Thực hiện Chương trình giám sát chuyên đề năm 2013 của Ban Kinh tế và Ngân sách, sáng ngày 12 tháng 4 năm 2013 đoàn giám sát của Ban do đồng chí Phùng Bá Văn Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; cùng làm việc với đoàn có đồng chí Lê Thị Thìn Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.
Lãnh đạo Sở
Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo với đoàn giám sát việc triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường (BVMT) theo quy định
của pháp luật. Sau khi Luật BVMT năm 2005 có
hiệu lực thi hành, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh
Hóa tổ chức triển khai, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính
sách pháp luật của nhà nước về BVMT và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở,
ban, ngành, đoàn thể, các cơ sở, doanh nghiệp triển khai, thực hiện. Hàng năm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã
ban hành kế hoạch giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ
sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau khi có quyết định phê duyệt báo cáo đánh
giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường và cam kết bảo vệ môi trường
trên địa bàn tỉnh. Thông qua các đợt
thanh tra, kiểm tra, Sở đã kết hợp tuyên truyền pháp luật về BVMT, hướng dẫn
các đơn vị thực hiện các thủ tục về giám sát môi trường định kỳ, đăng ký chủ
nguồn chất thải nguy hại, đầu tư các công trình xử lý chất thải và kịp thời
phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT để xử lý hoặc kiến nghị cấp có
thẩm quyền xử lý.
Theo các số liệu điều tra của
Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, trên địa bàn
tỉnh có 472 cụm công nghiệp (CCN) và làng
nghề tập trung chủ yếu ở các huyện Nga Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hoá, Thiệu Hoá,
Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Đông Sơn. Các CCN, làng
nghề hầu hết có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, công nghệ lạc hậu. Các làng
nghề nằm xen kẽ trong các khu dân cư; hoạt động sản xuất của làng nghề gắn với
hoạt động sinh hoạt của nhân dân, diện tích sản xuất và sinh hoạt chật hẹp, chất thải sản
xuất và chất thải sinh hoạt không được phân loại riêng. Trong quá trình hoạt
động, các chất thải chưa được xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường. Hiện mới
có khoảng 21% số cơ sở trong làng nghề có hệ thống xử lý chất thải.
Qua kết quả quan trắc
môi trường không khí các năm 2010 và năm 2011 của Sở Tài nguyên và Môi trường tại
CCN làng nghề đá xã Đông Vinh, Đông Hưng, TP Thanh Hóa, CCN làng nghề đá xã Yên
Lâm, huyện Yên Định, cho thấy: nồng độ bụi lơ lửng vượt QCVN từ 1,2 đến 2,1 lần;
độ ồn cao hơn QCVN từ 3 đến 5 dBA.
Ngoài rác thải, nước thải, môi trường đô thị còn bị
ảnh hưởng bởi tiếng ồn và bụi. Theo kết quả quan trắc năm 2011 của Sở Tài
nguyên và Môi trường. Tại các nút giao thông trọng điểm trong tỉnh (Ngã tư Bưu
điện tỉnh, ngã ba Đình Hương, ngã tư Phú Sơn, ngã tư Dân Lực); nồng độ bụi có
vị trí vượt QCVN từ 1,2 đến 2,0 lần; tiếng ồn (từ 6 - 21h) vượt QCVN từ 3 đến
20 dBA; tiếng ồn (từ 21 - 6h) vượt QCVN từ 7 đến 30 dBA.
Môi trường nông nghiệp, nông thôn chưa được chú ý
đúng mức, việc sử dụng hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chưa được quản
lý chặt chẽ; nhiều vùng nông thôn bà con nhân dân sau khi sử dụng thuốc BVTV
bón cây trồng, các loại bao bì đựng thuốc không được
thu gom triệt để đã vứt bỏ ngay tại chân bờ ruộng; việc sử dụng phân khoáng,
phân hữu cơ chưa khoa học, hiệu quả thấp. Việc sử dụng phân tươi bón trực tiếp
cho cây trồng, các loại rau ăn vẫn còn phổ biến. Các loại hoá chất trên,
không chỉ tồn tại trong nông sản mà còn tồn dư và lưu lại trong môi trường đất,
nước mặt, nước ngầm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Ngoài
ra, vấn đề chất thải chăn nuôi và vệ sinh môi trường nông thôn đang là vấn đề
bức xúc hiện nay. Chăn nuôi gia súc với mật độ lớn nhưng chuồng trại không hợp
vệ sinh, chất thải chăn nuôi không được xử lý triệt để. Qua điều tra của Sở tại
1.773/3.384 trang trại, gia trại trên địa bàn toàn tỉnh, có 610/1.773 trang
trại, gia trại (chiếm 34,4%) áp dụng công nghệ hầm biogas để xử lý chất thải
chăn nuôi. Hầu hết các hầm biogas vẫn đang được sử dụng; tuy nhiên, số lượng
hầm sử dụng đủ để xử lý hết lượng chất thải chăn nuôi chưa đạt được một nửa
tổng số hầm biogas được xây dựng (45,98%). Hơn một nửa lượng hầm biogas còn lại
không đạt yêu cầu, không xử lý và xử lý không triệt để, chất thải chăn nuôi
hàng ngày thải trực tiếp vào môi trường, gây ô nhiễm môi trường nước mặt, nước
ngầm xung quanh khu vực tiếp nhận.
Tình trạng rác thải sinh hoạt của người dân nông thôn
không được thu gom, xử lý triệt để thải trực tiếp ra biển, sông, hồ, mương,
rãnh... gây ô nhiễm nguồn nước đang xảy ra khá phổ biến; đặc biệt, là các huyện
ven biển; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom tại khu vực nông thôn mới chỉ đạt
khoảng từ 45 -50%; hình thức xử lý không đảm bảo vệ sinh, gây nguy cơ ô nhiễm
môi trường nước ngầm, nước mặt, không khí, mất mỹ quan khu vực.
Qua kết quả phân tích chất lượng môi trường tại một số khu vực các
trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh, cho thấy: Nước ngầm khu vực xung quanh
trang trại/gia trại đang có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các chỉ tiêu NO2-,
NH4+ và Coliforms; không khí bị
ô nhiễm bởi các khí NH3 và H2S.
Sau khi nghe Sở Tài nguyên và Môi
trường báo cáo, các thành viên trong đoàn giám sát đã nêu những vấn đề còn băn
khoăn trong công tác thực hiện quy hoạch về bảo vệ môi trường, xử lý tình trạng
ô nhiễm môi trường ở các đô thị, trang trại, gia trai, khu dân cư ....lãnh đạo
Sở Tài nguyên và Môi trường đã giải trình các vấn đề mà đoàn nêu ra.
Thay
mặt Ban Kinh tế và Ngân sách đồng chí Phùng Bá Văn Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức
Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh đã phát biểu kết luận buổi
làm việc, đồng chí đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo của Sở Tài nguyên và
Môi trường phục vụ cho hoạt động giám sát của Ban; đề nghị Sở phối hợp với các
ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, đẩy mạnh xã hội hóa về BVMT,
tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm về BVMT. Ban sẽ
tiếp tục làm việc với một số huyện, thị xã, thành phố, một số làng nghề, nhà
máy, bệnh viện…gây ô nhiễm môi trường, sau đó sẽ làm việc lại với Sở Tài nguyên
và Môi trường để có kết luận chính thức, chuẩn bị báo cáo để trình kỳ họp sắp
tới của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Lê Quốc Thành