Thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-ĐĐBQH ngày 30/8/2021 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa về giám sát ”Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018 - 2020”. Ngày 06/10/2021, Đoàn Giám sát do đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn Giám sát tổ chức làm việc tại huyện Vĩnh Lộc.
Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khảo sát tại cơ sở sản xuất rượu Sâm Báo
Tham gia Đoàn giám sát có các vị Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: ông Trần Văn Thức, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa; bà Cầm Thị Mẫn, ĐBQH Chuyên Trách; ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc bệnh viên đa khoa tỉnh và đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh.
Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát tại cơ sở sản xuất kinh doanh Lâm Thu – Chủ thể của sản phẩm OCOP Chè Lam Phủ Quảng
Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc, giai đoạn 2018 - 2020 huyện đã có 10 ý tưởng sản phẩm OCOP của 9 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình. Trong đó, năm 2019 có 6 ý tưởng sản phẩm của 6 chủ thể; năm 2020 có 4 ý tưởng sản phẩm của 3 chủ thể đăng ký tham gia chương trình. Cùng với đó, UBND huyện Vĩnh Lộc đã huy động hơn 1,05 tỷ đồng để các chủ thể xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, tiêu chuẩn hoá sản phẩm theo quy định của chương trình và thực hiện quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm…
Theo đó, giai đoạn 2018 - 2020, huyện Vĩnh Lộc đã phát triển được 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (2 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao và 4 sản phẩm 3 sao); 9 tháng năm 2021 huyện đã có thêm 3 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh (1 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 3 sao).
Hầu hết các sản phẩm sau khi được công nhận, gắn sao của Chương trình OCOP đều tăng doanh số bán hàng bình quân 20% so với trước khi tham gia chương trình. Tuy nhiên, chưa có nhiều sản phẩm, nhất là các sản phẩm cộng đồng, sản phẩm chủ lực của các địa phương tham gia Chương trình. Nhiều sản phẩm mới dừng ở quy mô hộ gia đình, số lượng và chất lượng sản phẩm chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Qua khảo sát thực tế tại cơ sở sản xuất và làm việc với UBND huyện Vĩnh Lộc, Đoàn giám sát ghi nhận những kết quả bước đầu đạt được trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP của huyện và các cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Ảnh: Đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại buổi làm việc với huyện Vĩnh Lộc
Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Quốc hội Mai Văn Hải, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá đề nghị huyện Vĩnh Lộc tiếp tục quan tâm công tác tuyên truyền, tập huấn, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để phát triển sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy giá trị thương hiệu sản phẩm, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Cùng với đó, huyện cần thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương, UBND huyện Vĩnh Lộc cần khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, quan tâm xây dựng, phát triển sản phẩm mới, nhất là ở những xã chưa có sản phẩm OCOP…
Để phát triển Chương trình OCOP một cách sâu, rộng, hiệu quả, UBND huyện Vĩnh Lộc cần giao trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể chính trị để cùng với Nhân dân, chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm OCOP mới, bảo đảm chất lượng, nâng sao cho sản phẩm đã được công nhận và nâng tầm cho sản phẩm OCOP địa phương.