Ngày 25-2 , dưới sự chủ trì của đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy để cho ý kiến vào báo cáo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào báo cáo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Toàn cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện các Ban của Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; các chuyên gia lập quy hoạch; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Thực hiện Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 14-11-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị liên quan triển khai việc lập Quy hoạch theo đúng quy định của luật Quy hoạch và các văn bản phạm quy pháp luật có liên quan. Theo đó, báo cáo quy hoạch gồm 13 phần, trong đó có phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, kiều kiện phát triển đặc thù của tỉnh; thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, nêu lên điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức; quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển. Theo đó, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 phải phù hợp với các chủ trương đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch của Trung ương và quy hoạch phát triển vùng. Đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả các lợi thế so sánh của tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệ 4.0; chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, liên tục tạo ra các lợi thế so sánh mới để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tập trung nguồn lực để phát triển 4 vùng kinh tế động lực, 5 trụ cột, 6 hành lang kinh tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Coi trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có thế lực, trí lực và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, có khả năng nắm bắt và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn. Bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực bảo đảm hài hòa hợp lý gắn với tiềm năng thế mạnh của từng vùng, miền và khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong tỉnh. Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần và vật chất cho nhân dân; bảo đảm sự hài hòa về lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường các bên tham gia vào quá trình phát triển của tỉnh. Từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực miền núi và đồng bằng, ven biển. Bảo tồn và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố tiềm lực, bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh; trong đó nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng – an ninh là điều kiện kiên quyết, phát triển kinh tế là trọng tâm. Chủ động nắm bắt tình hình không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống, đặc biệt chú trọng ở các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, hải đảo. Mở rộng các quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào báo cáo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu cho ý kiến vào báo cáo quy hoạch.

Cũng theo báo cáo quy hoạch, phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người của tỉnh Thanh Hóa đạt mức bình quân chung của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm dịch vụ du lịch và dịch vụ logictic của cả nước và khu vực.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào báo cáo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo quy hoạch cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, 4 khâu đột phá; phương hướng phát triển các ngành và tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội; phương án phân bố và khoanh vùng đất đai; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng hóa sinh học; phương án bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên trên địa bàn; phương án phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu; danh mục các dự án và thứ tự ưu tiên; giải pháp nguồn lực thực hiện.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào báo cáo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu cho ý kiến vào báo cáo quy hoạch.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào báo cáo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Đồng chí Nguyễn Văn Phát, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho ý kiến vào báo cáo quy hoạch.

Cho ý kiến vào báo cáo quy hoạch, các đại biểu đánh giá cao trong thời gian ngắn Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, đơn vị địa phương thực hiện tốt xây dựng báo cáo dự thảo quy hoạch. Đồng thời tập trung phân tích tồn tại hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân tồn tại hạn chế; những điểm mạnh và điểm yếu, từ đó yêu cầu ban soạn thảo báo cáo quy hoạch cần nghiên cứu đưa ra giải pháp biến những điểm yếu thành những điểm lợi thế tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh. Trên cơ sở phân tích tiềm năng thế mạnh, những cơ hội và thách thức của tỉnh hiện, có các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ rõ những định hướng phát triển của tỉnh mà trong báo cáo quy hoạch chưa đề cập đến, đồng thời phân tích những luận cứ khoa học và so sánh với các tỉnh lân cận để tạo sự phát triển của tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào báo cáo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến đánh giá cao sự cố gắng rất lớn của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo các sở, ngành, liên quan xây dựng báo cáo quy hoạch có chất lượng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch trên cơ sở nghiên cứu Quyết định quy hoạch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, từ đó có cơ sở để đánh giá kết quả đạt được và những hạn chế.

Về phần tồn tại hạn chế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu cần làm rõ, chỉ ra nguyên nhân, trong đó nêu rõ hạn chế về tăng trưởng kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và vấn đề sản phẩm; hạ tầng; phát triển văn hóa – xã hội và phát huy truyền thống con người Thanh Hóa; công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý điều hành.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã phân tích và chỉ rõ 5 điểm mạnh và điểm yếu, đồng thời yêu cầu trong báo cáo quy hoạch cần phải nghiên cứu đưa thêm điểm mạnh về truyền thống đoàn kết của đất và người Thanh Hóa, ý chí quyết tâm, khao khát thịnh vượng. Đối với điểm yếu, cần nêu lên xuất phát điểm quy mô nền kinh tế thấp; phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn tạo áp lực lớn; tài nguyên khoáng sản; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cơ bản đồng ý với 5 cơ hội được nêu trong báo cáo, nhưng yêu cầu cần phải viết rõ hơn; đối với thách thức cần đưa ra 6 thách thức trong đó nêu những bất ổn trong cạnh trạnh kinh tế quốc tế; thách thức phân hóa giàu nghèo; thách thức phát triển bền vững trước tác động của thiên tai; thách thức trong nội tại của Thanh Hóa...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đã cho ý kiến vào từng vấn đề cụ thể của 5 quan điểm trong báo cáo và yêu cầu trong phần mục tiêu cần xác định rõ vị thế của Thanh Hóa trong phát triển chung của cả nước và khu vực, từ đó xây dựng mốc thời gian 2025, 2030, 2035 để Thanh Hóa phát triển. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng yêu cầu trong báo cáo quy hoạch cần nêu rõ phương án tăng trưởng cho từng giai đoạn 2020-2025; 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong mỗi phương án cần có phân tích kỹ càng và có luận cứ khoa học thực tiễn của từng phương án.

Đối với nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá, vùng động lực, trụ cột chính cho nền kinh tế tỉnh và hành lang kinh tế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu cần nghiên cứu cụ thể báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh để xây dựng thống nhất các chỉ tiêu và định hướng để phát triển.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng yêu cầu Ban Cán sự UBND tỉnh cần nghiên cứu, chuẩn bị những nét lớn trong quy hoạch để tạo động lực cho phát triển. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung lãnh đạo hoàn thành báo cáo quy hoạch để trình duyệt.

Báo Thanh Hóa điện tử


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.183.346
    Trong năm: 1.347.572
    Trong tháng: 142.733
    Trong tuần: 30.761
    Trong ngày: 4.955
    Online: 95