Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVII, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan tập trung giải quyết những vấn đề cử tri đã kiến nghị, kết quả như sau:

1. Về cơ chế chính sách

1.1. Cử tri các huyện ven biển đề nghị có chính sách hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu, thuyền: Tiếp thu kiến nghị của cử tri, đến nay, UBND tỉnh đã hoàn chỉnh cơ chế chính sách hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình cho chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên và trình HĐND tỉnh xem xét ban hành tại kỳ họp này.

1.2. Cử tri huyện Hà Trung đề nghị có cơ chế đặc thù cho cán bộ không chuyên trách ở những thôn lớn (có trên 2.000 người): Hiện nay, theo Nghị quyết số 232 năm 2019 của HĐND tỉnh, các chức danh ở thôn, tổ dân phố có quy mô dân số từ 2.000 người trở lên là loại 1 đã được hưởng phụ cấp cao hơn 0,1 hệ số so với các chức danh ở thôn, tổ dân phố loại 2, 3.

1.3. Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị ban hành đơn giá dịch vụ công ích mới thay thế đơn giá được UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 3598 năm 2011 cho phù hợp với đơn giá thực tế hiện nay: Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng có văn bản số 1411/SXD-KTXD ngày 09/3/2021 hướng dẫn các địa phương xây dựng đơn giá dịch vụ công ích đô thị.

1.4. Cử tri các huyện đề nghị điều chỉnh bất cập trong thực hiện Quyết định số 5362 năm 2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện mua sắm trang thiết bị tập trung tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, vì trong quá trình sử dụng khi trang thiết bị, khi bị hư hỏng phải liên hệ nhà cung cấp để sửa chữa, nhưng thời gian bảo hành, sửa chữa quá lâu, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị: Theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151 năm 2017 và Quyết định số 5362 năm 2019 của Chủ tịch UBND tỉnh; việc mua sắm máy vi tính để bàn, máy tính xách tay, máy in, máy photocopy, máy điều hòa không khí, máy chiếu được thực hiện theo phương thức tập trung. Để khắc phục các bất cập theo kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính bổ sung tiêu chí về thời gian thực hiện bảo hành, sửa chữa khi có hư hỏng xảy ra là một trong các tiêu chí khi lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản trong các đợt mua sắm tập trung tiếp theo để đảm bảo việc bảo hành, sửa chữa được thực hiện kịp thời.

2. Về lĩnh vực quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đô thị.

2.1. Cử tri đề nghị đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 06 khu tái định cư di dời dân ở vùng có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn huyện Mường Lát để đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, ổn định đời sống của Nhân dân: Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật phương án di dời và tái định cư nêu trên vào Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó có huyện Mường Lát); dự kiến sẽ phê duyệt trong Quý III năm 2021.

2.2. Cử tri đề nghị xây dựng trụ sở làm việc của các xã: Điền Thượng, Thiết Ống, Lương Ngoại, huyện Bá Thước: Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, nhu cầu đầu tư các công trình công sở xã trên địa bàn tỉnh và trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn theo thứ tự ưu tiên, để xem xét, quyết định việc đầu tư các công trình công sở xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó có công sở 03 xã: Điền Thượng, Thiết Ống và Lương Ngoại).

2.3. Cử tri đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn các huyện Thạch Thành, Lang Chánh, Quan Sơn và thị xã Nghi Sơn: Trong năm 2020 và năm 2021, UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất một số trường học trên địa bàn các huyện Lang Chánh, Quan Sơn và thị xã Nghi Sơn. Đối với các trường học còn lại, UBND tỉnh đã giao UBND các huyện: Thạch Thành, Lang Chánh, Quan Sơn và thị xã Nghi Sơn xây dựng lộ trình, phân kỳ đầu tư và chủ động bố trí nguồn vốn ngân sách cấp huyện để đầu tư các trường theo phân cấp nhiệm vụ chi được quy định tại Quyết định số 4761 năm 2016 của UBND tỉnh; ngân sách tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ các công trình nêu trên theo các chương trình, đề án, dự án cụ thể và khi có điều kiện về nguồn vốn.

2.4. Cử tri đề nghị đẩy nhanh tiến độ kéo điện lưới quốc gia cho 5 bản, 17 cụm dân cư, huyện Quan Hóa:

- Đối với 05 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia: Có 02 bản (gồm: Bản Bâu và Bản Nót) sẽ được đầu tư từ dự án Xây dựng đường dây tải điện 35KV và 02 trạm biến áp từ bản Giồi, xã Thiên Phú cấp điện cho Trạm Kiểm lâm bản Bâu và nhân dân bản Bâu, Bản Nót thuộc Khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động, huyện Quan Hóa đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 398 năm 2021 và Chi cục Kiểm Lâm tỉnh đang tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư. Còn lại 03 bản (gồm: Bản Cốc, Bản Cụm, xã Nam Tiến; Bản Pượn, xã Trung Sơn) thuộc Dự án đầu tư cấp điện nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3606 năm 2014 và điều chỉnh tại quyết định số 1032 năm 2021 do Sở Công Thương làm chủ đầu tư; hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương đấu mối với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bố trí nguồn vốn cho dự án; sau khi dự án được bố trí nguồn vốn, Sở Công Thương sẽ thực hiện đầu tư.

- Đối với đề nghị đầu tư cấp điện cho 17 cụm dân cư tại huyện Quan Hóa: UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Công ty Điện lực Thanh Hóa và Điện lực huyện Quan Hóa kiểm tra, khảo sát các khu vực nêu trên; theo đó, 17 cụm dân cư này nằm trên địa bàn của các thôn, bản đã có lưới điện quốc gia, việc đầu tư cấp điện đến các cụm dân cư thuộc trách nhiệm của Công ty Điện lực Thanh Hóa, Sở Công Thương đã đề nghị Công ty Điện lực Thanh Hóa bố trí vốn thực hiện việc đầu tư cấp điện cho 17 cụm dân cư nêu trên.

2.5. Cử tri đề nghị xây dựng trạm biến áp, nâng cấp hệ thống đường dây tải điện tại phường Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn: Theo báo cáo của Công ty Điện lực Thanh Hóa, năm 2020, Công ty đã thực hiện nâng công suất 05 Trạm biến áp trên địa bàn xã Quảng Vinh, thay dây dẫn 2,6 km đường dây hạ áp. Dự kiến năm 2021, Công ty sẽ đầu tư mới 02 Trạm biến áp; 2,5 km đường dây trung áp, đầu tư mới và cải tạo 20 km đường dây hạ áp trên địa bàn xã Quảng Vinh.

2.6. Cử tri đề nghị xây dựng trạm điện 110kV tại huyện Nga Sơn: Ngày 12/01/2021, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã có Quyết định số 46/QĐ-EVNNPC phê duyệt danh mục, tạm giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng các dự án lưới điện 110kV cho Ban QLDA Lưới điện; theo đó, Tổng Công ty đã giao cho Ban Quản lý dự án Lưới điện đầu tư dự án Đường dây và Trạm biến áp 110kV Nga Sơn công suất 2x40MVA, với tổng mức đầu tư dự kiến 116 tỷ đồng và đang triển khai các bước thủ tục đầu tư, dự kiến đóng điện trong Quý II/2024.

2.7. Cử tri đề nghị thực hiện bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý: Thực hiện Quyết định số 21 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện theo cơ chế thị trường, Sở Công Thương đã phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, rà soát các Hợp tác xã không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định, bàn giao cho Công ty Điện lực Thanh Hoá tiếp nhận, quản lý. Kết quả, đến nay, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã tiếp nhận, quản lý 331 xã và một phần của 27 xã để bán điện trực tiếp đến các hộ dân. Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra đối với các Hợp tác xã còn lại; trường hợp các Hợp tác xã không đảm bảo các điều kiện cấp điện theo quy định, nhất là chất lượng điện áp, sẽ xem xét việc tiếp tục bàn giao cho Công ty Điện lực Thanh Hóa tiếp nhận, quản lý.

2.8. Cử tri đề nghị đầu tư tuyến đường tránh Quốc lộ 217, đoạn qua thị trấn Cành Nàng, qua đô thị Điền Lư huyện Bá Thước; đường tránh tỉnh lộ 521B (Ban Công - Lũng Cao), đoạn qua chợ Phố Đòn, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước; tuyến đường từ xã Yên Lễ (Quốc lộ 45) đi xã Tân Bình, huyện Như Xuân; đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi các xã Xuân Hưng, Thọ Hải, Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân; xây dựng hệ thống giao thông kết nối khu vực hữu ngạn với tả ngạn sông Chu; tuyến đường từ ĐT.516 xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành đi qua thôn Bằng Phú sang huyện Cẩm Thủy; đường từ QL.45 vào Trung tâm cai nghiện số 1, huyện Nông Cống; tuyến đường từ hang Con Moong xã Thành Yên, huyện Thạch Thành đi xã Cúc Phương huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; xây dựng cầu cứng bắc qua sông Mã nối bản Pọng - Ka Me với bản Chăm xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa; cầu cứng bắc qua sông Chu, đoạn từ xã Thọ Hải đi xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân; cầu Sòng qua sông Nhơm nối huyện Quảng Xương với huyện Nông Cống; cầu dân sinh qua đập tràn đường tỉnh lộ 522B, đoạn qua xã Hà Tân, huyện Hà Trung: Việc di chuyển, đi lại của nhân dân trong các khu vực nêu trên hiện nay cơ bản vẫn được đảm bảo; trong khi điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh đang còn khó khăn, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu bố trí, hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện đầu tư khi cân đối được nguồn vốn.

2.9. Cử tri đề nghị sớm hoàn thành đường nối tỉnh lộ 520 đoạn từ xã Nam Động, huyện Quan Hóa đi km 22, Quốc Lộ 217, huyện Quan Sơn: Năm 2021, công trình đã được bố trí vốn 20,44 tỷ đồng để tiếp tục triển khai; Sở Giao thông Vận tải sẽ tăng cường chỉ đạo nhà thầu khẩn trương thi công hoàn thành công trình trong năm 2021.

2.10. Cử tri đề nghị nâng cấp, sửa chữa tuyến đường tỉnh 521E đoạn từ ngã ba xã Tén Tằn đi xã Mường Chanh; đường tỉnh 519B, đoạn từ thị trấn Thường Xuân đi các xã Vạn Xuân, Xuân Lộc, Xuân Thắng, Tân Thành, Luận Khê, Luận Thành, huyện Thường Xuân; các đường tỉnh 524, 527, 508 qua huyện Nga Sơn; đường tỉnh 514 từ km 15 - km 22 tại xã Cán Khê, huyện Như Thanh; đường tỉnh 523 đoạn qua các xã Yên Dương, Hoạt Giang, huyện Hà Trung; đường tình 508B đoạn từ xã Yến Sơn, xã Hà Ngọc, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung đến xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc; đường tỉnh 510B qua xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa; các tuyến đường kết nối giữa các di tích lịch sử cấp Quốc gia huyện Thọ Xuân; mở rộng tuyến đường 506B đoạn từ Trường THPT Lê Hoàn xã Xuân Lai đi xã Xuân Tân (cũ), huyện Thọ Xuân; nắn lại tuyến đường 506B nối với đường đi xã Quảng Phú, đoạn từ cầu Nha đến nhà thờ Phúc Địa huyện Thọ Xuân: Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông Vận tải căn cứ tình hình thực tế và khả năng cân đối nguồn vốn để tiến hành sửa chữa, khắc phục theo thứ tự ưu tiên, đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân trong các khu vực nêu trên.

2.11. Cử tri đề nghị lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, có dải phân cách đoạn khu phố 6, phường Bắc Sơn và khu vực đuôi cá phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn; lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng đường Trần Hưng Đạo từ Quốc lộ 47 đến Cảng Hới, thành phố Sầm Sơn: Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải; theo đó Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam bố trí vốn và triển khai thực hiện trong năm 2021.

2.12. Cử tri đề nghị có biện pháp khắc phục tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến đường 217, 217B đoạn đi qua các xã Hà Đông, Hà Lĩnh, Hà Long, huyện Hà Trung: Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường công tác quản lý, bảo trì, bổ sung biển cảnh báo, đảm bảo ATGT; đồng thời, đề nghị UBND huyện Hà Trung phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân và xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang, lòng, lề đường, đấu nối trái phép.

2.13. Cử tri đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Đại lộ Đông - Tây, thành phố Thanh Hóa: Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Thông báo số 130/TB-UBND ngày 14/5/2021, trong đó giao Sở Giao thông Vận tải tập trung chỉ đạo nhà thầu thi công tăng cường bố trí nhân lực, máy móc thiết bị để thi công ngay những đoạn tuyến đã được bàn giao mặt bằng; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu và Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đã cam kết đảm bảo hoàn thành toàn bộ tuyến đường trước ngày 30/01/2022.

2.14. Cử tri đề nghị nạo vét và kè hệ thống khe suối tại thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân; nâng cấp đê tả sông Hoàng đoạn qua xã Đông Ninh, xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn; nâng cấp tuyến đê bao thôn Hồi Phú, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành; kè bờ sông Mã đoạn qua địa bàn thôn Phù Hưng 1, Phù Hưng 2, xã Yên Thái, huyện Yên Định: Các công trình nêu trên tiềm ẩn nguy cơ bị sạt lở vào các mùa mưa, lũ gây mất an toàn cho nhân dân sinh sống lân cận; do đó, trước mắt, UBND tỉnh đã giao UBND các huyện: Như Xuân, Đông Sơn, Thạch Thành và Yên Định xây dựng phương án phòng chống lụt bão và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho nhân dân. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ xem xét, hỗ trợ kinh phí để đầu tư tu bổ, nâng cấp khi cân đối được nguồn vốn.

2.15. Cử tri đề nghị nạo vét lòng sông Khu neo đậu tàu thuyền xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc: Ngày 25/3/2021, UBND tỉnh có Công văn số 3732/UBND-THKH về việc hoàn thiện đề xuất dự án “Phát triển thủy sản bền vững”, vay vốn WB và gửi các Bộ, ngành Trung ương để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; trong đó, đã có hạng mục nạo vét lòng âu khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thuộc dự án “Nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Trường thuộc xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc”, thời gian thực hiện giai đoạn 2022 - 2025, tổng mức đầu tư dự kiến 105 tỷ đồng.

2.16. Cử tri đề nghị nâng cấp tuyến đê sông Lý, huyện Quảng Xương: Tuyến đê sông Lý thực tế là bờ kênh sông Lý (không phải đê) do Công ty TNHH MTV Sông Chu quản lý; hiện nay, có nhiều đoạn bờ kênh nhỏ, chưa được gia cố, UBND tỉnh đã giao UBND huyện Quảng Xương phối hợp với Công ty TNHH MTV Sông Chu có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình cũng như nhân dân sinh sống dọc bờ kênh sông Lý khi có mưa, lũ xảy ra.

2.17. Cử tri đề nghị kè mái bờ đê xã Thạch Định, huyện Thạch Thành: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4806 năm 2020 phê duyệt hỗ trợ kinh phí xử lý khẩn cấp để đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Bưởi thôn Định Hưng, xã Thạch Định; đến nay, UBND huyện Thạch Thành đã triển khai thi công công trình, đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão để chuẩn bị bước vào mùa mưa, bão năm 2021.

2.18. Cử tri đề nghị kè mái bờ đê khu vực Cố Quẩn - sông Bưởi, xã Thành Vinh và tại các xã Thành Trực, Thạch Lâm huyện Thạch Thành; kè bờ sông Mã khu phố Hồi Xuân, khu 1, khu 2 thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa: UBND tỉnh đã có Công văn số 15887/UBND-THKH, ngày 11/11/2020 báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các dự án xử lý khẩn cấp phòng, chống thiên tai và đê điều, hồ đập thủy lợi xung yếu không đảm bảo yêu cầu chống lũ, nguy cơ cao xảy ra sự cố từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, đã có đề xuất các công trình sạt lở bờ sông Bưởi và công trình Kè bờ sông Mã nêu trên; đồng thời, để đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Thạch Thành và UBND huyện Quan Hóa xây dựng phương án phòng chống lụt bão và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý các tình huống có thể xảy ra.

3. Về lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng

3.1. Cử tri các huyện, thị xã, thành phố đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa phố, thôn, xã: Việc xây dựng các công trình nêu trên thuộc trách nhiệm của địa phương, nên đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động lồng ghép, ưu tiên các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn, huy động các nguồn vốn hỗ trợ khác để đầu tư công trình; trên cơ sở tình hình thực tế và căn cứ từng chương trình, đề án, dự án cụ thể; UBND tỉnh sẽ xem xét, hỗ trợ đầu tư khi có điều kiện về nguồn vốn.

3.2. Cử tri đề nghị hướng dẫn cụ thể việc xử lý công sở, trạm y tế, nhà văn hóa sau sáp nhập: Hiện nay, Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố đang thực hiện phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất trên địa bàn toàn tỉnh; sau khi rà soát sắp xếp sẽ có các cơ sở nhà, đất là công sở, trạm y tế dôi dư trong đó chủ yếu là do sát nhập các xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt (đối với đơn vị hoàn thành) Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ đề xuất phương án xử lý cụ thể và trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện. Riêng đối với các nhà văn hóa dôi dư, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động rà soát, xây dựng phương án xử lý theo đúng quy định sau khi có ý kiến đồng thuận của cộng đồng dân cư trên địa bàn.

3.3. Cử tri thành phố Thanh Hóa đề nghị điều chỉnh, bổ sung tỷ lệ phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất giữa ngân sách các cấp; cử tri huyện Thiệu Hóa đề nghị tăng mức tỷ lệ (%) nguồn thu tiền sử dụng đất cho các thị trấn lên mức 50% (hiện nay ở mức 30% là rất thấp): UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo để trình HĐND tỉnh xem xét ban hành quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách tỉnh Thanh Hóa cho giai đoạn 2022-2025 đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách cấp tỉnh để thực hiện cơ chế, chính sách chung của địa phương; hỗ trợ phát triển đồng đều giữa các địa phương, các khu vực trong tỉnh.

3.4. Cử tri huyện Hoằng Hóa phản ánh việc chậm trễ trong trích đo bản đồ địa chính phục vụ tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Hoằng Hóa là huyện có diện tích lớn, số lượng thửa đất nhiều, trong khi biên chế thực hiện nhiệm vụ trích đo bản đồ và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hạn chế; đồng thời, quá trình nộp hồ sơ, các hộ chưa nộp đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định, chưa xác định rõ nguồn gốc đất, đối tượng đất, thời gian sử dụng đất nên đã ảnh hưởng rất lớn đến thời gian xử lý hồ sơ. Để chấn chỉnh vấn đề này, UBND tỉnh đã có Công văn số 8741/UBND-NN ngày 22/6/2021 và Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 14/7/2021 chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo thời gian theo quy định.

3.5. Cử tri đề nghị đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất cho huyện Như Xuân quản lý để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân thuộc thôn Thanh niên (làng Thanh niên lập nghiệp), xã Xuân Hoà: UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Tỉnh đoàn Thanh Hóa khẩn trương tổ chức đo đạc, hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm đo đạc nộp về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, nghiệm thu và phê duyệt theo quy định. Hiện nay, diện tích đất của dự án đã được đo đạc và Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu, phê duyệt; làm cơ sở xây dựng phương án bàn giao đất cho địa phương quản lý, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt; thời gian dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

3.6. Cử tri đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân ở khu vực đuôi cá phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn: Diện tích đất các hộ dân đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở khu vực đuôi cá nằm trong diện tích đất của Ga Bỉm Sơn, được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Quyết định 1487/QĐ-UB ngày 18/6/2001 nên chưa có cơ sở để xem xét, giải quyết đề nghị của các hộ nêu trên. Trước thực trạng sử dụng đất tại khu vực ga Bỉm Sơn có nhiều bất cập, UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị và làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và được Bộ Giao thông vận tải thống nhất tại Công văn số 5657/BGTVT-KCHT ngày 16/6/2021; theo đó: Đối với các trường hợp lấn chiếm xây dựng trái phép nằm trong phạm vi ga sau thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu ga Bỉm Sơn năm 2001 sẽ thực hiện giải tỏa, trả lại mặt bằng cho đường sắt quản lý; đối với các hộ dân đã sử dụng trước thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu ga Bỉm Sơn năm 2001 (gồm 23 hộ trong phạm vi khu vực phía Nam ga và 03 hộ ở cổng bãi hàng ga), sẽ tiến hành đo vẽ, hoàn thiện các thủ tục để bàn giao cho địa phương quản lý. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thị xã Bỉm Sơn phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục, thực hiện giải tỏa đối với diện tích lấn chiếm, xây dựng trái phép trước ngày 15/8/2021; bàn giao phần diện tích các hộ đã sử dụng trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2001 trước ngày 30/8/2021.

3.7. Cử tri đề nghị hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng cho các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn huyện Mường Lát, do huyện khó khăn về ngân sách: Trong thời gian qua, trên cơ sở đề nghị của UBND huyện Mường Lát, căn cứ nguồn lực tài chính của ngân sách tỉnh, UBND tỉnh đã hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách huyện để thực hiện GPMB các dự án đầu tư trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới, trên cơ sở đề nghị của huyện Mường Lát, UBND tỉnh sẽ xem xét việc hỗ trợ kinh phí GPMB cho từng dự án cụ thể.

3.8. Cử tri đề nghị bồi thường giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư cho 19 hộ tại xã Hà Long, huyện Hà Trung khi thu hồi đất xây dựng đường Cao tốc Bắc Nam: Đến thời điểm hiện nay, việc bồi thường GPMB đối với 19 hộ dân xã Hà Long đã được UBND huyện Hà Trung giải quyết, các hộ có đất bị thu hồi đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và nhận đất TĐC, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

4. Về lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

4.1. Cử tri đề nghị sớm phê duyệt kế hoạch tổng thể khu di tích Quốc gia Lê Hoàn, huyện Thọ Xuân: UBND tỉnh đã có Công văn số 1815/UBND-VX ngày 08/02/2021 đồng ý chủ trương lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn và các di tích phụ cận, huyện Thọ Xuân; giao UBND huyện Thọ Xuân tổ chức lập, trình duyệt Quy hoạch và chủ động bố trí, huy động nguồn vốn thực hiện lập quy hoạch theo quy định.

4.2. Cử tri đề nghị đầu tư, mở rộng khu di tích lịch sử cách mạng Đảng bộ huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Tĩnh Gia: UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương lập dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo và mở rộng khu di tích Lịch sử Cách mạng Đảng bộ huyện Tĩnh Gia (bao gồm: nhà tiếp đón, đài tưởng niệm, nhà trưng bày truyền thống, bãi đỗ xe và các hạng mục phụ trợ); trên cơ sở đó, UBND thị xã Nghi Sơn đã có Quyết định số 7093/QĐ-UBND ngày 31/10/2019 phê duyệt dự án đầu tư; tuy nhiên, do khó khăn trong công tác GPMB nên dự án triển khai không đảm bảo tiến độ theo quy định. Đến nay, UBND thị xã Nghi Sơn đã có văn bản báo cáo, cam kết triển khai thực hiện dự án đảm bảo hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2021.

4.3. Cử tri huyện Quan Hóa đề nghị tiếp tục triển khai chương trình kiên cố hóa trường lớp học đối với các huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn: Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2016 - 2020 và xây dựng đề xuất nhu cầu giai đoạn 2021 - 2025, làm cơ sở báo cáo Bộ Giáo dục tổng hợp, trình Chính phủ xem xét, quyết định việc triển khai thực hiện; sau khi đề xuất nhu cầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện.

4.4. Cử tri huyện Thiệu Hóa đề nghị tỉnh chỉ đạo trong việc chọn bộ sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 để sớm triển khai trong hệ thống giáo dục toàn tỉnh: Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành thẩm định các bộ sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; sau khi có ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo về việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 theo đúng kế hoạch thời gian quy định.

4.5. Cử tri huyện Thạch Thành đề nghị bổ sung quy định về việc thu phí đối với khu du lịch cấp tỉnh và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh: Hiện nay, việc thu phí tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được quy định tại Nghị quyết số 27 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 4764 năm 2016 của UBND tỉnh. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố (trong đó có huyện Thạch Thành) tổ chức thu phí các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh là danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử theo quy định.

5. Về lĩnh vực an ninh trật tự và các vấn đề khác

5.1. Cử tri huyện Ngọc Lặc đề nghị tăng thêm số lượng công an viên cho các thôn có địa bàn rộng, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự và an toàn giao thông: Theo Nghị quyết số 232 năm 2019 của HĐND tỉnh, cơ bản tất cả các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh có 06 chức danh người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia công việc và được bố trí tối đa không quá 03 người (chỉ riêng 341 thôn, bản đặc biệt khó khăn có thêm 01 chức danh nhân viên y tế và bố trí tối đa không quá 04 người). Đối với những thôn có địa bàn rộng, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự có thể không bố trí kiêm nhiệm công an viên để bố trí chuyên trách. Đồng thời, cùng với việc cho phép bố trí chuyên trách công an viên (không chính quy) nêu trên, đến nay, tất cả các xã đều đã bố trí tối thiểu 05 công an chính quy đảm nhận các chức danh công an xã (gồm trưởng công an, 01 phó trưởng công an và 03 công an viên chính quy). Vì vậy, đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng công an chính quy tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nắm địa bàn... đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở những thôn có địa bàn rộng, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự.

5.2. Cử tri đề nghị tăng cường công tác quản lý khai thác cát trên địa bàn các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc: Tiếp thu kiến nghị của cử tri, ngày 19/4/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1285/QĐ-UBND phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm tăng cường công tác quản lý cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh, trong đó nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.

5.3. Cử tri huyện Như Thanh đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch Cụm công nghiệp xã Hải Long trong giai đoạn 2010 - 2030 cho phù hợp với quy hoạch chung của huyện và đề án mở rộng địa bàn thị trấn Bến Sung trong thời gian tới vì quy hoạch các cụm công nghiệp tại xã sát với đường Quốc lộ 45 và thị trấn Bến Sung ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt của Nhân dân: Tiếp thu kiến nghị của cử tri, ngày 30/6/2021, UBND tỉnh đã có văn bản xin ý kiến thỏa thuận của Bộ Công Thương việc điều chỉnh quy hoạch Cụm công nghiệp Hải Long, huyện Như Thanh trong Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030; theo đó: UBND tỉnh đề xuất điều chỉnh quy hoạch Cụm công nghiệp Hải Long thành Cụm công nghiệp Hải Long - Xuân Khang với diện tích 50 ha, nằm trên địa bàn xã Hải Long và xã Xuân Khang, huyện Như Thanh; đảm bảo phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Bến Sung và Quy hoạch vùng huyện Như Thanh được phê duyệt.

5.4. Cử tri đề nghị mở lại tuyến xe buýt số 09 qua huyện Thọ Xuân: Do ảnh hưởng của dịch covid-19 nên nhu cầu đi lại của người dân giảm, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải gặp khó khăn, chưa có điều kiện để mở lại tuyến xe buýt số 09. Tiếp thu kiến nghị của cư tri, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông Vận tải tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp mở lại tuyến xe buýt trong thời gian tới.

5.5. Cử tri đề nghị kiểm tra, xử lý nghiêm các tàu, thuyền lưu thông không có đăng ký, đăng kiểm: Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông Vận tải tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các tàu, thuyền lưu thông không có đăng ký, đăng kiểm; kết quả, từ đầu năm 2021 đến nay đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 05 trường hợp không đăng ký, đăng kiểm; trong thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Đối với các kiến nghị khác của cử tri gửi đến Kỳ họp Thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVII, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    367 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.206.950
    Trong năm: 983.743
    Trong tháng: 97.082
    Trong tuần: 25.628
    Trong ngày: 2.191
    Online: 64