xây dựng tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân qua huyện Vĩnh Lộc đi Ninh Bình, để tính toán bố trí nguồn vốn trung hạn 2020 – 2025.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường giao thông nối quốc lộ 217 với quốc lộ 45 và quốc lộ 47 để từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực; tăng cường khả năng kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại giữa các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân và Triệu Sơn với Cảng hàng không Thọ Xuân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của khu vực. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu lập phương án khai thác quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội 2 bên tuyến đường.

Trong chương trình hội nghị, Ban Thường vụ tỉnh uỷ cũng đã cho ý kiến cụ thể về Bộ tiêu chí thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2019 -2020, tỉnh Thanh Hoá. Phương án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Thanh Hoá; đặt tên, đổi tên đường, phố trên địa bàn thị trấn Thọ Xuân, thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng (huyện Thọ Xuân) và một số nội dung quan trọng khác.

Báo Thanh Hóa điện tử


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


Tin cùng chuyên mục

 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.184.343
    Trong năm: 1.349.506
    Trong tháng: 144.449
    Trong tuần: 30.926
    Trong ngày: 632
    Online: 65