Ngày 25/7/2021, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội thảo luận về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới). Tại phiên họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến phát biểu của đại biểu Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đại biểu Cao Thị Xuân.

Ảnh: ĐBQH Cao Thị Xuân phát biểu tại Hội trường chiều ngày 25/7/2021

          Kính thưa Quốc hội

Trước khi phát biểu nội dung chính, cho phép tôi, cùng với các vị Đại biểu quốc hội xin được bày tỏ lời tri ân tới các lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm vất vả, gian lao trong cuộc chiến chống Covid-19, đặc biệt là các y, bác sỹ, nhân viên y tế đang phục vụ tại các vùng có dịch; xin được chia sẻ những khó khăn của đồng bào tại các địa phương đang phải đương đầu với dịch bệnh.

Đồng thời, tôi thống nhất cao với tờ trình của Chính phủ đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 để đưa vào nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nhằm trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn cho CP, TTCP để quyết định kịp thời các biện pháp cần thiết, linh hoạt, đồng thời có cơ sở pháp lý  vững chắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh.(NQ được thực hiện đến ngày 31/12/2022).

Kính thưa Quốc hội !

Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, tôi đồng tình với đánh giá trong báo cáo của Chính phủ: “về tổng thể, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật”. Là đại biểu  công tác trong lĩnh vực dân tộc, chúng tôi thấy rằng những thành tựu được báo cáo khẳng định như “An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm”; “Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm mạnh”, là hết sức có ý nghĩa, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đang phấn đấu từ một quốc gia có thu nhập trung bình đến thu nhập trung bình cao trong giai đoạn tới đây.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (GDP bình quân 5 năm đạt 5,99%, mục tiêu 6,5 – 7%); (mà nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19) đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. Mục tiêu tăng trưởng không đạt được như kế hoạch, cùng với dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Covid-19 đã làm tổn thương nhiều thành phần dân cư khác nhau, mà tác động lớn nhất là đến các nhóm yếu thế trong xã hội. Điều này đặt ra đòi hỏi đối với Quốc hội, Chính phủ phải hoạch định được các chính sách phù hợp, bảo đảm tầm nhìn phát triển “hậu Covid-19”. Bởi ngay khi chúng ta thực hiện tiêm chủng thành công, đạt miễn dịch cộng đồng thì Covid-19 vẫn tồn tại, chúng ta phải sống trong bối cảnh “bình thường mới” chứ không thể trở về cuộc sống “bình thường cũ” được nữa.

Chữa lành những tổn thương mà Covid-19 gây ra là một trong những công việc cấp bách củaQuốc hội và Chính phủ.Hơn một năm rưỡi qua,đội ngũ y bác sỹ đã làm việc đến kiệt sức, hệ thống y tế đứng trước thử thách nghiêm trọng; dịch bệnh làm cho nhiềuhộ nghèo nay lại nghèo hơn;hàng chục ngànlao động tự dokhông có việc làm; công nhân từ các khu công nghiệp, các đô thị lớnđang phải trở về quê, cuộc sống bấp bênh; khó khăn không chỉ ở đô thị mà sức ép xã hội cũng gia tăng ở các vùng nông thôn, miền núi; hoạt động sản xuất, trao đổi kinh tế ở vùng sâu, vùng xa càng trở nên khó khăn bởi giao thương bị hạn chế; hàng triệu học sinh bị xáo trộn việc học hành, thi cử, đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển tâm – sinh – lý của các em.

Chúng tôi lo lắng rằng nếu không có giải pháp mạnh, cụ thể để triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu đã được đề ra trong các chương trình, mục tiêu quốc gia thì “hậu Covid-19” khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày càng gia tăng. Nếu nguồn lực không được bố trí đầy đủ để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch này thì chúng ta sẽ rất khó thực hiện được mong muốn là “Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng bào ở miền núi có nhắn nhủ chúng tôi rằng, khi ở thành phố, đô thị, ở miền xuôi đang đẩy mạnh các giải pháp không sử dụng tiền mặt, thanh toán không dùng tiền mặt thì không ít gia đình ở miền núi khó khăn, vùng dân tộc rất ít khi nhìn thấy mặt của đồng tiền. Nhiều nơi vẫn là cuộc sống tự cấp tự túc, không có thu nhập và không có giao dịch.

Kính thưa Quốc hội

Tôi đồng tình với mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; phấn đấu GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 USD; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%... Đây là những mục tiêu kinh tế và xã hội có ý nghĩa quan trọng và chúng tôi cũng hiểu rằng để đạt được là rất khó khăn.

Đồng thời tôi cũng tán thành với những nội dung  trong dự thảo Nghị quyết là: “Tập trung thực hiện linh hoạt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an sinh xã hội”.

Đối với vùng dân tộc, miền núi, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội đã nêu khá toàn diện:Tập trung triển khai hiệu quả Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.Tạo sinh kế bền vững, giải quyết việc làm, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới…

Để các mục tiêu này đi vào cuộc sống, bảo đảm cho Nghị quyết số 88/2019/QH14 mang tính khả thi, tạo chuyển biến rõ nét, tôi đề nghị bổ sung vào Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 nội dung: đến năm 2025, Chính phủ chỉ đạo các địa phương tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết cơ bản các vấn đề bức thiết của vùng đồng bào DTTS và MN như : tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở địa bàn ĐBKKnhất là vùng có nguy cơ cao về thiên tai. Đây là vấn đề cấp bách, CP cần có những giải pháp để giải quyết kịp thời.

Tới đây, khi sửa đổi Luật Đất đai 2013, chúng tôi rất mong Quốc hội quyết định chính sách bài bản để giải quyết căn cơ vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào các dân tộc. Theo báo cáo thì trong giai đoạn vừa qua, các địa phương đã hỗ trợ đất ở cho hơn 93.600 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho trên 107.800 hộ, đây là con số ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều gia đình thiếu đất ở, đất sản xuất, chưa nhận được hỗ trợ. Chính sách nhà ở tuy được đặt ra trong chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững nhưng vẫn chờ nguồn lực để thực hiện. Chúng ta đã cố gắng trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa giải quyết căn bản được tình trạng thiếu  nhà ở,đất ở, sản xuất,  tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Mới đây, làm việc với một số tỉnh ở Tây Nguyên, Chủ tịch Quốc hội  Vương Đình Huệ đãđề nghị các tỉnh cần quan tâm tập trung giải quyết  vấn đề đất đai cho đồng bào, đặc biệt là rà soát tình trạng đất đai các nông, lâm trường hiện nay đang quản lý nhưng không có hiệu quả, chuyển về địa phương diện tích khá lớn nhưng chưa được đo vẽ, cắm mốc; một số nơi thì chưa bàn giao hoặc nhận bàn giao rồi nhưng chưa có kế hoạch sử dụng… Đề nghị CP xử lý nghiêm khắc các vi phạm pháp luật và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán giải quyết dứt điểm tình trạng về quản lý, sử dụng đất đai, tranh chấp, lấn chiếm, cho thuê, cho mượn sai mục đích đang còn tồn đọng trong các công ty Nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng.

Chúng tôi hoan nghênh Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua đãban hành Nghị quyết 120 với nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là Chính phủ đã có kế hoạch giai đoạn tới sẽ tăng đầu tư cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Chúng ta cần thêm những nghị quyết cụ thể như vậy, bởi ngoài Tây Nam Bộ, chúng ta còn những vùng “tây” khó khăn khác là Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Thanh Hoá – Nghệ Tĩnh cũng đang cần rà soát các mục tiêu, kế hoạch, chính sách để bảo đảm chiến lược phát triển mới.

Xin cảm ơn Quốc hội.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.178.529
    Trong năm: 1.347.572
    Trong tháng: 142.733
    Trong tuần: 30.761
    Trong ngày: 140
    Online: 80