Ngày 26-3, dưới sự chủ trì của đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy để cho ý kiến vào Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2020 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện các Ban của Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh.

Tại hội nghị, Tổ công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (gọi tắt là Tổ công tác) đã báo cáo những nội dung chính của Đề án, gồm 4 phần: Sự cần thiết ban hành Đề án; Thực trạng 10 năm xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa; Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kến nghị, đề xuất.

Cho ý kiến vào Đề án, các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao Tổ công tác đã chuẩn bị Đề án công phu, kỹ lưỡng, chất lượng và có tính khái quát rất cao. Ở phần sự cần thiết xây dựng Đề án đã nêu lên được những nội dung quan trọng, làm cơ sở báo cáo Bộ Chính trị và đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đề án cũng khẳng định: Thanh Hóa là tỉnh có vị trí, vai trò chiến lược quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của đất nước. Thanh Hóa có đầy đủ các yếu tố để trở thành cực tăng trưởng mới về kinh tế; một trong những trung tâm văn hóa, y tế, thể thao, du lịch của khu vực và cả nước.

Đề án cũng nêu rõ: Những năm gần đây, Thanh Hóa đã có bước phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, nhưng vẫn chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế của tỉnh…Đồng thời khẳng định, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức; được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Thanh Hóa đã phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đề án có dự báo tình hình quốc tế và trong nước trong thời gian tới, chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó đề xuất quan điểm, mục tiêu xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã cho ý kiến cụ thể vào quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu, kiến nghị, đề xuất để xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến biểu dương và hoan nghênh Tổ công tác đã có nỗ lực cố gắng, chuẩn bị tốt Đề án, có nội dung chất lượng cao. Đồng thời nhấn mạnh: Đây là khâu rất quan trọng để cung cấp chi tiết các nội dung, số liệu để Ban Chỉ đạo 218 Trung ương có đủ tư liệu, cơ sở xây dựng Đề án báo cáo Bộ Chính trị. Về sự cần thiết xây dựng đề án, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung chuẩn bị của Tổ công tác nêu lên Thanh Hóa là vùng đất “địa linh, nhân kiệt, nơi khí tinh hoa tụ họp” có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của đất nước; được coi là “Phên dậu thứ 2 của phương Nam”, “Một vùng đất căn bản”, “Đất bản triều”; nơi khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ; quê hương của nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, chí sĩ, văn nhân nổi tiếng. Đồng thời đề nghị Tổ công tác cần nghiên cứu bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa để đưa vào đề án nhằm nêu bật lên vị trí và sự đóng góp của Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử xây dựng và đấu tranh giải phóng dân tộc của đất nước.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đã cho ý kiến vào từng nội dung quan điểm phát triển và đề nghị Tổ công tác cần nghiên cứu bổ sung thêm việc đưa Thanh Hóa trở thành trung tâm dầu khí của cả nước; đưa thêm 4 trung tâm động lực, 5 trụ cột phát triển, 6 hành lang kinh tế và 6 vùng liên huyện vào đề án. Đồng chí cũng đã cho ý kiến cụ thể vào các nhiệm vụ, giải pháp, đề xuất kiến nghị để nội dung Đề án được phong phú có sức thuyết phục.

Trên cơ sở những ý kiến góp ý của các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Tổ công tác tiếp thu và hoàn chỉnh đề án để nhanh chóng xin ý kiến góp ý của các cơ quan trung ương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, sau đó trình Thường trực Tỉnh ủy quyết định và gửi Ban Kinh tế Trung ương.

Tại hội nghị, các đồng chí Thường trực, Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến vào báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ quý I, nhiệm vụ trọng tâm công tác quý II năm 2020. Phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến nêu rõ: Từ đầu năm đến nay, đại dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu. Ở trong nước, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 được quốc tế đánh giá cao. Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh vừa tích cực, quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh, vừa chủ động khắc phục khó khăn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nên các chỉ tiêu quan trọng về kinh tế đều tăng khá. Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I ước đạt 7,52%, là mức tăng tương đương so với nhiều năm. Quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vẫn đạt kết quả tích cực.

Với những kết quả đạt được, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh biểu dương UBND, Chủ tịch UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền, nhân dân trên toàn tỉnh đã tổ chức thực hiện tất cả các chỉ đạo củaTrung ương, của Tỉnh ủy rất tốt, một số việc thực hiện quyết liệt nên tình hình dịch bệnh COVID -19 vẫn đang kiểm soát khá tốt. Đồng chí cũng biểu dương các lực lượng Quân đội, Biên phòng, Công an đã rất tích cực, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong thực hiện phòng, chống dịch.

Bên cạnh kết quả đạt được, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ ra một số hạn chế cần phải khắc phục ngay trong công tác phòng, chống dịch COVID -19 đó là: Vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là trong dân về phòng chống dịch; việc kiểm soát của cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thực sự nghiêm.

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, hiện nay nguồn lây bệnh từ nước ngoài về tỉnh là rất lớn, khả năng gây bệnh còn nhiều tiềm ẩn. Trước tình hình đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu nhiệm vụ quan trọng số một hiện nay là các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cua Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19, với phương châm “chống dịch như chống giặc”. Thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình để chủ động thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời xây dựng các phương án, kịch bản, chuẩn bị cho khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất, chuẩn bị sẵn sàng và quyết tâm cao nhất trong phòng, chống và kiểm soát đại dịch COVID-19 thành công. Các cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người dân thực hiện phòng chống dịch và làm tốt tất cả khuyến cáo của cơ quan chức năng để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và cộng đồng.

Để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến yêu cầu các cơ quan chức năng cần rà soát lại và chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho công tác phòng chống dịch như: các cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến, các loại thuốc men, trang thiết bị để phòng chống dịch. Bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả khống chế dịch bệnh trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 lây lan rộng; tăng cường đôn đốc các địa phương, các cơ sở y tế tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt quan tâm, hỗ trợ lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch nhất là đội ngũ y, bác sỹ trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân và cán bộ, chiến sỹ của các lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ được giao. UBND tỉnh chủ động rà soát, nắm bắt các sản phẩm, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ đó đánh giá cụ thể nhu cầu nguyên liệu đầu vào và thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các cấp ủy, chính quyền, các ngành phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả tất cả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 14- NQ/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 224/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020. Triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng để khôi phục và phát triển ngành dịch vụ, thương mại. Tập trung theo dõi sát diễn biến thị trường để triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, đảm bảo đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của Nhân dân. Ngành giáo dục và đào tạo chỉ đạo các đơn vị, trường học chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón học sinh đi học trở lại khi có chỉ đạo mới của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh; xây dựng kế hoạch học bù để đảm bảo chương trình đào tạo theo quy định; tăng cường tổ chức cho học sinh học qua mạng, nhất là học sinh cuối các cấp trong trường hợp tiếp tục phải nghỉ học thời gian dài.

Các lực lượng vũ trang chủ động nắm chắc tình hình tuyến biên giới, trên biển và các địa bàn trọng điểm, chủ động xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, nhất là lực lượng Biên phòng phải tập trung cao nhất để kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Lực lượng Công an tiếp tục kiểm soát công dân, phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để kiểm soát nguồn lây. Lực lượng quân đội tập trung thực hiện tốt công tác tại các khu cách ly tập trung và những nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy đảng tích cực thực hiện công tác chuẩn bị để tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo quy định tại Chỉ thị số 35- CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị và các kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy. Các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, động viên, kêu gọi toàn thể nhân dân vào cuộc phòng chống dịch theo tinh thần của Thủ tướng “Mỗi người dân một chiến sỹ, mỗi gia đình là pháo đài chống dịch Covid - 19”.

Cũng tại hội nghị các đồng chí Thường trực Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến và thống nhất vào chủ trương quy định mức đóng góp và chính sách hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn tỉnh; Đề án đổi tên thôn (bản), tổ dân phố (tiểu khu) tại xã, phường, thị trấn thuộc TP Thanh Hóa và các huyện Nga Sơn, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Như Thanh, Quan Sơn; Đề án thành lập các phường TP Thanh Hóa; Tờ trình đề nghị tặng Huân chương Độc lập cho các gia đình có nhiều liệt sỹ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Báo Thanh Hóa điện tử


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    542 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 4.182.754
    Trong năm: 1.347.572
    Trong tháng: 142.733
    Trong tuần: 30.761
    Trong ngày: 4.363
    Online: 78