Cử tri các huyện Quảng Xương, Nga Sơn đề nghị Chính phủ nhanh chóng giải ngân các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; giảm thuế; giảm giá thành nguyên vật liệu đầu vào như sắt thép, xăng dầu, vật tư nông nghiệp; giảm phí đường bộ đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; ban hành cơ chế hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi để duy trì và phát triển đàn gia súc, giảm bớt khó khăn cho nhân dân.

Ngày 14/10/2021 Bộ Tài chính đã có Văn bản số 11743/BTC-CST về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, cụ thể như sau:

1. Về công tác giải ngân các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân

Công tác giải ngân nguồn hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đồng thời, nhiệm vụ triển khai cụ thể thuộc trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong quá trình thực hiện, bảo đảm nguồn ngân sách Nhà nước để thực hiện các chính sách quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, hỗ trợ kịp thời từ ngân sách cho các Bộ, ngành, địa phương (theo số thực chi có xác nhận của Kho bạc Nhà nước).

2. Về các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí

Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách như: Thực hiện gia hạn thời gian nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với hộ kinh doanh), tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của nằm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân qua đó giảm nghĩa vụ thuế của cá nhân; giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bới đại dịch Covid-19; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020; giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020; thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng để phục vụ việc phòng chống dịch bệnh như khẩu trang y tế, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước rửa tay sát trùng...; giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô...; Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các Bộ rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư điều chỉnh mức thu, lệ phí đang được quy định tại 31 Thông tư thu phí, lệ phí hiện hành, qua đó giảm mức thu nhiều khoản phí, lệ phí với mức giảm cao (trong đó giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách và 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa theo Thông tư số 74/2020/TT-BTC ngày 10/8/2020 của Bộ Tài chính). Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành thực hiện năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng (số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng cho hơn 130 nghìn doanh nghiệp và hơn 55,5 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh; số tiền thuế, tiền thu đất, phí và lệ phí được miễn, giảm khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng cho hợp 156 nghìn doanh nghiệp, số tiền thuế thu nhập cá nhân được giảm khoảng 10,8 nghìn tỷ đồng cho hơn 6 triệu người nộp thuế).

Trong thời gian qua của năm 2021 đã tiếp tục thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2021; tiếp tục thực hiện giảm mức thu hơn 30 khoản phí, lệ phí đến hết ngày 31/12/2021 (trong đó tiếp tục giảm mức thu phí sử dụng đường bộ như đã áp dụng trong năm 2020); hướng dẫn thực hiện việc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng trong năm 2020 và 2021; tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Ước tính các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khoảng 118 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm là 03 nghìn tỷ đồng).

Bộ Tài chính cũng đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành thời gian qua, theo dõi sát hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong mọi ngành nghề, lĩnh vực và cân đối với điều kiện của ngân sách nhà nước, trên cơ sở đó đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch Covid-19, trong đó có giải pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021; giảm thuế giá trị gia tăng; miền thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp với giá trị hỗ trợ trên 21 nghìn tỷ đồng; đồng thời tiếp tục rà soát, đề xuất các giải pháp về thuế, phí và lệ phí phù hợp với diễn biến thực tế.

3. Về công tác quản lý giá các nguyên liệu đầu vào như sắt thép, xăng dầu, vật tư nông nghiệp

- Về giá xăng dầu: Theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu. Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương nhằm điều hành giá xăng dầu trong nước nhất quán, đúng quy định tại Nghị đinh số 83/2014/NĐ-CP đảm bảo phù hợp với diễn biến, xu hướng biến động của giá thành phẩm xăng dầu thế giới, bảo đảm nguyên tắc vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

- Về giá thép xây dựng: Theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn Luật Giá, mặt hàng thép không thuộc danh mục hàng hóa nhà nước định giá, bình ổn giá (riêng thép xây dựng thì các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước) và Nhà nước không can thiệp vào việc quy định giá bán của doanh nghiệp.

Trong giai đoạn cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 giá thép trong nước biến động tăng, nguyên nhân chủ yếu tác động làm giá thép xây dựng tăng do biến động về cung - cầu tiêu thụ; đồng thời giá nguyên liệu thô sản xuất thép như quặng sắt, thép phế, phôi thép tăng cao.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để cân đối sản xuất, đảm bảo cung cầu để không bị khan, thiếu thép cung ứng trên thị trường, tránh việc lợi dụng tăng giá nguyên liệu đầu vào để tăng giá bất hợp lý; tiến hành các biện pháp phòng vệ thương mại theo luật pháp quốc tế; tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kip thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ, luôn cập nhật diễn biến giá thép xây dựng và thông tin kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá; trong các kịch bản điều hành giá Quý I, Quý II năm 2021 và các tháng còn lại của năm 2021 đã tính đến các diễn biến tăng giá vật liệu xây dựng, trong đó có giá thép.

- Về giá vật tư nông nghiệp: Hiện nay, nước ta đang thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn. Giá các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nói chung được hình thành theo cơ chế thị trường; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng trên được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp và sử dụng biện pháp bình ổn giá khi có biến động bất thường về giá. Nhà nước chỉ gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động của giá các mặt hàng trên qua các biện pháp kinh tế vĩ mô như xây dựng và ban hành các chính sách phát triển sản xuất, điều hòa cung - cầu... Đồng thời, Nhà nước cũng thực hiện quản lý và bình ổn giá thị trường theo quy định của pháp luật thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; áp dụng biện pháp bình ổn giá trong đó có biện pháp đăng ký giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; kê khai giá khi doanh nghiệp định giá, điều chỉnh giá đối với một số mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; quy định về niêm yết giá và không được bán cao hơn giá niêm yết đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ hoặc thực hiện điều tiết cung cầu.

Bộ Tài chính và các Bộ ngành, địa phương có liên quan đã thường xuyên theo dõi diễn biến giá cả và cung cầu thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều  của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

4. Về kiến nghị ban hành cơ chế hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi

Giai đoạn 2011-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, trong đó hỗ trợ trực tiếp cho các hộ chăn nuôi tại các địa phương. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 205/2015/TT-BTC ngày 23/12/2015 quy định về cơ chế tài chính thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, trong đó đã quy định cụ thể về đối tượng được hỗ trợ (đã bao gồm hộ nông dân trong chăn nuôi), nguyên tắc hỗ trợ, mức hỗ trợ, trình tự thủ tục hỗ trợ, nguồn lực và cơ chế hỗ trợ. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành (tại công văn số 5396/VPCP-NN ngày 06/8/2021 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2017/NĐ-CP theo nhiệm vụ được giao./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
     Bình chọn
    Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
    370 người đã bình chọn
    Thống kê truy cập
    Thống kê: 3.290.749
    Trong năm: 979.701
    Trong tháng: 90.109
    Trong tuần: 23.519
    Trong ngày: 1.945
    Online: 82