Chuẩn bị công tác thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 5 năm 2016-2020 tỉnh Thanh hóa trình tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVI, ngày 01/12/2015 Ban Kinh tế và Ngân sách làm việc với Sở Công thương Thanh Hóa. Đồng chí Phùng Bá Văn - Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc; tham gia buổi làm việc có lãnh đạo Cục Thống kê Thanh Hóa và Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Công
thương, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 33.731 tỷ đồng (tính theo giá
cố định 1994), bằng 99,5% kế hoạch, tăng 10,6% so với năm 2014; đạt 56.240 tỷ
đồng (tính theo giá so sánh năm 2010), tăng 10,8% so với cùng kỳ; nhóm các sản
phẩm công nghiệp khác ước đạt 10.849 tỷ đồng, tăng 7,6% kế hoạch. Hoạt động
thương mại và dịch vụ vượt kế hoạch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch
vụ năm 2015 ước đạt 61.394 tỷ đồng, tăng 2,3% so với kế hoạch, tăng 16,8% so
với cùng kỳ và chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây. Xuất
nhập khẩu tiếp tục tăng nhanh với tổng giá trị xuất khẩu cả năm ước đạt 1.517
triệu USD tăng 31,9% kế hoạch, chủ lực là các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực
may mặc, giầy thể thao.
Trong
sản xuất công nghiệp, toàn tỉnh có 11/30 sản phẩm chủ yếu vượt kế hoạch (đạt
36,7%), có một số sản phẩm đóng góp lớn cho giá trị sản xuất như: xi măng,
thuốc lá bao, quần áo may sẵn, giầy thể thao xuất khẩu, gạch Ceramic .... Từ
kết quả này cho thấy, sản xuất công nghiệp của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn;
nhiều sản phẩm không đạt kế hoạch năm 2015 (17/30 sản phẩm – chiếm 56,7%), một
số sản phẩm có sản lượng thấp dự kiến không hoàn thành kế hoạch như: đường,
bia, xe tải các loại, dăm gỗ, clinke,
gạch xây, sữa tươi ... và có 02 mặt hàng không có sản phẩm (gang, Ferocrom). Nguyên
nhân là do trong sản xuất công nghiệp còn nhiều tồn tại, yếu kém kéo dài, chưa
có bước đột phá khắc phục như: công nghệ sản xuất lạc hậu, mẫu mã sản phẩm chậm
đối mới, năng suất lao động thấp, nguồn nhân lực kỹ thuật cao còn thiếu ...., năm
2016 còn nổi lên một số tồn tại như: chưa có nhiều mặt hàng mới, một số mặt
hàng suy giảm hoặc không có sản phẩm, một số nhà máy không phát huy hết công suất,
một số dự án đầu tư sản xuất công nghiệp lớn chậm tiến độ....
Sau khi
nghe Sở Công thương báo cáo, Lãnh đạo Cục Thống kê và các thành viên Ban Kinh
tế và Ngân sách đã tập chung phân tích, đánh giá kết quả đạt được của năm 2016
với những thuận lợi, khó khăn; đồng thời dự báo tình hình năm 2016, trên cơ sở
kết quả đạt được của năm 2015 đánh giá các chỉ tiêu phát triển công nghiệp -
tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ của kế hoạch năm 2016 mà Sở Công
thương đã xây dựng. Kết luận buổi làm việc, đồng chí
Phùng Bá Văn - Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách ghi nhận và đánh giá cao sự cố
gắng của Ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, lĩnh vực công
nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; một số chỉ
tiêu đạt thấp có nguyên nhân khách quan của thị trường, huy động vốn, thời tiết
... ; đối với chỉ tiêu các sản phẩm công nghiệp trong kế hoạch năm 2016, đồng
chí đề nghị Sở tiếp thu ý kiến phân tích của hội nghị để đưa ra những chỉ tiêu
có căn cứ và đặc biệt chú ý đến giải pháp thực hiện.
Trong Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, đồng chí đề nghị Sở bám vào Nghị
quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020
để xây dựng kế hoạch của ngành và tổ chức thực hiện thành công mục tiêu, chỉ
tiêu đề ra; trong giai đoạn mới, đồng chí đề nghị Sở Công thương quan tâm hơn
đến vấn đề xây dựng thương hiệu, định hướng thị trường, xây dựng chính sách,
nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất
và nâng cao năng lực quản lý nhà nước ....
Một số kiến nghị của Sở Công thương, Ban Kinh tế và Ngân sách tiếp
thu, nghiên cứu để đề xuất UBND tỉnh xem xét.
Nguyễn Thị Huệ