Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thông báo tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khoá XVI, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành có liên quan tập trung giải quyết những vấn đề cử tri đã kiến nghị, kết quả thực hiện như sau:

              1. Cử tri đề nghị ban hành chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển một số cây trồng mũi nhọn, có giá trị kinh tế cao; chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.

Kiến nghị của cử tri phù hợp với chủ trương, định hướng của Trung ương và của tỉnh về xây dựng nông thôn mới và phát triển nông sản hàng hoá.

Trong những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp như: chính sách xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; chính sách hỗ trợ sản xuất giống lúa lai F1; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển cây cao su; cơ chế, chính sách hỗ trợ giống gốc vật nuôi; cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; cơ chế, chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn tỉnh; cơ chế, chính sách về đất đai và xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, làng nghề,...

Để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển một số cây con mũi nhọn, có khối lượng sản phẩm, hàng hoá lớn, giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa; cơ chế, chính sách phát triển vùng sản xuất rau an toàn tập trung; cơ chế, chính sách phát triển vùng luồng tập trung và trồng rừng gỗ lớn; cơ chế, chính sách phát triển vùng nuôi thâm canh tôm chân trắng; cơ chế, chính sách phát triển các cơ sở chế biến lúa, ngô, thịt lợn, thịt gà, gỗ, luồng. Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành liên quan, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, xem xét, trình HĐND tỉnh quyết định tại kỳ họp cuối năm nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

2. Cử tri đề nghị quy hoạch xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao ở 4 xã Yên Thọ, Phú Nhuận, Mậu Lâm và Xuân Du, huyện Như Thanh.

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan, tổ chức kiểm tra đánh giá khả năng xây dựng vùng thâm canh lúa ở huyện Như Thanh. Trên cơ sở ý kiến tham mưu, đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT và các ngành liên quan, UBND tỉnh đã báo cáo và đề nghị Thường trực HĐND tỉnh xem xét, bổ sung 4 xã Mậu Lâm, Xuân Du, Yên Thọ, Phượng Nghi của huyện Như Thanh vào Chương trình xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2009 – 2013. Thường trực HĐND tỉnh đã có ý kiến tại Công văn số 02/CV-HĐND ngày 01/02/2012: do nguồn kinh phí thực hiện chính sách xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hạn chế và đã được phân bổ cho các địa phương nên trước mắt, bổ sung xã Xuân Du tham gia Chương trình xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao từ năm 2012, tạo điều kiện cho xã Xuân Du hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2013 (xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh); các xã Mậu Lâm, Yên Thọ, Phượng Nghi khi có điều kiện, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, bổ sung vào quy hoạch xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao của tỉnh.

3. Cử tri huyện Như Thanh đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Như Thanh thu hút các dự án đầu tư chăn nuôi bò sữa; chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ gia cầm vào địa bàn.

Như Thanh là huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; kiến nghị nêu trên của cử tri là phù hợp và cần thiết. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH một thành viên sữa Lam Sơn đầu tư Dự án trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 tại xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh (Công văn số 5469/UBND-NN ngày 22/8/2011); Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 633/QĐ-UBND với tổng diện tích là 34,31 ha, quy mô 2.000 bò sữa.

Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thống nhất chủ trương hỗ trợ kinh phí cho chủ trang trại xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào trang trại (đường giao thông, cấp thoát nước,...) và giải phóng mặt bằng với mức không quá 3 triệu đồng/1con bò sữa đối với trang trại có quy mô 2.000 bò sữa trở lên. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, UBND huyện Như Thanh tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án đầu tư trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 của Công ty TNHH một thành viên sữa Lam Sơn được triển khai thực hiện đúng kế hoạch.

Về chăn nuôi gia súc, gia cầm vào địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có cơ chế, chính sách khuyến khích tại Quyết định số 4101/2005/QĐ-UBND ngày 30/12/2005, Quyết định số 3798/2009/QĐ-UBND ngày 10/11/2009 và Quyết định số 271/2011/QĐ-UBND ngày 21/01/2011. Đề nghị UBND huyện Như Thanh tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch các khu trang trại tập trung, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện.

4. Cử tri đề nghị sửa đổi, nâng mức hỗ trợ đầu tư kiên cố hoá kênh mương, giao thông nội đồng trong Chương trình xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

Việc hỗ trợ đầu tư kiên cố hoá kênh mương, giao thông nội đồng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao đang thực hiện theo Quyết định số 1304/2009/QĐ-UBND ngày 29/4/2009 của UBND tỉnh. Theo đó, mức hỗ trợ kiên cố hoá kênh mương, giao thông nội đồng là 170 triệu đồng/km, tương đương bằng 50% chi phí xây lắp kênh mương, giao thông nội đồng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, do giá cả nguyên vật liệu, nhân công, giá ca máy tăng cao, mức hỗ trợ tại Quyết định số 1304/2009/QĐ-UBND ngày 29/4/2009 của UBND tỉnh hiện nay chỉ đảm bảo được khoảng 30% chi phí xây lắp; vì vậy, cử tri đề nghị điều chỉnh là hợp lý. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí ngân sách tỉnh còn khó khăn; đến hết năm 2011, kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư kiên cố hoá kênh mương, giao thông nội đồng còn thiếu 88,732 tỷ đồng so với nhu cầu của các địa phương. Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, trình HĐND tỉnh quyết định việc sửa đổi, bổ sung, nâng mức hỗ trợ đầu tư kiên cố hoá kênh mương, giao thông nội đồng đã ban hành tại Quyết định số 1304/2009/QĐ-UBND ngày 29/4/2009 của UBND tỉnh vào thời điểm phù hợp.

5. Cử tri đề nghị ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển giao thông, thuỷ lợi ở các xã miền núi không được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ.

Cơ chế khuyến khích phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008 – 2012 đang được thực hiện theo Quyết định số 2532/2008/QĐ-UBND ngày 18/8/2008 của UBND tỉnh, áp dụng cho các dự án hỗ trợ kiên cố hoá mặt đường, xây dựng, sửa chữa các cầu nhỏ, đường tràn, cống qua đường trên các tuyến đường huyện, đường xã và mở mới đường thôn, bản ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ và những xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư đối với các công trình cấp huyện quản lý đang được thực hiện theo Quyết định số 4100/2005/QĐ-UBND ngày 30/12/2005 và Quyết định số 2539/2009/QĐ-UBND ngày 05/8/2009 của UBND tỉnh về bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số khoản, mục của Quyết định số 4100/2005/QĐ-UBND ngày 30/12/2005, trong đó có chính sách hỗ trợ đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập nhỏ do huyện và xã quản lý; hỗ trợ kiên cố hoá kênh mương nội đồng. Các cơ chế, chính sách nêu trên được ban hành đã tăng cường tính chủ động, tích cực huy động nguồn lực lớn trong nhân dân để đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo cho nhân dân trong tỉnh nói chung và các huyện miền núi nói riêng.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục khuyến khích các địa phương phát triển giao thông nông thôn, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông Vận tải xây dựng đề án cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, trình HĐND tỉnh tại kỳ họp cuối năm 2012, trong đó có các xã miền núi không được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ; đồng thời đang chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho các xã nghèo ngoài Chương trình 30a, 135 và 257 để trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua.

6. Cử tri cho rằng cần quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các địa phương lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 248 xã được phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới, 325 xã đang trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. So với kế hoạch đề ra, tiến độ lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do số đơn vị lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới lớn; quy hoạch này phải tổ chức lấy ý kiến tham gia của nhân dân ; năng lực, kinh nghiệm của các đơn vị tư vấn còn hạn chế; vai trò, trách nhiệm của một số chủ đầu tư trong việc định hướng quy hoạch chưa cao; công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc lập quy hoạch ở một số huyện chưa thực sự quyết liệt dẫn đến tiến độ, chất lượng lập đồ án quy hoạch của nhiều xã còn chậm và một số xã chưa đạt yêu cầu.

Để tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2015, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 29/02/2012 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2012-2015, tập trung chỉ đạo đến ngày 30/6/2012 hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã, đảm bảo chất lượng, khả thi; chỉ đạo kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm đơn vị tư vấn lập quy hoạch không đảm bảo chất lượng; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch không đảm bảo chất lượng.

7. Cử tri cho rằng thủ tục hành chính khám, chữa bệnh và chuyển tuyến ở các bệnh viện công lập còn gây phiền hà, cần phải được đơn giản hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế công lập.

Trong những năm qua, các cơ sở y tế công lập trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác khám chữa bệnh, góp phần tích cực phòng ngừa, tiêu cực, nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân. Hiện nay, quy trình, thủ tục đăng ký khám chữa bệnh và chuyển tuyến ở các cơ sở y tế công lập đang được thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật. Tuy nhiên, do một số quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa phù hợp với tình hình thực tế, như xuất trình thẻ học sinh có dán ảnh, giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú, một số bệnh nhân chưa tin tưởng bệnh viện tuyến dưới nên thường có nhu cầu chuyển tuyến trên, việc chuyển tuyến phải theo quy định, làm người bệnh cho rằng các cơ sở khám chữa bệnh gây khó khăn, phiền hà cho bệnh nhân. Bên cạnh đó cũng còn một số bệnh viện tuyến dưới, thủ tục khám, chữa bệnh, chuyển viện chưa được đổi mới, còn phiền hà, gây khó khăn cho nhân dân.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế, các ngành liên quan, các cơ sở khám chữa bệnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, viên chức trong việc giải quyết thủ tục khám, chữa bệnh; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản về quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết cho người bệnh; phát động các phong trào thi đua thực hiện tốt quy tắc ứng xử; đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, viên chức gây khó khăn, phiền hà, có hành vi đòi quà, tiền của bệnh nhân; đồng thời chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân viên ở các cơ sở y tế công lập.

8. Cử tri cho rằng chất lượng giáo dục ở miền núi còn thấp, cần phải có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục miền núi.

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục miền núi và đạt được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học được quan tâm đầu tư; đội ngũ cán bộ, giáo viên được tăng cường; chất lượng giáo dục miền núi từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục miền núi còn thấp so với vùng đồng bằng, ven biển; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi gặp nhiều khó khăn; phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở chưa thực sự vững chắc; số học sinh thi đỗ vào lớp 10, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tỷ lệ còn thấp; cơ sở vật chất phục vụ dạy và học còn thiếu và yếu kém; số trường chuẩn quốc gia chưa nhiều.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện kế hoạch củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú theo đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục miền núi giai đoạn 2011-2015, với mục tiêu đến năm 2015 có 100% giáo viên các cấp học, bậc học đạt chuẩn và trên chuẩn; hoàn thành kiên hóa trường lớp học trước năm 2014; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi trước năm 2013; giữ vững kết quả phổ cập tiểu học, trung học cơ sở; nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên 30%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45% trở lên vào năm 2015.

9. Cử tri phản ánh hiện nay ở một số huyện có một số hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất nông nghiệp nhưng không đưa đất vào sử dụng dẫn đến một số diện tích đất bị bỏ hoang.

Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra, đề xuất biện pháp khắc phục, kết quả như sau:

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.298 hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất nông nghiệp nhưng không tổ chức sản xuất, bỏ hoang với tổng diện tích 112 ha, chiếm 0,04% diện tích đất nông nghiệp đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân, tập trung chủ yếu ở các huyện Nga Sơn (78,54 ha), Quảng Xương (12,56 ha), Tĩnh Gia 8,10 ha và thị xã Sầm Sơn (9,65 ha),... Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do đất ven biển bị nhiễm mặn nặng, điều kiện tưới tiêu khó khăn, hiệu quả sản xuất thấp nên có một số hộ dân trong một số vụ không tổ chức sản xuất trên diện tích đất nông nghiệp được giao, chuyển sang làm việc ở các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại; các cơ quan nhà nước trong quá trình lập quy hoạch xây dựng các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ,...chưa gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp, sắp xếp lại hệ thống cơ sở hạ tầng kênh mương, giao thông nội đồng khu vực lân cận dẫn đến một số diện tích đất nông nghiệp không thể tổ chức sản xuất, phải bỏ hoang sau khi các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ,... được đầu tư xây dựng.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch xây dựng, bảo đảm không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; đồng thời chỉ đạo ngành Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân đưa đất vào sử dụng và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đối với diện tích đất bỏ hoang, giao cho UBND cấp xã nơi có đất bổ sung vào quỹ đất công ích để giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất.

10. Cử tri đề nghị tiếp tục thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất cho phù hợp với quá trình chuyển đổi nghệ nghiệp ở nông thôn.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh có 361/637 xã thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc đổi điền, dồn thửa, với tổng diện tích đã đổi điền, dồn thửa là 79.075,53 ha, đạt 61,25% diện tích đất của các xã đã thực hiện. Sau khi thực hiện việc đổi điền, dồn thửa, diện tích bình quân một thửa tăng từ 330 m2 lên 1.000 m2, số thửa bình quân mỗi hộ giảm từ 10 thửa xuống còn 02 thửa; đất công ích từ chỗ phân tán được quy hoạch tập trung ở một số vùng, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch sắp xếp lại đồng ruộng, đầu tư xây dựng kênh mương, giao thông nội đồng, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thụât vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất nông nghiệp.

Để có cơ sở chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện đổi điền, dồn thửa, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tổng kết công tác đổi điền, dồn thửa trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp vớiSở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đổi điền, dồn thửa, báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh quyết định.

11. Cử tri cho rằng tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Giấy Châu Lộc kéo dài nhiều năm nhưng chưa được khắc phục.

Dự án Nhà máy Giấy Châu Lộc do Tổng công ty Giấy Việt Nam (nay là Công ty Cổ phần Giấy Thanh Hoá) làm chủ đầu tư, đã được UBND tỉnh cho thuê đất tại Quyết định số 1372/QĐ-UBND ngày 21/5/2008, với diện tích đất thuê là 55,7 ha, thời hạn thuê đất là 50 năm, kể từ ngày 31/12/2002. Mặc dù dự án trên đã được nhà nước cho thuê đất từ nhiều năm nhưng do chủ đầu tư triển khai dự án chậm nên đến nay vẫn chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy, chưa đưa đất vào sử dụng, gây bức xúc trong nhân dân.

Trước tình hình trên, sau khi xem xét đề nghị của UBND huyện Hậu Lộc về việc xả nước thải sản xuất ra sông Lèn ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân ở hạ lưu sông Lèn, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Cổ phần Giấy Thanh Hoá nghiên cứu, bổ sung đầu tư công trình hồ sinh học hoặc hồ chứa để kiểm định nước thải cuối nguồn hoặc nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy tại địa phương khác trong tỉnh, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hướng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Công ty Cổ phần Giấy Thanh Hoá đã thống nhất phương án lựa chọn vị trí đầu tư xây dựng Nhà máy Giấy trong Khu kinh tế Nghi Sơn.

Sau khi hoàn thành hồ sơ, thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Giấy Thanh Hoá đầu tư xây dựng nhà máy giấy trong Khu kinh tế Nghi Sơn, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành liên quan, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh thu hồi diện tích đất đã giao cho Công ty Cổ phần Giấy Thanh Hoá thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Giấy Châu Lộc để giao cho UBND huyện Hậu Lộc quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật đất đai.

12. Về tình hình triển khai, kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan xây dựng Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020, trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3906/QĐ-UBND ngày 29/10/2009. Đến nay, tổng số lao động đã được hỗ trợ đào tạo nghề là 9.652 người; trong đó có 6.561 người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác; 360 người thuộc diện hộ cận nghèo; 2.731 người thuộc đối tượng khác. Lao động sau khi được đào tạo nghề đã tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở một số huyện còn lúng túng, xác định ngành, nghề chưa thực sự phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đội ngũ giáo viên dạy nghề còn yếu, thiếu nghiệp vụ sư phạm; cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở đào tạo nghề còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ.

Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố, khuyến khích, tạo điều kiện cho các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, các trung tâm dạy nghề, các hội, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên dạy nghề, khuyến nông viên khi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở dạy nghề đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đảm bảo chất lượng.

13. Cử tri phản ánh Nhà máy sản xuất giấy Bãi Bùi thuộc HTX Chế biến lâm sản Lang Chánh xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Âm gây ô nhiễm nguồn nước.

Tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Lang Chánh và các cơ quan liên quan kiểm tra thực tế và chỉ đạo thực hiện các biện pháp khắc phục, kết quả như sau:

Nhà máy sản xuất giấy Bãi Bùi thuộc HTX chế biến lâm sản Lang Chánh hoàn thành đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động từ tháng 10/2011, sử dụng nguyên liệu tre, nứa, luồng để sản xuất giấy vàng mã, với công suất 500 tấn sản phẩm/năm. Trong quá trình hoạt động, Nhà máy thải ra môi trường khoảng 50-60 m3 nước thải/ngày/đêm từ nguồn bể ngâm nguyên liệu được thu gom, xử lý tại hồ sinh học và nguồn nước nghiền, xeo giấy được thu gom, xử lý ở 03 bể lắng. Sau đó, nước thải được tái sử dụng, phục vụ sản xuất. Qua kiểm tra cho thấy vẫn còn một phần nước thải sản xuất được thải ra sông Âm; HTX chế biến lâm sản Lang Chánh chưa thực hiện đầy đủ chương trình giám sát môi trường định kỳ; chưa có Giấy phép khai thác nước mặt và Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập biên bản vi phạm hành chính về môi trường do HTX không thực hiện đầy đủ các nội dung trong Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với HTX và yêu cầu HTX không được xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn môi trường ra sông Âm; tập trung đầu tư hoàn chỉnh các công trình xử lý nước thải theo quy định; lập hồ sơ xin cấp Giấy phép khai thác nước mặt, Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; trường hợp HTX cố tình không thực hiện sẽ đình chỉ dự án; đề nghị UBND huyện Lang Chánh tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với HTX chế biến lâm sản Lang Chánh.

14. Cử tri phản ánh nước thải từ hệ thống thoát nước thải của KCN Lễ Môn xử lý chưa triệt để, thải ra sông Thống Nhất, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Sông Thống Nhất bắt nguồn từ cầu Lai Thành đến cống Quảng Châu, tiếp nhận nước thải của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nước thải sinh hoạt của nhân dân trong khu dân cư và nước thải sản xuất của một số doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Lễ Môn.

Theo kết quả quan trắc chất lượng môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, một số doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Lễ Môn thải nước thải ra môi trường không đảm bảo yêu cầu theo quy chuẩn cho phép. Nguyên nhân của tình trạng trên là do vẫn còn 12/17 doanh nghiệp không thực hiện đấu nối nước thải sản xuất vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp mà xả nước thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước xuống sông Thống Nhất.

Để khắc phục tình trạng nước thải sản xuất của một số doanh nghiệp đã được thu gom, xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn, thải xuống sông Thống Nhất, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Hóa rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp đấu nối nước thải sản xuất vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Lễ Môn; chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.

15. Về đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực môi trường.

Để có cơ sở đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2012 và giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố lập quy hoạch chi tiết quản lý chất thải rắn của địa phương mình, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Đến nay, đã có 13/27 huyện, thị xã, thành phố được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung, bao gồm các huyện: Nông Cống, Hậu Lộc, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thạch Thành, Nga Sơn, Như Xuân, Quan Sơn, Mường Lát; thành phố Thanh Hóa và các thị xã Sầm Sơn, Bỉm Sơn.

Thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực xử lý và tái chế chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trình HĐND tỉnh thông qua để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Sau khi cơ chế, chính sách nêu trên được ban hành sẽ giảm bớt khó khăn cho ngân sách nhà nước, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn, bảo vệ môi trường bền vững.

16. Cử tri phản ánh đường tránh thành phố Thanh Hoá mới đưa vào khai thác, sử dụng đã sụt lún, xuống cấp; đường 13 nối Quốc lộ 1A với huyện Nga Sơn thi công không đảm bảo chất lượng.

- Dự án đường tránh Quốc lộ 1A được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT). Dự án do Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 9/2009. Qua kiểm tra cho thấy, phần đường dành cho xe thô sơ xuất hiện một số điểm sụt lún, xuống cấp. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên là do các xe có tải trọng lớn chạy lấn sang làn đường dành cho xe thô sơ, vượt quá tiêu chuẩn tải trọng thiết kế, làm cho mặt đường bị sụt lún, hư hỏng.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam có phương án sửa chữa và có giải pháp phân luồng xe, không cho xe cơ giới đi vào làn đường dành cho xe thô sơ. Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo Công ty Cổ phần BOT đường tránh Thanh Hoá sửa chữa, khắc phục tình trạng sụt lún, hư hỏng mặt đường, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

- Tuyến đường tỉnh 508 (đường 13 nối Quốc lộ 1A với huyện Nga Sơn)được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Công trình đã hoàn thành đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 4/2011.Trong quá trình khai thác mặt đường, đoạn Km0+00 – Km5+00 đã xuất hiện ổ gà và bị bong tróc cục bộ. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do xe chở vật liệu xây dựng có tải trọng nặng, vượt quá tiêu chuẩn thiết kế của tuyến đường, làm cho mặt đường bị hư hỏng ở nhiều vị trí.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện chở quá khổ, quá tải, quá tiêu chuẩn thiết kế của tuyến đường; đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý dự án giao thông III yêu cầu nhà thầu thi công và các cơ quan liên quan tiến hành sửa chữa những hư hỏng nêu trên. Đến nay, công tác sửa chữa của nhà thầu cơ bản hoàn thành.

17. Về tình hình triển khai các dự án: Đường Hồi Xuân – Tén Tằn; Quốc lộ 45, đoạn từ ngã ba Nhồi đến ngã ba Voi và đoạn từ thị trấn Quán Lào đi huyện Vĩnh Lộc.

- Tuyến đường Hồi Xuân – Tén Tằn có chiều dài 111,3 km, tổng mức đầu tư 1.371 tỷ đồng, bao gồm cả đoạn trùng với tuyến đường Tây Thanh Hoá. Đến nay, tổng số vốn bố trí cho tuyến đường Hồi Xuân – Tén Tằn là 421 tỷ đồng, trong đó vốn bố trí cho xây lắp 282 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 109 tỷ đồng; số vốn còn thiếu 950 tỷ đồng; giá trị khối lượng thực hiện đạt 332 tỷ đồng. Hiện nay, nhà thầu thi công đang gặp khó khăn về vốn do Chính phủ thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát; thời gian thi công đã hết 50% nhưng số vốn bố trí cho tuyến đường mới đạt 30% nhu cầu; mặt bằng thi công mới giải phóng được 80%. Ngày 24/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 602/QĐ-TTg, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 646/QĐ-BKHĐT 24/5/2012 về việc giao kế hoạch vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 và năm 2012. Theo đó, Dự án Mở rộng, nâng cấp đường Hồi Xuân – Tén Tằn được bố trí vốn 80,715 tỷ đồng. UBND tỉnh đã chỉ đạo bố trí vốn tập trung cho những đoạn thi công dở dang, xử lý những đoạn sình lầy, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Để đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Thanh Hoá và huyện Đông Sơn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cho phép đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 45, đoạn Km76+00 – Km80+656 (ngã ba Nhồi đến ngã ba Voi, xã Đông Vinh, huyện Đông Sơn) ghép vào dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 45, đoạn Km51 – Km61 đã được Bộ Giao thông Vận tải cho chủ trương lập dự án đầu tư tại theo Quyết định số 3748/QĐ-BGTVT ngày 15/12/2009, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đến nay, Sở Giao thông Vận tải đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên, do chưa cân đối được nguồn vốn nên Bộ Giao thông Vận tải chưa xem xét, phê duyệt dự án.

Quốc lộ 45, đoạn từ thị trấn Quán Lào đi huyện Vĩnh Lộc (Km32-Km47) đi qua khu vực Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Hiện nay, mặt đường của đoạn tuyến này vừa nhỏ và hẹp, đã bị bong tróc, xuất hiện ổ gà, không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho đầu tư nâng cấp, cải tạo đoạn tuyến trên và chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tích cực đấu mối với Bộ Giao thông Vận tải để được quyết định chủ trương đầu tư, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Trích từ Báo cáo số 80/BC-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
373 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 3.366.684
Trong năm: 993.939
Trong tháng: 96.071
Trong tuần: 21.797
Trong ngày: 2.464
Online: 66