Ngày 27 tháng 7 năm 2018, tại thành phố Đà Nẵng, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng: Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Quốc hội; Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND, lãnh đạo các Văn phòng: Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND các tỉnh khu vực miền Trung và Tây nguyên. Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên TW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì Hội nghị. Về phía tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Mai Sỹ Diến, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo các Văn phòng: Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc thí điểm hợp nhất 3 đầu mối trên nhằm giảm đầu mối, giảm biên chế và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ ở khối văn phòng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thiết lập bộ máy giúp việc chung cho Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan này trong giai đoạn hiện nay. Kết quả của việc thí điểm tại một số địa phương sẽ là cơ sở để sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất cao với chủ trương của Trung ương về việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên đề nghị Đề án cần làm rõ cơ sở lý luận và khoa học của việc sáp nhập các Văn phòng; phải đánh giá toàn diện, sâu sắc về hoạt động của 3 Văn phòng, để từ đó khẳng định việc sáp nhập không phải cơ học, gượng ép mà là tất yếu khách quan, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ của Văn phòng. Một số đại biểu băn khoăn về chức năng, nhiệm vụ của Chánh Văn phòng và các Phó Chánh Văn phòng sau khi sáp nhập; làm sao để có thể vừa phục vụ được Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Đặc biệt vị trí Chánh Văn phòng đòi hỏi phải là người giỏi không chỉ tham mưu mà còn khả năng bao quát công việc. Đây thực sự là một thách thức.

Về việc lựa chọn các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm sáp nhập 3 Văn phòng, đa số các ý kiến cho rằng cần phải đại diện các vùng, miền và không nên thí điểm quá nhiều, chỉ nên từ 8 đến 10 tỉnh thành phố. Nhiều đại biểu đề xuất việc hợp nhất 3 Văn phòng cần có lộ trình và bước đi thận trọng; trước mắt tiến hành sáp nhập 2 văn phòng: HĐND và Đoàn ĐBQH do đều tham mưu, phục vụ cho cơ quan dân cử. Sau đó sẽ sáp nhập Văn phòng UBND, gắn với sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội; Luật tổ chức Chính phủ; Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Về thời gian thực hiện thí điểm, đa số các đại biểu cho rằng thời gian từ 1 đến 1 năm rưỡi như Đề án là quá ngắn, ít nhất phải được 2 năm thì mới đủ cơ sở để đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập của mô hình này.

Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, Ban soạn thảo Đề án sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý để bổ sung, hoàn chỉnh Đề án./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.175.525
    Trong năm: 1.346.593
    Trong tháng: 145.604
    Trong tuần: 29.682
    Trong ngày: 1.722
    Online: 34