Sáng 6-12, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVII tiếp tục ngày làm việc thứ 2. Các đại biểu dự kỳ họp thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng.

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng

Các đại biểu tham dự kỳ họp.

Đồng chủ trì kỳ họp có các đồng chí: Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Phạm Bá Oai, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII.

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng

Toàn cảnh kỳ họp.

Theo gợi ý của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến chiều ngày 5-12, các đại biểu tập trung thảo luận 4 vấn đề lớn gồm: Phân tích rõ nguyên nhân những kết quả đạt được trong năm 2020 trước ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19; thảo luận, phân tích kỹ những hạn chế yếu kém và nêu lên những giải pháp thực hiện trong năm 2021; thảo luận các nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giải quyết của UBND tỉnh đối với những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp lần thứ 12; thảo luận, cho ý kiến vào các tờ trình của UBND tỉnh, cho ý kiến vào hoạt động của HĐND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh cũng như nhiều báo cáo quan trọng khác.

Nếu để dịch bùng phát lớn thì sẽ rất nguy hiểm, khó khăn và phức tạp

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng

Mở đầu phiên thảo luận Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVII tại hội trường sáng 6-12, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa đã bày tỏ sự đồng tình với nội dung các báo cáo đã trình bày cũng như các báo cáo, các tờ trình đã được gửi tới kỳ họp lần này, đặc biệt là ý kiến phát biểu khai mạc của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh và báo cáo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Ông Trịnh Hữu Hùng đã làm rõ thêm một số nội dung về công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Ông Hùng cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 năm nay, các địa phương trong tỉnh đã khống chế triệt để các ca bệnh truyền nhiễm từ khi mới xuất hiện, thực hiện thắng lợi mục tiêu không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, tỉnh ta đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt là trong giai đoạn 2 (từ ngày 25-7-2020), mặc dù dịch diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước với sự xuất hiện của nhiều ổ dịch, nhiều trường hợp bệnh lây lan trong cộng đồng, nhưng tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục chủ động kiểm soát tình hình dịch, không để lây lan thứ phát trong cộng đồng. Và quan trọng hơn là đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Trịnh Hữu Hùng, theo nhận định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID – 19, nguy cơ dịch vẫn luôn thường trực. Trong giai đoạn hiện nay nguy cơ dịch cao nhất từ những người nhập cảnh trái phép, những người nhập cảnh không chấp hành nghiêm các quy định về cách ly , giám sát y tế, hàng hóa nhập khẩu... Nếu để dịch bùng phát lớn thì sẽ rất nguy hiểm, khó khăn và phức tạp trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Tại Thanh Hóa, mặc dù tình hình dịch trên địa bàn hiện ổn định nhưng hệ thống phòng chống dịch vẫn phải luôn thường trực. Các hoạt động phòng chống dịch vẫn được tổ chức thường xuyên, trong đó tập trung vào: Tiếp tục giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nghi do virut ở các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Chuẩn bị sẵn sàng phương án, kế hoạch ứng phó. Thực hiện giám sát các trường hợp từ vùng dịch trở về. Thực tế vẫn rải rác có các trường hợp trốn cách ly qua đường mòn, lối mở. Đối với các trường hợp này cần phải phát huy thật tốt tổ giám sát dịch tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, chỉ đạo và đôn đốc các Bệnh viện thường xuyên rà soát, đánh giá, thực hiện Bộ tiêu chí ban hành theo Quyết định số số 3088/QĐ-BYT ngày 16-7-2020 của Bộ Y tế. Tổ chức vận chuyển, đón cách ly các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng này được UBND tỉnh cho phép nhập cảnh, được xét nghiệm âm tính PCR 3-5 ngày trước khi nhập cảnh, được tổ chức nhập cảnh, vận chuyển về cách ly tại Thanh Hóa theo phương án được ngành y tế phê duyệt, đây là nhóm có nguy cơ thấp, ít có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.

Tổ chức vận chuyển, cách ly công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước được chỉ định cách ly tại Thanh Hóa. Đây là nhóm có nguy cơ cao, hầu như chưa được xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật PCR 3-5 ngày trước khi về nước theo quy định.

Từ ngày 8-11-2020 đến nay, theo sự điều phối, chỉ định của Ban chỉ đạo Quốc gia và các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận, cách ly tại các khách sạn trên địa bàn tỉnh 2.392 công dân Việt Nam về từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và đang được theo dõi, quản lý chặt chẽ tại các cơ sở cách ly của địa phương theo đúng quy định về phòng, chống dịch COVID -19. Công tác tổ chức cách ly đang được thực hiện tốt. Các trường hợp nếu có xét nghiệm dương tính được chuyển tuyến điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TƯ cơ sở 2, các trường hợp tiếp xúc đã được điều tra, truy vết, rà soát theo quy định, đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, không để lây nhiễm cho cộng đồng.

Ông Trịnh Hữu Hùng đã đưa ra thông điệp 5 K đến toàn thể mọi người: Đề nghị mọi người luôn thực hiện tốt 5K: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế. Nếu thực hiện tốt 5K thì ta sẽ thực hiện tốt được công tác phòng chống dịch.

Sau phần phát biểu của ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tọa kỳ họp đã nhấn mạnh: Công tác phòng chống dịch COVID – 19 phải được coi là vấn đề sinh mệnh sống còn, bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến hình ảnh của tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí đề nghị các cấp ủy, chính quyền phải hết sức, quan tâm, xử lý hết sức thận trọng. Những tổ chức, cá nhân thực hiện không tốt thì phải xem xét trách nhiệm, xử lý hết sức nghiêm túc, để bảo đảm thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất công tác phòng chống dịch COVID- 19, giữ môi trường ổn định cho phát triển.

Tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng

Tham gia thảo luận về hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều quyết sách, nhiều chủ trương lớn để phát triển kinh tế – xã hội, tạo tiền đề tích cực để nhiệm kỳ mới hoàn thành các mục tiêu đề ra. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh rất phấn khởi trước những thành tựu của tỉnh đạt được trong cả nhiệm kỳ.

Để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của tỉnh, đại biểu Nguyễn Văn Đệ đề nghị: Tỉnh cần rút ngắn quy trình thực hiện và đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, tạo sự thân thiện giữa quản lý Nhà nước với doanh nghiệp và Nhân dân. Qua đó, tạo niềm tin để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực cho ngân sách của tỉnh.

Mỗi năm Thanh Hóa thành lập mới 3.000 doanh nghiệp, vì vậy tỉnh cần có cơ chế, chính sách giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để những doanh nghiệp yếu kém, nhất là doanh nghiệp tư nhân phát triển. Hiện nay, một số doanh nghiệp có tư tưởng tích lũy, không có tư tưởng đầu tư nên chậm trễ trong thực hiện các dự án, tỉnh cần cương quyết thu hồi, xử lý để các nhà đầu tư có tiềm lực có cơ hội đầu tư thực hiện, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm các doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ, chính sách, bảo đảm quyền lợi cho người lao động...

Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tư hai tuyên biên giới, vùng biển

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng

Thảo luận tại kỳ họp, đại tá Nguyễn Văn Thú, Chính ủy Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Thời gian qua, hoạt động của tội phạm ma tuý phía ngoại biên tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn ma túy được các đối tượng mua bán, vận chuyển từ các tỉnh Bắc Lào về tập kết tại Sầm Nưa, sau đó vận chuyển ra các bản giáp biên để móc nối với các đối tượng người Việt Nam, vận chuyển qua biên giới vào Việt Nam tiêu thụ.

Để đảm bảo an ninh trật tự hai tuyến biên giới, vùng biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả các đề án đảm bảo QP-AN .

Đặc biệt là trong thực hiện Kế hoạch “Tăng cường lực lượng liên ngành tại các bản trọng điểm phía Tây tỉnh Thanh Hóa”, các lực lượng Biên phòng, Quân sự, Công an đã cử gần 300 lượt cán bộ tham gia với phương châm “3 bám”, “4 cùng”; kịp thời đi sâu, đi sát nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con để kịp thời phản ánh, tham mưu địa phương xử lý, giải quyết hiệu quả các vụ việc ngay từ ban đầu, không để xảy ra bức xúc kéo dài. Do đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng dân tộc được giữ vững.

BĐBP cũng đã tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, thành lập và duy trì 37 tổ, chốt kiểm soát phòng chống COVID – 19 trên tuyến biên giới.

Tổ chức tuần tra, kiểm soát người, phương tiện qua lại biên giới, cửa khẩu, cảng biển, cửa sông, cửa lạch. Chủ động nắm, theo dõi tình hình thời tiết khí hậu, xây dựng kế hoạch PCTT-TKCN sát với tình hình thực tế.

Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01 của Thủ Tướng Chính phủ về phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, đến nay đã xây dựng 149 người có uy tín và có 1 tập thể, 4 hộ gia đình và 110 cá nhân đăng ký tự quản đường biên, cột mốc; thành lập 554 tổ tự quản ANTT. ..

Quan Tâm đến vấn đề áp giá đền bù trong thui hồi đất

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng

Phát biểu tham luận tại kỳ họp, đại biểu Trần Văn Công, thống nhất cao với các báo cáo, tờ trình tại kỳ họp. Đồng thời cũng nêu ra nhiều vấn đề còn tồn tại, hạn chế, như đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế…

Đại biểu Trần Văn Công kiến nghị, tỉnh cần sớm có các giải pháp tích cực, đồng bộ về cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương cấu trúc lại ngành chăn nuôi, đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, an toàn sinh học.

Đại biểu đề nghị cần sớm có các giải pháp về công tác quy hoạch sử dụng đất; cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư hạ tầng nông thôn; quan tâm nghiên cứu chiến lược phát triển nông nghiệp, bảo đảm giải quyết vấn đề về đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Quân tâm đến vấn đề áp giá đền bù trong việc thu hồi đất. Làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu được chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng. Có chính sách đối với các hộ dân tại các khu tái định cư. Tập trung giải quyết các kiến nghị của cử tri về đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn xã Quảng Thái (huyện Quảng Xương).

Có giải pháp tích cực hơn nữa trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng

Tham luận tại kỳ họp, đại biểu Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thống nhất với báo cáo năm 2020 của UBND tỉnh và đồng tình với 8 nhóm giải pháp phát triển năm 2021.

Đồng thời cho rằng, tỉnh cần có giải pháp tích cực hơn nữa trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến tiêu thụ nông sản và thu hút đầu tư vào chế biến sau thu hoạch.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, nhất là khâu giống, vật tư phân bón, bảo vệ thực vật, thú y...

Có chính sách, cơ chế cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX và các hình thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề trong nông thôn, tạo điều kiện cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động; tăng cường đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân.

Quan tâm đến đội ngũ cán bộ y tế cơ sở trong công tác phòng chống dịch bệnh; có chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh ở các trường học dân tộc nội trú; quan tâm xử lý tình trạng ô nhiềm môi trường, nước sạch tại một số xã trên địa bàn huyện Đông Sơn…

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng

Tham luận tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết, tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn còn cao, nằm trong số 20 tỉnh có tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN cao so bình quân trung cả nước. Tính đến hết ngày 30/11/2020, toàn tỉnh có 1.419 doanh nghiệp nợ BHXH từ 6 tháng trở lên (trên tổng 4.725 DN, với 214 ngàn lao động đang tham gia BHXH), với số tiền nợ là 335 tỷ đồng.

Nguyên nhân là số doanh nghiệp nợ BHXH tăng cả số đơn vị lẫn số tiền là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, một số doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định của pháp luật, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn không xuất bán được hàng hóa (để tồn kho), thiếu nguyên liệu sản xuất..., Nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình lách luật, không chấp hành đúng nghĩa vụ thu nộp BHXH cho người lao động dẫn đến nợ đọng dây dưa kéo dài nhiều năm tập trung chủ yếu là các doanh nhà nước trước đây sang công ty cổ phần làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Để khắc phục tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như sau: Phân công trách nhiệm cho cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thu nợ; hằng tháng gửi Thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN đến chủ sử dụng lao động để thực hiện đôn đốc việc đóng, nộp BHXH, BHYT, BHTN, cử cán bộ chuyên quản đến đơn vị để đôn đốc nộp BHXH, BHYT, BHTN.

BHXH tỉnh đã thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra để đôn đốc thu nợ gần 100 doanh nghiệp. Phối hợp với UBND thành phố Thanh Hóa, Sở Lao động Thương binh xã hội tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT tại một số đơn vị nợ BHXH với số tiền lớn, thời gian kéo dài. Hàng tháng gửi Công văn đôn đốc nợ BHXH, BHYT, BHTN tới các đơn vị sử dụng lao động có số nợ từ 3 tháng trở lên.

Lập hồ sơ doanh nghiệp vi phạm theo Điều 214 “Tội gian lận BHXH, BHTN”, Điều 215 “Tội gian lận BHYT”, Điều 216 “Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động” theo Bộ luật Hình sự để đề nghị cơ quan Công an khởi tố theo quy định của pháp luật.

Tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo đôn đốc công tác thu nợ BHXH, BHYT, BHTN. Thời gian tới sẽ tham mưu cho UBND cấp huyện thông báo đôn đốc thu nợ hàng tháng đến từng đơn vị sử dụng lao động.

Tăng cường phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nghiệp, Đảng ủy Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh và các đơn vị có ký quy chế phối hợp để vận động, đôn đốc các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN...

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng

Đại biểu Đinh Xuân Hướng, Bí thư Huyện ủy Như Thanh nhấn mạnh nguyên nhân của những kết quả đạt được và cho rằng, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19, nhưng tỉnh đã có các giải pháp, kinh nghiệm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch thành công, vừa thực hiện tốt các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội. Một số ngành nghề ít chịu tác động của dịch, như Lọc hóa dầu Nghi Sơn, vẫn tổ chức sản xuất tốt, có đóng góp cao cho ngân sách nhà nước.

Về những hạn chế, yếu kém như báo cáo của UBND tỉnh đã đánh giá, trong đó còn 6 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra. Các chỉ tiêu này chưa hoàn thành nguyên nhân cơ bản là do yếu tố khách quan, nhưng bên cạnh đó cũng cần nhìn nhận những hạn chế kéo dài nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Trong báo cáo của UBND tỉnh nêu việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm. Thanh Hóa là tỉnh lớn, ngành nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, các huyện miền núi khó khăn còn nhiều. Tuy nhiên chúng ta chưa có những giải pháp thực sự căn cơ để giải quyết bài toán trong vấn đề nông nghiệp, các huyện miền núi.

Một vấn đề tồn tại, hạn chế nữa, đó là thu ngân sách chưa thật sự bền vững. Tỷ lệ tiền thu từ sử dụng đất trong cơ cấu thu ngân sách còn lớn. Tài nguyên khoáng sản là của để dành, chúng ta nên sử dụng chắt chiu, hợp lý. Về giải pháp căn cơ là vẫn phải chăm lo để có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì nguồn thu ngân sách mới bền vững.

Đại biểu cho rằng, tỉnh nên thành lập các tổ kinh tế để tham mưu cho tỉnh xây dựng định hướng chiến lược phát triển kinh tế toàn diện trong thời gian tới; tham vấn ý kiến các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, những người làm kinh tế giỏi để đưa ra được những giải pháp có tính chất tổng thể cho nhiệm kỳ mới.

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng

Đại biểu Phạm Đăng Lực, Bí thư Huyện ủy Lang Chánh nhấn mạnh về giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

UBND tỉnh đã cho rà soát các hộ thiếu đất, rà soát lại 3 loại rừng trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ dừng lại ở việc rà soát, việc thu hồi đất của các chủ rừng như Công ty lâm nghiệp, Đồn Biên phòng và Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa chưa được thực hiện để bàn giao cho người dân.

Tại huyện Lang Chánh, đất quy hoạch của Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa là 820ha. Sau 10 năm quy hoạch, công ty mới tổ chức sản xuất và thu hồi 181 ha, còn hơn 700 ha chưa tổ chức sản xuất và chưa thu hồi. Vì vậy, UBND tỉnh cần xem xét 700ha đất rừng chưa tổ chức sản xuất của Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa có còn phù hợp với quy hoạch không, nếu không còn phù hợp, huyện Lang Chánh kiến nghị tỉnh chuyển đổi diện tích đất quy hoạch này sang đất sản xuất để bàn giao lại cho người dân canh tác.

Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hoá khóa XVII: Các đại biểu thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng

Đại biểu Lê Văn Trung, Bí thư huyện ủy Cẩm Thủy đề xuất các giải pháp tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chính sách phát triển cây gai xanh phục vụ sản xuất của Nhà máy sợi dệt An Phước đóng trên địa bàn xã Cẩm Tú.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, bền vững theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong việc thống nhất chủ trương thực hiện; tiếp tục hoàn thiện và có cơ chế chính sách tạo bước đột phá trong tích tụ đất đai để tổ chức sản xuất lại theo hướng có lợi thế của từng vùng, từng địa phương, xây dựng thành công nhiều thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh kêu gọi xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên doanh liên kết theo chuỗi khép kín nhằm tạo tính bền vững. Nâng cao vai trò, năng lực quản lý, quản trị, tổ chức sản xuất của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp để các hợp tác xã thực sự trở thành người đỡ đầu cho nông dân.

Hiện nay, Nhà máy sợi dệt An Phước đã đi vào hoạt động. Nhà máy cần một lượng nguyên liệu lớn nên các địa phương miền núi và nhà máy cần phối hợp để mở rộng nhanh diện tích trồng cây gai xanh. Để làm được điều này, cần phát triển mối quan hệ liên kết giữa nhà máy, địa phương và các hộ gia đình, bảo đảm lợi ích hài hòa. Đưa cây gai xanh vào danh mục các cây trồng chủ lực mới của tỉnh trong giai đoạn tới và ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh, tạo bước phát triển mạnh diện tích cây gai xanh phục vụ sản xuất của nhà máy.

Theo chương trình làm việc, chiều cùng ngày, HĐND tỉnh thực hiện công tác tổ chức, miễn nhiệm và bầu các chức danh; thông qua các Nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Báo Thanh Hóa điện tử


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.263.874
    Trong năm: 977.891
    Trong tháng: 89.914
    Trong tuần: 18.102
    Trong ngày: 1.089
    Online: 64