Ngày 4-7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa
Tại điểm cầu Thanh Hóa, các đồng chí: Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của nước ta có kết quả tích cực so với khu vực và thế giới. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2019 đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng giai đoạn 2011-2017. Trong đó, do gặp khó khăn do bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, ngành nông nghiệp chỉ tăng trưởng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018. Ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất của ngành thủy sản trong 9 năm trở lại đây. Xuất khẩu rau củ quả lần đầu tiên đạt mức tỷ USD. Giải ngân vốn FDI 6 tháng đầu năm ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký.
Theo đánh giá của các bộ, ngành, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,76% là mức tăng trưởng cao, tích cực so với tăng trưởng chung của thế giới và khu vực, tuy nhiên chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đã đề ra, chưa thể hiện sự bứt phá trong tăng trưởng chung cũng như trong từng ngành, lĩnh vực. Các đại biểu cũng nhận định, những tháng cuối năm, tình hình kinh tế thế giới sẽ có nhiều thay đổi phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, căng thẳng thương mại diễn biến khó lường, sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các ngành kinh tế trong nước. Quý III - 2019 cũng sẽ là thời điểm quan trọng, có tính chất quyết định đối với tăng trưởng kinh tế năm, do đó các đại biểu cũng thảo luận, phân tích nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy duy trì đà tăng trưởng, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên toàn quốc.
Tại phiên họp, được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã báo cáo kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm, phương hướng chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm 2019. Xác định năm 2019 là năm có tính chất tăng tốc, bứt phá trong công tác chỉ đạo điều hành, Chính phủ thống nhất phương châm điều hành: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá"; tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để quán triệt Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội; đã ban hành các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP với 8 nhóm giải pháp và 186 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và 5 nhóm giải pháp với 64 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng thể chế. Các phiên họp thường kỳ đều ưu tiên thời gian thảo luận chính sách pháp luật; trong đó, tổ chức 1 phiên chuyên đề thảo luận sâu về các dự án luật. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý những vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, ban hành văn bản. Chính phủ đã ban hành 3 nghị định để tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thêm 106 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số lên 3.451 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát việc cắt giảm thực chất các thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh, không để phát sinh các giấy phép con. Tiếp tục thí điểm tổ chức các mô hình mới, chưa có tiền lệ để kiểm chứng, đánh giá, hoàn thiện chính sách như: Việc nghiên cứu, xây dựng tiêu chí thành lập Trung tâm Hành chính công; thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các bệnh viện; thí điểm mở rộng quyền tự chủ của trường đại học...
Về điều hành phát triển kinh tế, xã hội, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Thủ tướng và từng thành viên Chính phủ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và đất nước; phát huy vai trò, trí tuệ của tập thể gắn với việc đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Chính phủ, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu đề ra, tạo chuyển biển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực, đồng thời xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.
Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương. Việc xây dựng các kịch bản tăng trưởng, phương án điều hành hàng tháng, hàng quý, tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đã mang lại một nền kinh tế vĩ mô ổn định. Lạm phát được kiểm soát tốt. Tăng trưởng GDP, thu ngân sách, đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu, phát triển doanh nghiệp đều đạt khá. Không chỉ kinh tế, các vấn đề xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại cũng được quan tâm. Thủ tướng cũng hoan nghênh, đánh giá cao những ý kiến phát biểu, góp ý có chất lượng tại hội nghị và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến làm cơ sở ban hành, đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2019. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức mà đất nước, từng bộ, ngành, địa phương đang phải đối mặt, cùng xây dựng, đề xuất, đưa ra đối sách, giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả, kiên quyết không để vướng mắc kéo dài, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định và lưu ý, bối cảnh quốc tế, khu vực hiện nay rất phức tạp, dự báo tiếp tục diễn biến khó lường, yêu cầu đặt ra với tất cả các bộ, các ngành, các địa phương là cần phải linh hoạt ứng phó, có đối sách kịp thời, không được chủ quan, phải xác định rõ những nhiệm vụ, những giải pháp trọng tâm đối với từng bộ, ngành, địa phương trên tinh thần phân cấp mạnh mẽ hơn, đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu, chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo điều hành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân.
Nhiệm vụ phải thực hiện trong 6 tháng cuối năm là hết sức nặng nề, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao độ, thực hiện nhanh, quyết liệt các giải pháp đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, duy trì nỗ lực của toàn hệ thống, củng cố niềm tin và sự an tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh, phấn đấu mục tiêu kế hoạch đã đề ra ở mức cao. Đồng thời, cần ưu tiên những nhiệm vụ chưa hoàn thành trong 6 tháng đầu năm để đẩy nhanh tiến độ, sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện, có giải pháp phù hợp, kịp thời nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung phát huy các dư địa của động lực hỗ trợ tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm.
Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, bên cạnh việc tiếp tục các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, cần chuẩn bị sẵn các điều kiện để nhanh chóng tái đàn, phục hồi, ổn định sản xuất. Phát huy tốt đà tăng trưởng của ngành thủy sản gắn với ổn định và phát triển thị trường xuất khẩu nông sản nói chung và thủy sản nói riêng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường quốc tế. Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, vẫn giữ vai trò động lực chính của tăng trưởng, đồng thời chú trọng, tập trung phát huy dư địa động lực đối với các dự án lớn đã và mới đi vào hoạt động như Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Formosa Hà Tĩnh, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, nhà máy ô tô VinFast.... Đẩy nhanh tiến độ các dự án FDI đăng ký mới trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát triển du lịch, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và xây dựng hành lang pháp lý cho vấn đề này. Nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ người dân và doanh nghiệp, giải quyết tốt các vấn đề khiếu nại tố cáo, trấn áp tình hình tín dụng đen, giảm thiểu tai nạn giao thông, các tệ nạn xã hội.