Ngày 2-10, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy để đánh giá kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 9 tháng; nhiệm vụ trọng tâm công tác 3 tháng cuối năm 2019 và xem xét nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Trong 9 tháng năm 2019, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh đã đạt kết quả toàn diện, nhiều chỉ tiêu có triển vọng hoàn thành, vượt mức kế hoạch cả năm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 20,25%, gấp 1,64 lần tăng trưởng 9 tháng năm 2018, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay và cao nhất trong cả nước. Sản xuất nông, lâm, thủy sản tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tăng trưởng; giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,7% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây, giá trị ước đạt 92.824 tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ; các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, nổi bật là du lịch, xuất khẩu và vận tải, trong đó, 9 tháng năm 2019 ước đón 9,02 triệu lượt khách, tăng 23% so với cùng kỳ; xuất khẩu đạt 2.741 triệu USD, bằng 91,4% kế hoạch, tăng 41,7% so với cùng kỳ.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Huy động vốn đầu tư phát triển tăng khá so với cùng kỳ; đã khởi công xây dựng một số dự án quy mô lớn. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cức, có thêm 4 huyện (Quảng Xương, Đông Sơn, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc) và 46 xã được cấp có thểm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch); đến nay toàn tỉnh có 5 huyện, 332 xã, 799 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 16,56 tiêu chí/xã. Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có chuyển biến tiến bộ; tỉnh đã tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm Ngày mất của Người, để lại ấn tượng tốt đẹp, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Giáo dục mũi nhọn duy trì vững chắc trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới và đạt kết quả tích cực.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng phát biểu tại hội nghị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, đó là: Tăng trưởng kinh tế của tỉnh chủ yếu dựa vào các sản phẩm lọc hóa dầu, may mặc, xi măng chưa có nhiều sản phẩm mới tăng thêm; dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện, diễn biến phức tạp, lây lan diện rộng, thời gian kéo dài, khó kiểm soát đã ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi lợn; một số sản phẩm do khó khăn về thị trường tiêu thụ nên sản xuất đạt thấp so với kế hoạch; nhiều dự án đầu tư trực tiếp trong nước, dự án sử dụng đất trên địa bàn tỉnh thực hiện chậm so với kế hoạch; nhiều dự án phải xin gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục; vẫn còn xảy ra hoạt động tập kết, kinh doanh, khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh...
Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Trần Quang Đảng phát biểu tại hội nghị.
Sau khi nghe lãnh đạo các sở, ngành thông tin, giải trình làm rõ những kết quả đạt được và phân tích những vướng mắc, hạn chế yếu kém trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều thống nhất với những kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2019 trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Một số sản phẩm công nghiệp vẫn còn khó khăn về thị trường đầu ra; tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công còn chậm; công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án có sử dụng đất còn chậm. Nhiều địa phương, đơn vị chưa quan tâm đến vấn đề môi trường, tình trạng khai thác khoáng sản vẫn diễn biến phức tạp. Công tác nắm tình hình nhân dân ở một số địa phương vẫn chưa được kịp thời.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền phát biểu tại hội nghị.
Kết luận nội dung này, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2019, nhất là các chỉ tiêu về kinh tế của tỉnh nhìn chung đều rất tốt. Đây thực chất là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện từ nhiều nhiệm kỳ, được đặt nền móng từ nhiều khóa trước. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất từ trước đến nay và cao nhất trong cả nước; các chỉ tiêu về kinh tế đều tăng khá, đặc biệt là giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu ngân sách, doanh nghiệp thu dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư được chú trọng, huy động vốn đầu tư phát triển tăng khá so với cùng kỳ. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, giữ vững ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; việc sắp xếp tổ chức bộ máy được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, sáng tạo, đạt kết quả bước đầu quan trọng. Thanh Hóa là tỉnh đi đầu trong thực hiện Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến chủ trì hội nghị.
Bên cạnh việc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị phải hết sức trăn trở tìm giải pháp khắc phục hạn chế, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu chung đưa Thanh Hoá phát triển. Để thực hiện thắng lợi tất cả các mục tiêu kế hoạch năm 2019 và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐNĐ tỉnh chỉ đạo: Các cấp, các ngành phải rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nghị quyết. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết khó khăn cho các dự án, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các dự án trọng điểm của tỉnh. Nhanh chóng hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ pháp lý để thu hồi các dự án có sử dụng đất vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và thực hiện nghĩa vụ tài chính; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; giải quyết vướng mắc cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác đá. Hoàn thành quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại trà. Quản lý và giải quyết ngay những thông tin sai sự thật, gây tác động xấu đến hình ảnh của tỉnh. Các lực lượng vũ trang phát huy kết quả đạt được, tiếp tục đảm bảo quốc phòng, an ninh. Công an Thanh Hoá đấu tranh trấn áp các loại tội phạm quyết liệt hơn nữa, giữ vững môi trường ổn định cho đầu tư phát triển và đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân. Riêng về đội bóng đá Thanh Hóa, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Đây là thời điểm khó khăn nhất của đội bóng, cho nên UBND tỉnh phải chỉ đạo, điều hành quyết liệt, tập trung lo cho đội bóng, dứt khoát phải trụ hạng, bởi đội bóng đá Thanh Hóa chính là hình ảnh, là niềm tin yêu, hâm mộ của đông đảo người dân Xứ Thanh. Vì vậy, nếu để tụt hạng, các tổ chức, cá nhân có liên quan phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy…
Hội nghị cũng nghe và cho ý kiến vào báo cáo xin ý kiến về việc giao bổ sung biên chế giáo viên mầm non tại các trường mầm non công lập của UBND các huyện, thị xã, thành phố. Theo đánh giá chung về tình hình sử dụng, quản lý biên chế mầm non năm 2019 trên địa bàn tỉnh, số biên chế mầm non được HĐND tỉnh giao, phê duyệt đảm bảo bằng số lượng được Bộ Nội vụ thẩm định; việc thực hiện chỉ tiêu biên chế mầm non được giao của UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đều thấp hơn chỉ tiêu biên chế được HĐND tỉnh giao. Cụ thể, chỉ tiêu biên chế mầm non được giao năm 2019 là 12.916 biên chế, thực hiện đến 31-5-2019 là 10.850 biên chế, còn thiếu so với số giao là 2.066 biên chế.
Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội nghị.
Dựa trên kế hoạch phát triển giáo dục mầm non năm học 2019- 2020 của các huyện, thị xã, thành phố, nhu cầu biên chế năm học 2019- 2020 được tính toán là 19.199 biên chế, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao bổ sung biên chế giáo viên mầm non cho UBND các huyện, thị xã, thành phố năm học 2019-2020 là 3.507 biên chế, đúng bằng số biên chế được Bộ Nội vụ thẩm định bổ sung năm 2019 cho tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận về nội dung này, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thống nhất với đề xuất bổ sung 3.507 biên chế mầm non năm học 2019 – 2020. Đồng chí cũng lưu ý: Đối với các huyện miền núi cần ưu tiên tuyển dụng con em miền núi; yêu cầu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tuyển dụng quy định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí, trình tự thủ tục tuyển dụng, tuyệt đối không làm hợp lý hóa số giáo viên hiện nay đã ký hợp đồng; quy trình tuyển dụng phải tiến hành chặt chẽ, công khai; giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham gia phối hợp với UBND tỉnh để thực hiện.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến cũng đã thống nhất với đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về: Cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025; chính sách tín dụng, vốn cấp bù lãi suất và mức vốn sử dụng ngân sách tỉnh để thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông ngiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; bãi bỏ một số nội dung của cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016- 2020.
Cũng tại hội nghị, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến vào đề án sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập do tỉnh Thanh Hóa quản lý; tờ trình đề nghị ban hành mức giá một số dịch vụ và mức hỗ trợ chi phí khám sức khỏe, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thay thế trong các cơ sở điều trị của Nhà nước trên địa bàn tỉnh; báo cáo chính sách hỗ trợ xóa bỏ các lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; tờ trình xin ý kiến về hình thức đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước thô chuỗi đô thị dọc quốc lộ 47, TP Thanh Hóa và vùng phụ cận.
Ngày 3-10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số dự thảo đề án, tờ trình quan trọng khác.