Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, xây dựng hệ thống chính trị và bộ máy ngày càng trong sạch, vững mạnh; tạo điều kiện, môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo tỉnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) năm 2023 được đẩy mạnh toàn diện, bài bản và đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là: Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo và tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC; cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp về PCTNTC theo các kết luận, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, quy định, văn bản pháp luật về PCTNTC được đẩy mạnh; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được triển khai đồng bộ.
Công tác đấu tranh phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả rõ nét. Đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên được phát hiện, xử lý; đồng thời yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp kiểm tra, làm rõ và xử lý một số trường hợp cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.
Đã tập trung chỉ đạo xử lý, giải quyết 17 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc diện theo dõi, chỉ đạo, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, qua đó đã tạo sức răn đe, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo đã chủ động chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ về công tác PCTNTC theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã phát huy vai trò tham mưu, điều hòa, hỗ trợ các thành viên Ban Chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tổng hợp, đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực, giúp Ban Chỉ đạo xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2024, Ban Chỉ đạo đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường công tác phòng chống, tham nhũng tiêu cực.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa chủ trì phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo
Tại Phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa, Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo nêu rõ: Năm 2023, hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục đi vào nề nếp và đã phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh và đã đạt được những kết quả quan trọng. Hầu hết các nhiệm vụ theo chương trình công tác năm 2023 và Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023 đã được triển khai chủ động, khẩn trương, kịp thời. Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa đã phát huy vai trò của cơ quan thường trực trong công tác tham mưu thực hiện hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Với phương châm thận trọng, khách quan, không để oan sai, không để bỏ lọt tội phạm và trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo thành viên Ban chỉ đạo và các cơ quan tố tụng thực hiện nghiêm các biện pháp nghiệp vụ và đánh giá khách quan, thấu tình, đạt lý khi xem xét những vấn đề liên quan đến các vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực được dư luận, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đánh giá cao.
Cùng với việc đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2023, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo thống nhất với những hạn chế được nêu trong báo cáo do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nguyễn Ngọc Tiến trình bày và đề nghị từ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân được chỉ ra, các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần phải chủ động hơn nữa để có các biện pháp khắc phục.
Theo đó, Ban Chỉ đạo cần tiếp tục chỉ đạo, tổ chức quán triệt và cụ thể hóa để triển khai đồng bộ các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là tập trung vào các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định mới ban hành; các kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, của đồng chí Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là những quan điểm, định hướng chỉ đạo trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; Quy định số 114 ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; quy định 131, 132 ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... và các nghị quyết, các kết luận của Tỉnh ủy, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vấn đề công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong bộ máy nhà nước về cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện có hiệu quả các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đẩy mạnh công tác giáo dục và thực hành văn hóa, liêm chính cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ gốc.
Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, trong đó nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm...
Ban Chỉ đạo cũng cần chỉ đạo ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, kiên quyết khắc phục tệ tham nhũng vặt. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.