Thực hiện Kế hoạch giám sát 6 tháng cuối năm 2014, vừa qua Ban Dân tộc HĐND tỉnh tiến hành giám sát viêc thực hiện kiến nghị về nội dung Hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 30a và Chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Như Xuân, Ông Nguyễn Văn Thành, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn.
Theo báo cáo của UBND huyện, công tác triển khai thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo;sự phối hợp của mặt trận tổ quốc và các ban ngành, đoàn thể cùng tham gia. Sau khi có kiến nghị của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, UBND huyện đã tiếp thu thực hiện nghiêm túc từ việc kiện toàn thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện, phân công cụ thể các thành viên trong BCĐ phụ trách địa bàn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã thực hiện. Cụ thể: Năm 2013 – 2014 không thực hiện việc hỗ trợ giống trâu, bò cái sinh sản cho 2 hộ mua chung; việc lựa chọn nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất đều xuất phát từ nhu cầu của nhân dân; bình xét hộ tham gia phải công khai, dân chủ từ cơ sở; phân bổ nguồn vốn kịp thời, không giàn trải phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn. Chỉ hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện canh tác của đồng bào, theo định hướng phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
Đến nay, đã hỗ trợ được 2.267 con trâu, bò cho 2.822 hộ, kinh phí hỗ trợ 16.302 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao gồm: 26,63 tấn giống lúa lai, 3,8 tấn giống ngô lai, 79,8 tấn vôi bột, 986,7 tấn phân NPK, 254,4 tấn phân viên nèn dúi sâu, kinh phí hỗ trợ 12.777 triệu đồng; hỗ trợ 2.381 con lợn nái sinh sản/2.381 hộ tham gia, 650 con dê/650 hộ tham gia, 15. 752 con gà giống/252 hộ tham gia, tổng kinh phí hỗ trợ trên 6,5 tỷ đồng.
Hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình khuyến nông, khuyến ngư theo Chương trình 30a có 11 mô hình/375 hộ tham gia, kinh phí hỗ trợ 1.692 triệu đồng, gồm các mô hình: Trồng bưởi, cam, quýt, thanh long ruột đỏ,…Nhóm vật nuôi gồm: Trâu, bò, dê, lợn, gà sinh sản trên nền đệm lót sinh học.
Hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện 19 mô hình với 152 hộ tham gia, gồm 17 mô hình chăn nuôi, 02 mô hình trồng trọt, kinh phí hỗ trợ 1.430 triệu đồng.
Tại buổi làm việc, thành viên trong Đoàn giám sát đã nêu lên một số vấn đề đề nghị lãnh đạo huyện quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện, như: Công tác tuyên truyền, vận động về việc thực hiện các chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước về xóa đói giảm nghèo nhất là ở cơ sở nhiều hạn chế, công tác lập quy hoạch, kế hoạch chưa được quan tâm đúng mức, nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào trong sản xuất, chế biến các sản phẩm sau thu hoạch còn hạn chế,…Trước hết cần rà soát toàn bộ số trâu, bò được hỗ trợ, để có biện pháp khắc phục số trâu, bò chết và bán; thống kê, rà soát, theo dõi, tổng hợp đối tượng thụ hưởng chính sách đầy đủ, không để xảy ra việc hỗ trợ trùng đối tượng.
Việc xây dựng lựa chọn các mô hình khuyến nông, khuyến ngư phải thực hiện theo đề án được duyệt, định hướng phát triển kinh tế, xã hội chung của huyện, quan tâm đầu ra của sản phẩm cho nông dân. Việc bình xét đối tượng tham gia cần theo thứ tự ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo thụ hưởng trước.
Thay mặt Đoàn giám sát Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng Đoàn ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đồng thời đề nghị UBND huyện khắc phục những tồn tại, hạn chế, chủ động rà soát hộ nghèo, cận nghèo để có phương án hỗ trợ phù hợp với điều kiện, nhu cầu của hộ, tránh giàn trải. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với Ban chỉ đạo chương trình XĐGN của huyện, phát huy dân chủ, lựa chọn địa bàn để tập trung chỉ đạo nhân ra diện rộng.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện đã giải trình và tiếp thu ý kiến của các thành viên cũng như ý kiến kết luận của Trưởng đoàn giám sát./.
Cầm Bá Chái