Chiều 21-9, Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị ký kết Quy chế công tác, nhiệm kỳ 2021- 2026.
Các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh chứng kiến ký kết quy chế phối hợp.
Dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường Vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành có liên quan.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan, Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh thống nhất phối hợp chặt chẽ các lĩnh vực hoạt động đó là: Tuyên truyền, tập hợp, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân, phổ biến pháp luật và hoạt động đối ngoại Nhân dân. Tham gia xây dựng Luật, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh. Tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh. Tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo và ý kiến, kiến nghị của công dân. Giám sát và phản biện xã hội. Thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, bầu Hội thẩm Nhân dân của Tòa án nhân dân tỉnh. Thực hiện chế độ hội họp và thông tin.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2021- 2026 là hoạt động rất có ý nghĩa, mở đầu cho hoạt động công tác giữa 3 cơ quan có vị trị trọng yếu của bộ máy chính trị của tỉnh trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Kế thừa, phát huy những kết quả đạt được của các nhiệm kỳ trước, đặc biệt là nhiệm kỳ 2016-2021, Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ công tác. 3 cơ quan đã bám sát các quy định của pháp luật, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy trong thực hiện nhiệm vụ; trong đó các cơ quan đều mang trong mình khát khao đổi mới, khát khao sát tạo, thể hiện bầu nhiệt huyết, quyết tâm hành động vì Nhân dân, vì sự phát triển của quê hương Thanh Hóa và đất nước. Công tác phối hợp có nhiều đổi mới, đã hướng tới mục tiêu là chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích, hợp pháp chính đáng của Nhân dân; vận động Nhân dân tuân thủ hiến pháp, pháp luật, đưa nhanh các chủ trương của Đảng, chính pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, của HĐND vào cuộc sống, qua đó đóng góp chung vào sự phát triển chung của tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trong Hưng đề nghị trong thời gian tới, 3 cơ quan cần tập trung, nghiên cứu đề ra các biện pháp để khắc phục bằng được những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện quy chế phối hợp trong thời gian tới. Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy. Trên cơ sở đó, theo chức năng, nhiệm vụ của mình thì từng cơ quan phải khẩn trương cụ thể hóa quy chế, thông qua việc xây dựng các chương trình, các kế hoạch phối hợp chi tiết có lộ trình những việc cụ thể; đồng thời phải phân công rõ trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện để bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Trong quá trình phối hợp, các cơ quan cần phải bám sát nội dung quy chế, phải phát huy cao nhất tinh thần chủ động, tích cực trao đổi thông tin; tận dụng tối đa thế mạnh của từng cơ quan để phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trước mắt các cơ quan cần thành lập các kênh thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thành lập các nhóm để thảo luận, thống nhất nội dung phối hợp.
Tiếp tục đổi mới công tác phối hợp; thông qua việc phối hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác của từng cơ quan, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, những vấn đề nóng, bức xúc mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Cần tập trung cao trong công tác phối hợp để thực hiện thắng lợi công tác phòng, chống dịch COVID-19, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2021 mà tỉnh đã đề ra và chuẩn bị kế hoạch cho năm 2022 và những năm tiếp theo. Các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, bảo đảm các kiến nghị của cử tri và Nhân dân được giải quyết đúng tiến độ, theo đúng quy định của pháp luật. Mỗi cơ quan cần phải tuân thủ nghiêm chế độ thông tin báo cáo; định kỳ phải kiểm điểm, đánh giá rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung mới để công tác phối hợp sát với thực tiễn, thiết thực, hiệu quả.