Thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-ĐĐBQH ngày 30/8/2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa về giám sát ”Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018 - 2020”. Ngày 07/10/2021, Đoàn Giám sát do đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn Giám sát tổ chức làm việc tại huyện Thọ Xuân và huyện Lang Chánh.

Tham gia Đoàn giám sát có các vị Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: ông Võ Mạnh Sơn, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hoá; bà Cầm Thị Mẫn, ĐBQH Chuyên Trách; bà Phạm Thị Xuân, Thư ký Toà án Nhân dân huyện Quan Hoá và đại diện lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh.

Sáng ngày 07/10/2021, tại buổi làm việc, đại diện UBND huyện Thọ Xuân báo cáo với Đoàn giám sát: Trong giai đoạn 2018 - 2020, thực hiện Chương trình OCOP, trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã có nhiều tổ chức, cá nhân, HTX phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đăng ký tham gia, thúc đẩy việc phát triển sản xuất hàng hoá thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế cho người sản xuất. Cùng với đó, huyện đã có chính sách hỗ trợ cho các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP trên địa bàn (100 triệu đồng/sản phẩm 3 sao trở lên). Đến nay, huyện đã thực hiện hỗ trợ 1,1 tỷ đồng cho 11 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh (1 sản phẩm 4 sao và 10 sản phẩm 3 sao) để các chủ thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất sản phẩm, thay đổi bao bì, nhãn mác, xúc tiến thương mại... Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chương trình còn chưa đồng bộ, các sản phẩm tham gia chương trình còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, quy mô sản xuất của các chủ thể còn hạn chế, khả năng mở rộng thị trường chưa cao...

Qua khảo sát thực tế tại cơ sở sản xuất và làm việc với UBND huyện Thọ Xuân, các ĐBQH tỉnh ghi nhận sự chủ động, quyết tâm của chính quyền và các chủ thể sản xuất trên địa bàn huyện. Đồng thời, đánh giá cao sự linh hoạt, sáng tạo của huyện trong việc xây dựng cơ chế riêng để khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm thế mạnh thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Thay mặt Đoàn giám sát, đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá đề nghị huyện Thọ Xuân tiếp tục quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, tập huấn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy giá trị thương hiệu sản phẩm. Chú trọng đến công tác đăng ký bảo hộ trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm.... Đồng thời, huyện cần quan tâm phát triển các của hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP tại Cảng hàng không Quốc tế Thọ Xuân, chợ dân sinh và các điểm du lịch trên địa bàn huyện nhằm đẩy mạnh việc quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Huyện Thọ Xuân có tiềm năng, thế mạnh và dư địa lớn để phát triển Chương trình OCOP, bên cạnh những sản phẩm làng nghề, truyền thống, huyện cần hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển thêm những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Huyện cần xây dựng thêm các dự án thành phần gắn phát triển sản phầm OCOP với du lịch, văn hóa. Đồng thời thu hút thêm doanh nghiệp, hỗ trợ khuyến khích các chủ thể phát triển các mô hình sản xuất, đầu tư xây dựng những dự án chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp nhằm tăng giá trị kinh tế, sức tiêu thụ ở những thị trường khó tính và hướng tới xuất khẩu. Ngoài ra, huyện Thọ Xuân cần giao trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức chính trị, đoàn thể trong thực hiện kế hoạch, mục tiêu thực hiện Chương trình OCOP trong giai đoạn 2021-2025 để đạt được hiệu quả cao nhất.

Tiếp tục chương trình giám sát tại huyện lang Chánh, buổi chiều ngày 07/10/2021, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, đại diện UBND huyện Lang Chánh báo cáo: Giai đoạn 2018 - 2020, UBND huyện đã tích cực vào cuộc, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP huyện Lang Chánh và triển khai tập huấn cho các chủ thể tham dự. Tuy nhiên, do tư tưởng, nhận thức của người sản xuất chưa đầy đủ về lợi ích khi tham gia chương trình, quy mô sản xuất hàng hoá của các sản phẩm nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, các sản phẩm chưa đủ tiêu chuẩn, chất lượng và quy mô để phát triển theo chu trình OCOP… nên đến thời điểm hiện tại, huyện Lang Chánh chưa có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Sau khi đi kiểm tra trực tiếp tại một số cơ sở sản xuất và làm việc với UBND huyện Lang Chánh, Đoàn giám sát nhận định huyện có rất nhiều sản phẩm tiềm năng có khả năng phát triển thành sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hoá. Trong đó, có sản phẩm đã được thị trường, người tiêu dùng biết đến, như: kẹo nhãn Lang Chánh, rượu siêu men lá… Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Mai Văn Hải, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá đề nghị huyện tiếp tục thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để khơi gợi sự chủ động của các chủ thể sản xuất với chương trình.

Tại buổi làm việc, đồng chí Mai Văn Hải, đã thẳng thắn chỉ ra những điểm hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND huyện trong việc triển khai, thực hiện Chương trình OCOP. Thời gian tới, UBND huyện cần hỗ trợ xây dựng một số sản phẩm thế mạnh, như: Kẹo nhãn Lang Chánh, hương ngải cứu… thành thương hiệu mạnh, mở rộng quy mô sản xuất để bảo đảm các tiêu chí của Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hoá.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.184.902
    Trong năm: 1.349.506
    Trong tháng: 144.449
    Trong tuần: 30.926
    Trong ngày: 1.191
    Online: 51