Ngày 27 tháng 3 năm 2015, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã giám sát tại huyện Bá thước về công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hành chính; việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện từ năm 2011 đến nay. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc; tham dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Trước
khi làm việc với UBND huyện Bá Thước, đoàn công tác Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh
đã đến làm việc, tìm hiểu tình hình thực tế tại xã Ban Công, huyện Bá Thước.
Theo báo cáo của UBND huyện Bá Thước, tính đến
tháng 3 năm 2013, toàn huyện có 80 trường và 249 điểm trường của 3 bậc học. Đến
nay, sau hơn 1 năm thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp, toàn huyện đã dồn
được 11 trong số 14 điểm trường phải thực hiện theo lộ trình. Thực hiện quyết định
3678 của UBND tỉnh, UBND huyện Bá Thước đã thực hiện điều động, thuyên chuyển
47 cán bộ giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, qua đó, đã cơ bản khắc phục
được tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, việc
điều động giáo viên THCS dôi dư xuống dạy ở các trường tiểu học là không phù hợp
với phương pháp giảng dạy của tiểu học, dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu nâng
cao chất lượng giáo dục ở tiểu học. Đối với bậc mầm non và tiểu học trên địa
bàn huyện, do quy mô trường lớp bé, địa hình chia cắt, có nhiều điểm lẻ, khu lẻ
nên tỉ lệ học sinh trên lớp thấp, số lớp trên thực tế lại lớn hơn nhiều so với
cách tính bình quân chung của tỉnh, vì vậy, chỉ tiêu biên chế của tỉnh giao hiện
nay chưa đáp ứng được nhu cầu giáo viên của huyện.
Về công tác quản lý, sử dụng nguồn
ngân sách sự nghiệp giáo dục, nhìn chung, việc quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt
động thường xuyên của các trường đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, kinh phí nghiệp vụ
được ngân sách cấp hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 55-60% nhu cầu tối thiểu
phục vụ công tác giảng dạy.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Bá
Thước đã làm rõ một số vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch mạng lưới trường
lớp học, việc xử lý các bất cập sau khi dồn các điểm trường, vấn đề cơ sở vật
chất - giáo viên phục vụ dạy và học sau khi dồn các điểm trường; việc sử dụng
nguồn kinh phí của ngân sách cho sự nghiệp giáo dục cấp cho địa bàn huyện....
Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội
HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng của huyện Bá Thước trong công
tác giáo dục, nhất là trong việc rà soát lại mạng lưới trường, lớp học, sáp nhập
một số trường học liên cấp, đưa các điểm lẻ về khu trung tâm; làm tốt việc điều
chuyển số giáo viên THCS sang dạy tiểu học hoặc sang trung tâm học tập cộng đồng.
Rà soát lại đội ngũ giáo viên đảm bảo cân đối, tránh tình trạng thừa thiếu cục
bộ. Đồng thời đề nghị huyện tiếp tục quan tâm bồi dưỡng chất lượng đội ngũ cán
bộ quản lý, giáo viên. Đối với các khoản thu, chi trong nhà trường phải được
bàn bạc công khai, dân chủ đúng quy định…Các đề xuất, kiến nghị của huyện Bá
Thước, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tiếp thu và tổng hợp trình HĐND tỉnh
trong kỳ họp sắp tới.
Lê Thu Hà