Sáng 16/8/2024, Đội thi của Đảng bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tham gia cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (cụm số 5) do Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Đội thi gồm 03 đảng viên: Nguyễn Thị Hương Thảo (Phó Bí thư Chi bộ phòng Tổng hợp, Thông tin, Dân nguyện); Lê Xuân Phúc Hưng, Đinh Lê Trà My (đảng viên Chi bộ phòng Công tác Hội đồng nhân dân) cùng sự tham gia của các đảng viên, người lao động Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
Cuộc thi được tổ chức từ ngày 12 - 16/8 nhân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024). Đợt sinh hoạt chính trị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần làm sáng rõ và lan tỏa hơn nữa những giá trị của bản Di chúc, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với Bác Hồ và con đường cách mạng của dân tộc, đồng thời cũng là dịp để cán bộ, người lao động của 75 đội thi đến từ các đảng bộ, chi bộ trực thuộc trong Khối có cơ hội giao lưu, học hỏi, thể hiện sự hiểu biết, tài năng, chia sẻ kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
Phó Bí thư Đảng ủy Khối Đinh Thị Thanh Hà chụp ảnh lưu niệm với Đội thi và cán bộ, đảng viên Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
Ban Giám khảo cuộc thi gồm các đồng chí: Đinh Thị Thanh Hà - Phó Bí thư Đảng ủy Khối; Lê Hải Quân - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối; Nguyễn Thị Huyền - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối; Lê Văn Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Đảng ủy Khối.
Cuộc thi gồm 03 phần: Phần chào hỏi (Giới thiệu đội thi, đơn vị dự thi, mục đích, ý nghĩa cuộc thi với hình thức biểu diễn sân khấu); Phần thi thuyết trình một nội dung trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Phần thi trả lời câu hỏi xung quanh nội dung Di chúc, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ở phần chào hỏi, đồng chí Nguyễn Thị Hương Thảo cùng đội thi đã thể hiện màn múa hát “Nơi rừng thông con dựng tượng đài Bác”. Phần thi đã gợi nhớ lại một sự kiện vô cùng quan trọng – lần đầu tiên bác Hồ về thăm Thanh Hóa.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với Thanh Hóa. Trong những ngày vô cùng căng thẳng khi cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 20-2-1947, Bác Hồ đã về thăm Thanh Hóa lần thứ nhất. Và chỉ trong một ngày đó, trên sườn đồi của Rừng Thông lịch sử thuộc huyện Đông Sơn, Bác Hồ đã có 3 cuộc họp và gặp gỡ với các cán bộ chủ chốt của tỉnh, cán bộ hành chính, mặt trận các châu, huyện, với một số thân sĩ, phú hào trí thức và đại biểu các dân tộc, tôn giáo ở Thanh Hóa. Bác chọn Thanh Hóa để về làm việc bởi vì Thanh Hóa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là hậu phương rộng lớn và vững chắc của cuộc kháng chiến. Tự hào là mảnh đất lần đầu tiên được Bác đến thăm và làm việc trong những ngày đầu kháng chiến. Đề tỏ lòng tôn kính và biết ơn vô hạn đối với Bác, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, Nhân dân và cán bộ huyện Đông Sơn đã xây dựng đài tưởng niệm Người ngay chính nơi Người đã ngồi làm việc năm xưa. Lời Bác như vẫn vang vọng đâu đây, thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa vững bước đi lên: "Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu".
Thực hiện phần thi thuyết trình, đồng chí Đinh Lê Trà My đã thể hiện có chiều sâu và truyền cảm hứng về tư tưởng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là nội dung đoàn kết, dân chủ, phê bình và tự phê bình, trách nhiệm của Đảng viên được thể hiện trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí nhấn mạnh, chỉ trong một đoạn di chúc ngắn 57 từ, bác Hồ đã nhắc đến 4 lần chữ “thật” và “thật sư” – đây không phải là một điều ngẫu nhiên, mà đó là cả sự suy ngẫm và trăn trở của Người, bởi “thật” là đối lập với giả dối, “thật sự” là đối lập với qua loa, nửa vời, không đến nơi, đến chốn. Thật có nghĩa là đối lập với giả, với dối. Thật sự là đối lập với qua loa, nửa vời, không đến nơi đến chốn. Thực hiện cho được một chữ thật hay thật sự có khi suốt đời chưa chắc đã làm nổi, trong khi cái giả, cái dối, cái nửa vời... lại vẫn thường trở đi trở lại hàng ngày. Điều căn dặn tâm huyết ấy của Người mãi mãi có ý nghĩa đối với việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, đối với công tác xây dựng Đảng, Đảng phải là đạo đức, văn minh mới có thể lãnh đạo cả dân tộc, xây dựng được một xã hội văn minh, đạo đức.
Thấm nhuần tư tưởng và thực hiện di chúc của người, trong những năm qua, Đảng bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã liên tục phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, nỗ lực, làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng Đảng ta một lối sồng trong sạch, lành mạnh, tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau, củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong toàn đảng bộ; từ đó nâng cao công tác tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh….
Tại phần thi vấn đáp, đội thi đã trả lời xuất sắc câu hỏi về nội dung đoạn văn “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta” được trích từ Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969. Trong số rất nhiều nhận xét, ngợi ca về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là một trong những đánh giá được nhiều người yêu thích nhất. Điều đó đã trở thành chân lý làm rung động con tim mỗi người dân Việt Nam khi nhắc đến Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối trao phần thưởng cho các đội đoạt giải Ba vòng thi cụm số 5
Kết thúc vòng thi, Đội thi đã được Ban Tổ chức trao giải Ba. Đến với cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Đảng bộ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã góp phần khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của bản Di chúc thiêng liêng, thể hiện lòng kính yêu và biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ kính yêu, quyết tâm góp sức đưa Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu như lời căn dặn của Bác.