Thực hiện Chương trình công tác 6 tháng cuối năm năm 2017, ngày 14 tháng 9 năm 2017 Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh tiến hành làm việc với UBND Thành phố về chấp hành pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, trọng tâm là giám sát việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau giám sát. Đồng chí Trần Quang Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân Thành phố.
Thành phố Thanh Hóa là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất kinh
doanh lớn và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn
tỉnh. Trong thời gian qua, UBND Thành phố và Ban chỉ đạo 389 Thành phố đã triển
khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh,
Ban chỉ đạo 389 tỉnh về công tác đấu tranh chống buôn lậu hàng giả và gian lận
thương mại. Tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của hành vi buôn lậu,
gian lận thương mại và hàng giả để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ,
công chức, người dân trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận
thương mại. Chỉ đạo các ngành thành viên Ban chỉ đạo thường xuyên theo dõi sát
diễn biến thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm
các hành vi vi phạm. Từ tháng 6 năm 2014 đến nay, các
lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 3.137 vụ, xử lý 2.971 vụ, trong đó:
hàng cấm, hàng lậu 38 vụ; hàng giả, sở hữu trí tuệ: 04 vụ; vi phạm vệ sinh an
toàn thực phẩm 215 vụ; vi phạm về niêm yết giá: 49 vụ; vi phạm về nhãn hàng hóa
2.168 vụ; vi phạm khác 383 vụ; nộp ngân sách nhà nước 11.719 triệu đồng.
Kết luận buổi làm việc đồng chí Trần Quang Đảng, Ủy viên Ban
Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh khẳng định sau giám sát năm
2014 đến nay, công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận
thương mại trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa có những chuyển biến tích cực. Để nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham
gia các hoạt động thương mại, từng bước hạn chế các hành vi buôn lậu, gian lận
thương mại và hàng giả trong sản xuất, kinh doanh đồng chí đề nghị UBND và Ban
chỉ đạo 389 Thành phố cần đổi mới, nâng cao hiệu quả công
tác phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng chống buôn lậu, gian
lận thương mại và hàng giả. Tiếp
tục thực hiện các kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các
hành vi vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong
đó chú trọng kiểm tra các mặt hàng liên quan trực tiếp đến sản xuất, đời sống
nhân dân, như: phân
bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc tân dược, xăng dầu,
an toàn thực phẩm.... Trên cơ sở kế hoạch kiểm tra, kiểm soát phân công cụ thể
cho các ngành thành viên ( xác định rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp) để
không trùng chéo, gây khó khăn cho hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh.