Ngày 24.8, Thường trực HĐND 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã hội tụ về Nghệ An, vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, cùng chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh là tích cực tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát đến khi có kết quả trên thực tế.

Chuyển biến rõ rệt

Theo đánh giá của các đại biểu, thời gian qua, HĐND các tỉnh trong khu vực không ngừng đổi mới hình thức hoạt động, nhất là thực hiện chức năng giám sát. Nhiều cuộc giám sát chuyên đề của HĐND với những vấn đề “nóng” liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, đã được ưu tiên thực hiện. Qua giám sát chuyên đề, HĐND các tỉnh đã đánh giá, phân tích kết quả đã đạt được, chỉ ra những việc chưa làm được, giúp cho các cấp, ngành thấy được tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND tỉnh.

Trao đổi tại Hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Trương An Ninh chia sẻ, điểm nổi bật thời gian qua là, một số nội dung đã được các đại biểu lựa chọn để chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh; qua đó làm rõ thêm nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Nhờ vậy, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Quảng Bình đã nâng lên rõ rệt. Còn theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Hoàng Viết Đường, Thường trực, các ban HĐND tỉnh đã thực hiện tốt việc theo dõi, đôn đốc giám sát thực hiện kiến nghị sau giám sát, nhờ đó, những kiến nghị được QH, các bộ, ngành, Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện; được UBND tỉnh và các ngành, các cấp tiếp thu, trả lời, tổ chức thực hiện kịp thời, quyết liệt, tạo chuyển biến rõ rệt.

Toàn cảnh hội nghị Lương Chiến

Tuy nhiên, như chia sẻ của nhiều đại biểu, hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND cũng còn nhiều nội dung cần rút kinh nghiệm, tiếp tục đổi mới. Cụ thể, công tác phối hợp giữa Thường trực, các ban của HĐND tỉnh với các tổ chức, ban Đảng của Tỉnh ủy trong còn hạn chế; giám sát vẫn chủ yếu nghe báo cáo, chưa chú trọng đến khảo sát, thu thập thông tin; đánh giá kết luận có khi chưa đúng trọng tâm, cốt lõi của vấn đề, chưa chỉ rõ địa chỉ, trách nhiệm cụ thể…

Một trong những nguyên nhân được các đại biểu chỉ ra là văn bản pháp luật liên quan tới giám sát chuyên đề chưa được đầy đủ, thống nhất, có nội dung chưa được hướng dẫn; nội dung giám sát là những vấn đề khó, chuyên sâu, phức tạp thuộc các lĩnh vực chuyên ngành QLNN… Bên cạnh đó, cán bộ tham gia đoàn giám sát cũng còn hạn chế cả về số lượng và năng lực, trình độ, kinh nghiệm; thời gian giám sát chuyên đề không nhiều, chưa có điều kiện để khảo sát, tham vấn, tổ chức các hội nghị, hội thảo; cá biệt là có một số cá nhân, đại biểu còn nhận thức chưa đúng về ý nghĩa, vai trò của hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND.

Xác định nội dung trọng tâm

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, HĐND các tỉnh cần chú trọng từng công đoạn trước, trong và sau giám sát chuyên đề, từ lựa chọn nội dung giám sát đến chủ thể, thời điểm giám sát, thành viên. Đặc biệt, “những vấn đề tồn tại, hạn chế ở nội dung giám sát phải có địa chỉ cụ thể và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu; nếu tồn tại, hạn chế, chỉ phản ánh một cách chung chung thì cũng giống như “tiếng trống đánh vào không trung”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

 Cũng theo Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND nói chung và giám sát nói riêng là chất lượng đại biểu HĐND. Do đó, các đại biểu cần thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng hoạt động và kiến thức chuyên môn để phát huy tối đa khả năng, trí tuệ, tâm huyết trong hoạt động của cơ quan dân cử.

Thực tế, để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Phạm Bá Oai, trước hết phải chuẩn bị kỹ các điều kiện cho cuộc giám sát; lựa chọn vấn đề giám sát phù hợp với yêu cầu thực tiễn địa phương, tránh dàn trải. Đồng thời, phải xem hoạt động theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát là nội dung quan trọng trong quá trình giám sát… Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế Cái Vĩnh Tuấn, chất lượng, hiệu quả giám sát chuyên đề phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ lựa chọn nội dung, thời điểm giám sát; xác định đối tượng, phạm vi giám sát; chuẩn bị và tổ chức giám sát tại cơ quan, đơn vị; tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát và theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát…

Ở góc nhìn khác, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Dũng đề xuất: Mỗi năm, HĐND tỉnh chọn từ 1 - 3 chuyên đề giao Thường trực HĐND tỉnh giám sát, mỗi Ban HĐND tỉnh giám sát không quá 3 chuyên đề. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng kiến nghị giám sát; đôn đốc, “đeo bám”, tích cực tái giám sát việc thực hiện  kết luận giám sát của HĐND, Thường trực và các ban HĐND tỉnh đến khi có kết quả trên thực tế.

Báo đại biểu nhân dân


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.185.094
    Trong năm: 1.349.506
    Trong tháng: 144.449
    Trong tuần: 30.926
    Trong ngày: 1.383
    Online: 86