Chiều 18-10-2021, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đồng chí Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí đại diện: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Hội đồng Thi đua, khen thưởng; Bảo hiểm xã hội; Hội Luật gia tỉnh.

Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội khóa XI thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 26/11/2003. Sau 17 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật còn bộc lộ những hạn chế, bất cập nên việc sửa đổi để phù hợp với thực tế là cần thiết. Việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng lần này, nhằm thể chế đường lối, chủ trương của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua, hướng thi đua về cơ sở. Dự thảo Luật có 03 điều mới, đó là: Điều 26 quy định về tiêu chuẩn danh hiệu “xã tiêu biểu”, “phường, thị trấn tiêu biểu”; Điều 55 quy định về hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; Điều 96 quy định về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, Luật Thi đua, khen thưởng cần tách riêng hình thức khen thưởng Kỷ niệm chương, Huy hiệu bởi đây là hai hình thức khen thưởng khác nhau; bổ sung quy định rõ thẩm quyền và hình thức khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; đề nghị giữ tiêu chuẩn thành tích “đột xuất” đối với các hình thức khen thưởng “Huân chương Lao động” hạng Nhất, “Huân chương Bảo vệ Tổ quốc” hạng Nhất như Luật hiện hành...

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có phạm vi tác động rất rộng, đối tượng đa dạng nên việc sửa đổi cần được tiến hành kỹ lưỡng, toàn diện, bảo đảm tạo bước chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác thi đua, khen thưởng, nhất là khắc phục triệt để những hạn chế, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, để công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, thực sự là động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh. Dự thảo Luật quy định có 3 loại hình bảo hiểm: bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm phi nhân thọ; bảo hiểm sức khỏe. Trên cơ sở thực tiễn quản lý nhà nước và kinh doanh bảo hiểm cũng như nghiên cứu dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), các ý kiến tham gia góp ý cơ bản đồng tình với dự thảo và đề xuất bổ sung, sửa đổi một số điều khoản. Vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra liên quan đến tranh chấp quyền lợi bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm; nguyên nhân chính là doanh nghiệp bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm và bên mua bảo hiểm chưa hiểu hết các điều khoản loại trừ trách nhiệm. Từ thực tiễn đó, trong dự thảo lần này có quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giải thích rõ điều kiện loại trừ bảo hiểm và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm trong việc đọc kỹ các quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cân nhắc nghiên cứu bổ sung thêm về bảo hiểm tạm thời (mặc dù là do doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận) để đảm bảo chặt chẽ, tránh tình trạng xử lý tùy tiện trong hoạt động bảo hiểm; có quy định cụ thể số ngày doanh nghiệp bảo hiểm xác nhận thay đổi người thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm hoặc văn bản đính kèm hợp đồng bảo hiểm sau khi nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm; cần tiếp tục rà soát để có thể thể chế hóa một cách tối đa các chủ trương của Đảng trong việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…

Một số đại biểu cũng nêu một số bất cập trong quy định tổ chức không được đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm mà mình đang làm đại lý. Quy định này có thể làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của đại lý bảo hiểm và các doanh nghiệp khác. Việc làm đại lý cho nhiều doanh nghiệp có thể được đại lý và các doanh nghiệp bảo hiểm tự thỏa thuận bình đẳng tại hợp đồng đại lý bảo hiểm.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Mai Văn Hải, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, thiết thực đầy trách nhiệm của các đại biểu tham dự hội nghị. Đồng thời nhấn mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ xem xét, tổng hợp báo cáo gửi Ban soạn thảo, tham gia đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.292.615
    Trong năm: 976.297
    Trong tháng: 86.929
    Trong tuần: 23.601
    Trong ngày: 905
    Online: 52