Để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 2 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, sáng ngày 04 tháng 11 năm 2016 Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 đến nay. Đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc; tham dự với Ban có đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo báo cáo của Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.535 di tích, trong đó có 804
di tích đã được xếp hạng các cấp (1 di sản văn hóa thế giới, 3 di tích Quốc gia
đặc biệt, 141 di tích Quốc gia và 659 di tích cấp tỉnh). Trong giai đoạn 2011 -
2016, công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp di tích đã đạt được
nhiều kết quả quan trọng, với 5 di tích được quy hoạch và 219 lượt di tích được
tu bổ, chống xuống cấp. Tổng kinh phí thực hiện công tác bảo tồn di tích lớn,
bao gồm kinh phí từ ngân sách Trung ương và tỉnh là 949.749 triệu đồng, kinh
phí từ các nguồn xã hội hóa là 516.049.789 triệu đồng. Hiện toàn tỉnh còn
472/804 di tích cần được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn cả tỉnh có
472/804 di tích nằm trong diện phải trùng tu, tôn tạo. Trong đó có 4 di tích
quốc gia đặc biệt (Di sản thế giới Thành Nhà Hồ; di tích lịch sử và kiến trúc
nghệ thuật Lam Kinh; di tích Lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu;
di tích khảo cổ hang Con Moong ...); 70 di tích cấp quốc gia và hơn 400 di tích
cấp tỉnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị với tỉnh việc cần thiết
thành lập Ban quản lý di tích danh thắng của các huyện, căn cứ trên tình hình
thực tế của từng huyện để đảm bảo yêu cầu đối với công tác quản lý di tích,
danh thắng. Cùng với đó, cần quan tâm nguồn kinh phí chống xuống cấp hỗ trợ cho
các di tích hàng năm tại các địa phương; công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và
phục hồi di tích có sự đóng góp rất lớn từ nguồn kinh phí xã hội hóa, bởi vậy
nhà nước cần có cơ chế, chính sách để thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu
tư, nhằm phát huy hiệu quả di tích. Đối với các giá trị văn hóa phi vật thể cần
tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho việc kiểm kê, tiến tới bảo tồn, phát huy các giá
trị văn hóa truyền thống.
Tại buổi làm việc, các thành viên của Ban Văn hóa – Xã hội
HĐND tỉnh đã có nhiều ý kiến đánh giá, phân tích
làm rõ thêm kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: việc cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ di chưa kịp thời; công tác
quản lý, bài trí đồ thờ, linh vật lạ tại các di tích ở một số di tích chưa được
quản lý chặt chẽ; việc đào tạo nhân lực cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích
cũng còn nhiều bất cập; nguồn ngân sách phân bổ cho các di tích hàng năm cần
phải trọng tâm, tránh dàn trải...
Phát biểu kết luận
buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban
Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đánh giá cao kết quả
đạt được của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong năm qua, đồng chí đề nghị
ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà
nước trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, nhất là công tác trùng tu,
tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần
tăng cường công tác quản lý Nhà nước về di tích, di sản đáp ứng yêu cầu thực
tiễn, đặc biệt là công tác tham mưu xây dựng quy hoạch, làm tiền đề cho việc
quản lý, bảo tồn di tích; kiện toàn bộ máy quản lý, nhất là các Ban quản lý di
tích, di sản theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Bên cạnh đó, nhanh chóng rà soát
lại và thực hiện bảo tồn đối với những di tích có khả năng huy động xã hội hóa
và phát huy được hiệu quả trong đời sống, trong đó chú trọng đến các di tích
lịch sử cách mạng. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chú trọng công tác
quản lý di tích sau trùng tu, tôn tạo; xây dựng cơ chế thu hút các nguồn lực
cho công tác bảo tồn, chống xuống cấp di tích; đôn đốc việc triển khai các dự
án đầu tư tôn tạo di tích, tránh kéo dài và thực hiện sai mục đích, nhằm phát huy
tốt các giá trị di tích lịch sử văn hóa./.
Lê Thu Hà