Ngày 19 tháng 5 năm 2013, Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban dân tộc tiến hành làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy mại dâm Thành phố Thanh Hóa. Đồng chí Trần Quang Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; Đại diện lãnh đạo: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc Hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, sở y tế, sở Lao động Thương binh - Xã hội.
Trong những năm
qua, công tác tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/ AIDS của Thành phố Thanh
Hóa đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần làm chuyển biến về nhận thức,
hành động của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân
dân; nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong công tác phòng chống ma túy, tệ
nạn xã hội.
Lực lượng công an đã phối hợp với
các ngành chức năng mở 11 đợt cao điểm truy quét tội phạm về ma túy; đấu tranh
69 chuyên án đối với đối tượng, ổ nhóm, đường dây buôn bán, vận chuyển, tàng
trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; Bắt 928 vụ, 1186 đối tượng mua bán, tàng
trữ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, khởi tố 742 vu, 896 bị can, xử lý
hành chính 191 vụ, 295 đối tượng; triệt xóa 21 điểm, tụ điểm phức tạp về ma
túy.
Công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đã được quan
tâm. Trong thời gian từ năm 2007 đến tháng 31 tháng 3 năm 2013 đã lập 3.518
lượt đối tượng liên quan đến ma túy đưa vào diện quản lý, trong đó có 623 đối
tượng vào cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Đã có 107 người tiến bộ, giảm
nghiện, 27 người sau cai nghiện được giới thiệu việc làm.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống
ma túy, AIDS còn những tồn tại hạn chế đó là:
Tình
hình tội phạm về ma túy vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, số người nghiện ma
túy có chiều hướng gia tăng. Hiện nay trên địa bàn Thành phố có 944 người
nghiện ma túy,198 đối tượng có biểu hiện mua bán, tàng trữ trái phép chất ma
túy; một số điểm và tụ điểm nổi cộm về ma túy chưa được triệt xóa dứt điểm.
Hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy, nhất là đấu tranh
bóc gỡ đường dây, ổ nhóm còn hạn chế; công tác quản lý, tổ chức cai nghiện tại
gia đình, cộng đồng còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp, tỷ lệ tái nghiện
cao; tỷ lệ người nghiện ma túy vi phạm pháp luật cao, hàng năm số vụ phạm pháp
hình sự do người nghiện ma túy gây ra chiếm tỷ lệ trên 75% tổng số các vụ án;
việc lập hồ sơ cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn nhiều bất cập, hàng năm
chỉ lập hồ sơ, đưa vào cai nghiện tại gia đình và cộng đồng được khoảng 10 -
15% so với số người nghiện hiện có trên địa bàn; đến nay số người nhiễm
HIV/AIDS trên địa bàn Thành phố là 1.425 người, 34/37 xã, phường có người nhiễm
HIV/AIDS, trong đó có 20 xã, phường trọng điểm có số lượng người nhiễm HIV cao.
Công tác tuyên truyền về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy
chưa được thường xuyên. Nhiều nghị quyết, chương trình phối hợp được ký kết
triển khai, nhiều mô hình phòng chống ma túy được xây dựng song thực hiện còn
hình thức, hiệu quả thấp.
Sau khi
nghe ý kiến thảo luận của các thành viên trong Đoàn giám sát, ý kiến giải trình
của Ban chỉ đạo Thành
phố. Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Trần Quang Đảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy,
Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh ghi nhận những nỗ lực cố
gắng của Thành phố Thanh Hóa trong công tác đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn ma
túy và các tệ nạn xã hội khác liên quan đến ma túy. Đồng chí đề nghị, trong
thời gian tới Thành phố Thanh Hóa cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng,
chống ma túy, HIV/AIDS. Ban chỉ đạo Thành phố phải thực sự là cầu nối giữa cấp
ủy, chính quyền với các ngành, đoàn thể. Tham mưu và phối hợp thực hiện các
biện pháp phòng, chống ma túy, lây nhiễm HIV/AIDS nhằm tạo sức mạnh tổng hợp
với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tăng cường chỉ đạo, nâng cao chất
lượng hoạt động, tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng
chống tệ nạn ma túy, mại dâm; nghiên cứu ban hành quy chế, quy định rõ trách
nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội trong
công tác đấu tranh, phòng chống ma túy; đưa kết quả công tác phòng, chống
HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm thành một trong các chỉ tiêu để đánh giá thi
đua của các đơn vị. Công an Thành phố tăng cường công tác phát hiện, bắt giữ,
điều tra xử lý các vụ buôn bán ma túy nhỏ lẻ và triệt phá dứt điểm các tụ điểm
phức tạp về ma túy trên địa bàn. Cuối cùng đồng chí đề nghị Hội đồng nhân dân,
Ban pháp chế Hội đồng nhân dân Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn
của mình xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát việc đấu tranh, ngăn chặn tội
phạm về ma túy và các tệ nạn xã hội về ma túy trên địa bàn.
Lê Thị Hương