Góp phần quan trọng nâng cao ý thức trách nhiệm của đại biểu và ngành chức năng để giải quyết tốt những nội dung của kỳ họp, HĐND tỉnh Thanh Hóa nhiều năm nay duy trì thường xuyên hoạt động truyền hình, truyền thanh trực tiếp tất cả các phiên họp của HĐND để người dân theo dõi, giám sát; mở đường dây nóng, thông báo rộng rãi số điện thoại để cử tri và nhân dân liên hệ, nêu ý kiến với HĐND, PHÓ CHỦ TỊCH HĐND THANH HÓA LÊ THỊ THÌN cho biết.
- Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh tập trung xem xét kết quả thực hiện nhiệm vụ KT - XH năm và bàn thảo, quyết định nhiệm vụ, nhất là giải pháp hoàn thành kế hoạch KT - XH của năm tới. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, nội dung này càng được đặc biệt quan tâm thảo luận, thưa Phó chủ tịch?
- Kỳ họp cuối năm có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt vì có nhiệm vụ tổng kết một năm hoạt động và đề ra mục tiêu, kế hoạch của năm sau, nhất là thảo luận, thống nhất mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển KT - XH, củng cố QPAN, bảo đảm an sinh xã hội...
Năm 2012, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và diễn biến phức tạp. Trong nước, giá cả một số mặt hàng tăng cao, Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát; cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi suất tín dụng tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Ngoài ra, Thanh Hóa còn phải gánh chịu những hậu quả do rét đậm, rét hại kéo dài, bão lụt, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm diễn ra ở vài nơi. Tình hình trên đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đầu tư xây dựng và đời sống của nhân dân địa phương.
Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng: KT - XH vẫn giữ được ổn định và có bước phát triển. Trong số 16 chỉ tiêu chủ yếu, có 10 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 10,3%; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,4% so với cùng kỳ; dịch vụ, thương mại tiếp tục có bước phát triển. Tổng thu NSNN ước đạt 6.189 tỷ đồng, vượt dự toán HĐND tỉnh giao; huy động vốn đầu tư trên địa bàn đạt khá. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được chăm lo, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Tình hình chính trị ổn định, QPAN ninh được giữ vững.
Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình KT - XH của tỉnh năm 2012 vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với cùng kỳ và kế hoạch; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nhiều dự án trọng điểm thực hiện chậm tiến độ... Trước tình hình này, đặc biệt xác định năm 2013 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm (2011 - 2015), kỳ họp họp này, HĐND tỉnh sẽ tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá sâu sắc, toàn diện những kết quả đạt được cũng như những hạn chế yếu kém và nguyên nhân. Trên cơ sở đó quyết định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cụ thể và nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả trong năm 2013.
- Những kết quả đạt được về KT - XH đã thể hiện cố gắng rất lớn của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, cũng còn những tồn tại, hạn chế. Theo Phó chủ tịch, đâu là nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên?
Những tồn tại, hạn chế trên, bên cạnh do khó khăn khách quan còn do chưa dự báo chính xác mức độ trầm trọng của suy giảm kinh tế năm 2012 nên xây dựng kế hoạch có chỉ tiêu chưa sát; việc cụ thể hóa kế hoạch của một số đơn vị chưa tốt; công tác phối hợp giữa ngành với ngành, giữa ngành với huyện, thị, thành phố có lúc thiếu chặt chẽ. Công tác giám sát của HĐND tỉnh, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh có lúc, có việc chưa toàn diện. Người đứng đầu một số lĩnh vực, một số ngành, địa phương chưa thật sự gương mẫu; trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thiếu sâu sát, thiếu trọng tâm trọng điểm và chưa quyết liệt; tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ chưa cao, còn biểu hiện quan liêu, đùn đẩy, né tránh; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của một số ngành, địa phương, đơn vị chưa đầy đủ và kịp thời, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành.
- Từ kinh nghiệm thực tiễn đó, kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tập trung bàn thảo và quyết định những nội dung gì để đưa kinh tế địa phương vượt qua giai đoạn khó khăn này?
- Kỳ họp này, dự kiến HĐND sẽ xem xét và thông qua 14 nghị quyết, trong đó có 5 nghị quyết chuyên đề về các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các lĩnh vực KT - XH (giai đoạn từ nay đến năm 2015). HĐND tỉnh sẽ dành thời gian thỏa đáng để thảo luận và thông qua nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT - XH năm 2013. Trong đó xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung thực hiện: tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tạo chuyển biến rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, giải quyết có hiệu quả các vướng mắc trong GPMB, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Xây dựng cơ chế, chính sách để nuôi dưỡng và khai thác nguồn thu, áp dụng các biện pháp để tăng thu và quản lý chi ngân sách hiệu quả. Tăng cường quản lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ tư của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; huy động tối đa và quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách cho đầu tư phát triển; tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
- Kỳ vọng vào trí tuệ của đại biểu rất lớn nhưng thời gian tổ chức kỳ họp có hạn, lại có nhiều nội dung phải xem xét, quyết định. Làm sao để tận dụng tối đa thời gian kỳ họp và phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của đại biểu, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng và tính khả thi các quyết sách của HĐND, thưa Phó chủ tịch?
- Phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm của đại biểu trong thảo luận và quyết định - yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng và tính khả thi các quyết sách của HĐND, chúng tôi xác định trước tiên phải làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là nâng cao chất lượng các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết. Tiếp theo, phải xây dựng chương trình kỳ họp, phân bố nội dung khoa học, hợp lý; một số báo cáo yêu cầu phải chuẩn bị bản tóm tắt, một số tài liệu có thể để đại biểu tự nghiên cứu, dành nhiều thời gian cho thảo luận tại hội trường trước khi quyết định.
Trong điều hành kỳ họp, Chủ tọa chủ động tạo không khí dân chủ, cởi mở, có sức cuốn hút, lan tỏa, khơi dậy tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu, như vậy phiên thảo luận sẽ sôi nổi, thẳng thắn. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy định tại quy chế hoạt động của HĐND tỉnh, mỗi đại biểu chỉ phát biểu tối đa 10 phút để nhiều đại biểu có cơ hội được tham gia phát biểu ý kiến. Việc gợi ý để đại biểu thảo luận tập trung vào những vấn đề trọng tâm, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, những vấn đề các ban của HĐND nêu ra, đề xuất, kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra để các đại biểu tập trung thảo luận, giúp HĐND tỉnh ban hành những quyết sách đúng đắn, sát thực, có tính khả thi, phát huy hiệu quả trên thực tế, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Đặc biệt, HĐND tỉnh Thanh Hóa nhiều năm nay duy trì thường xuyên việc truyền hình, truyền thanh trực tiếp tất cả các phiên họp của HĐND tỉnh để nhân dân theo dõi, giám sát; mở đường dây nóng, thông báo rộng rãi số điện thoại để cử tri và nhân dân liên hệ, nêu ý kiến với HĐND. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao ý thức trách nhiệm của đại biểu và ngành chức năng để giải quyết tốt những nội dung của kỳ họp.
- Bên cạnh Phiên thảo luận, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng thường sôi động và thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri. Trước những vấn đề bức xúc đông đảo cử tri đặt ra, Thường trực, các ban, đại biểu HĐND đã và sẽ tiếp tục vào cuộc như thế nào để đáp ứng mong đợi của cử tri?
- Cử tri và nhân dân trong tỉnh kỳ vọng và dành sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh. Vì vậy, việc lựa chọn nội dung chất vấn và cách thức tổ chức phiên chất vấn sao cho chất lượng, hiệu quả được đặc biệt quan tâm. Thông qua TXCT của đại biểu, giám sát của Thường trực, các ban HĐND; qua tiếp dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại tố cáo; qua phản ánh của MTTQ, các đoàn thể và báo chí... HĐND tỉnh đã lựa chọn và đưa ra chất vấn tại kỳ họp những vấn đề bức xúc nhất. Tại phiên chất vấn, Chủ tọa điều hành tạo được không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm; yêu cầu người chất vấn và người trả lời chất vấn hỏi thẳng và trả lời thẳng vào nội dung; tăng cường đối thoại để làm rõ tình hình, rõ nguyên nhân, rõ trách nhiệm và biện pháp khắc phục những hạn chế tồn tại; ngoài ra người đứng đầu một số sở, ngành, huyện, thị cũng được mời phát biểu để làm rõ thêm những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm. Sau chất vấn, bên cạnh giao cho UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan giải quyết những vấn đề còn tồn tại, báo cáo kết quả với HĐND tại các kỳ họp sau, Thường trực, các ban và đại biểu HĐND tỉnh tích cực theo dõi, đôn đốc việc thực hiện để những vấn đề hậu chất vấn sớm được giải quyết, đáp ứng mong đợi của đông đảo cử tri.
- Xin cảm ơn Phó chủ tịch!
HÀ AN thực hiện; ảnh: H. An