Chiều ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVII, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu tiếp thu, giải trình những vấn đề đại biểu quan tâm thảo luận và chất vấn; các báo cáo tờ trình tại kỳ họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu HĐND
Trả lời ý kiến của các đại biểu về chỉ tiêu về tốc độ tăng GDP năm 2020 đạt 12,5% trở lên và huy động vốn đầu tư đạt 157.000 tỷ đồng là tương đối cao, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh: Đây là mục tiêu phấn đấu rất cao nhưng khả thi và có thể hoàn thành. Nếu hoàn thành mục tiêu này thì tăng trưởng của giai đoạn 2016-2020 sẽ cao hơn so với Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 -2020 đề ra. Để đạt 2 mục tiêu này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, các cấp phải nỗ lực thực hiện cả 3 lĩnh vực nông nghiêp, công nghiệp, dịch vụ. Về nông nghiệp phải tập trung cao cho công tác phòng chống Dịch tả lợn châu phi, tăng cường kiểm soát lưu thông, kiểm soát giết mổ và kiểm soát việc tái đàn. Những hộ có điều kiện bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học mới được tái đàn, khi có dịch thì mới được hỗ trợ. Đồng thời tập trung chỉ đạo, xây dựng và triển khai các phương án phát triển các sản phẩm chủ lực, phát triển nông nghiệp sản xuất lớn, công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị sản xuất lớn. Đối với công nghiệp, dịch vụ cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn như Lọc hóa đầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện 2, các nhà máy may mặc, giày da... để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Về chỉ tiêu về tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt 95% vào năm 2020, nhiều đại biểu cho rằng mục tiêu này là khó đạt được. Đồng chí Chủ tịch UBND cho biết, qua rà soát các số liệu thì có thể phấn đấu hoàn thành được. Phải đạt mục tiêu này thì mới hoàn thành được mục tiêu nhiệm kỳ của đại hội. Về đề nghị điều chỉnh mục tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT năm 2020 từ 88% lên 90%, đống chí Nguyễn Đình Xứng đề nghị HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Đối với mục tiêu 30 xã về đích nông thôn mới năm 2020, theo danh mục đề xuất của các huyện đã có 25 xã đề xuất hoàn thành vào 2020, vừa qua các huyện tiếp tục đề xuất bổ sung nên số lượng 30 xã là có thể hòa thành được. Việc giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các huyện, về chủ trương sẽ không giao chỉ tiêu bình quân chung mà giao chỉ tiêu theo mức phấn đấu cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Đối với đề nghị chấm dứt các dự án nạo vét lòng sông, lòng hồ vì các doanh nghiệp chủ yếu là khai thác tài nguyên gây sạt lở đất, ảnh hưởng đến môi trường, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các địa phương kiểm tra lại quá trình nạo vét xem có đúng với phương an ban đầu để đề xuất xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Để giải quyết dứt điểm tình trạng thừa thiếu giáo viên trong năm học 2020-2021, tỉnh sẽ tiếp tục báo cáo các Bộ để bổ sung biên chế nếu các Bộ cho phép; đối với những nơi chưa bổ sung được phải bảo đảm kinh phí để hợp đồng dạy thêm. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện được giao biên chế phải tuyển viên chức khi có chỉ tiêu; đối với giáo viên mầm non phải ưu tiên tuyển số hợp đồng theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Vấn đề nợ BHXH, BHYT hiện nay còn nhiều, chủ yếu ở các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa, vì vậy các sở, ngành liên quan, đặc biệt là BHXH tỉnh cần có biện pháp quyết liệt hơn trong xử lý các trường hợp trốn đóng BHXH để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài. Việc triển khai thực hiện các dự án đã được trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký biên bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị xúc tiền đầu tư năm 2017, trong 31 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu 6,3 tỷ USD đã có 15 dự án đã khởi công, 3 dự án đã hoàn thành, 12 dự án đang triển khai, 7 dự án đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, 3 dự án ký biên bản ghi nhớ. Đến nay, có 6/31 dự án sẽ không hoạt động, 7 dự án sẽ không thực hiện.
Các đại biểu cho rằng, cần quan tâm đến công tác quy hoạch, đầu tư các khu tái định cư để thực hiện sắp xếp dân cư ở khu vực miền núi, nâng cao hiệu quả đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời nêu rõ tỉnh cũng đang tập trung đầu tư cho các khu tái định cư, trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những đề án, dự án cụ thể về xây dựng các khu tái định cư. Đây là giải pháp có tính quyết định đến công tác giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi nên tỉnh sẽ triển khai từng bước nội dung này. Đối với đề nghị cần sớm hoàn thành dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện trong năm 2020, kỳ họp trước HĐND tỉnh đã có ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, đây là chương trình của Chính phủ và Chính phủ đã có quan tâm hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa 120 tỷ trong 2 năm vừa qua. Trong thời gian tới sẽ giải quyết được 28 thôn, bản có điện. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành số thôn, bản còn lại, tuy nhiên do chưa có kinh phí nên tỉnh sẽ tiếp tục đấu mối để sớm có nguồn vốn thực hiện. Sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính, số nhà văn hóa, công sở dôi dư rất nhiều, để sử dụng hiệu quả số nhà văn hóa, công sở dôi dư, trong đề án sáp nhập, tỉnh đã có hướng dẫn cụ thể. Các huyện căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương để thực hiện hiệu quả.
Đối với ý kiến giao biên chế công chức hành chính, phê duyệt số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17-11-2000 của của Chính phủ, hiện nay nhiệm vụ giao rất nhiều, nếu giảm biên chế thì rất khó khăn cho đơn vị. Vì vậy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị không giao giảm biên chế theo bình quân cơ học, việc giảm biên chế phải bảo đảm thực tế của địa phương. Đối với đề xuất tăng mức thưởng xây dựng nông thôn mới cho các xã miền núi, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng nên để theo mức cũ vì nếu tăng thì ngân sách sẽ không đáp ứng được.