Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Quy chế hoạt động của HĐND các cấp do Ủy ban thường vụ Quốc Hội ban hành năm 2005 đề quy định mỗi đại biểu HĐND phải có trách nhiệm tiếp xúc cử tri (TXCT), liên hệ chặt chẽ với cử tri; thu thập, phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với HĐND và cơ quan nhà nước hữu quan ở địa phương. TXCT là biểu hiện sinh động của một xã hội dân chủ, là quyền và nghĩa vụ đối với mỗi đại biểu nhân dân, thực hiện tốt quyền và nhiệm vụ này sẽ giúp đại biểu thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ khác, như tham gia giám sát, chất vấn, thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp...
(Tham luận của Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa tại Hội nghị giao ban Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung bộ lần thứ 3, tổ chức tại tỉnh Hà Tĩnh, ngày 31/7/2012)
Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Quy chế hoạt động của HĐND các cấp do Ủy ban thường vụ Quốc Hội ban hành năm 2005 đề quy định mỗi đại biểu HĐND phải có trách nhiệm tiếp xúc cử tri (TXCT), liên hệ chặt chẽ với cử tri; thu thập, phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với HĐND và cơ quan nhà nước hữu quan ở địa phương. TXCT là biểu hiện sinh động của một xã hội dân chủ, là quyền và nghĩa vụ đối với mỗi đại biểu nhân dân, thực hiện tốt quyền và nhiệm vụ này sẽ giúp đại biểu thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ khác, như tham gia giám sát, chất vấn, thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp...
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được của các nhiệm kỳ trước,nhiệm kỳ 2011 - 2016 tuy mới chỉ hơn 1 năm nhưng hoạt động TXCT của đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có những tiến bộ được cử tri trong tỉnh ghi nhận.
1. Những kết quả đạt được:
Thực hiện Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh khóa XVI và Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND tỉnh với Ban thường trực UBMTTQ tỉnh, để chuẩn bị cho mỗi kỳ họp, hai bên đã phối hợp xây dựng kế hoạch TXCT, triển khai đến các Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, Ban thường trực UBMTTQ các huyện, thị, thành phố để thực hiện. Trên cơ sở đó, các tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh đã xây dựng lịch tiếp xúc của tổ mình. Lịch tiếp xúc cử tri của các tổ đại biểu được gửi tới Thường trực HĐND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo Văn phòng phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông để phục vụ, đưa tin.
Theo kế hoạch, mỗi đợt tiếp xúc cử tri, các tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức ít nhất 2 hội nghị, mỗi hội nghị 1 buổi, cụ thể là:
- Tổ chức 1 hội nghị TXCT ở quy mô cấp huyện, thị, thành phố hoặc cụm liên xã; số lượng cử tri tham dự từ 150 - 200 người, chủ yếu là cán bộ cấp huyện, cấp xã. Ưu điểm nổi bật ở hội nghị TXCT theo dạng này là, đại biểu HĐND tỉnh cùng lúc tiếp xúc được với cử tri trên toàn địa bàn nơi bầu ra mình; do đối tượng tiếp xúc là cán bộ nên các ý kiến, kiến nghị nêu ra có sự chắt lọc, mang tính tổng hợp, phổ quát. Tuy nhiên cũng có hạn chế là đại biểu chưa trực tiếp được nghe tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của người dân lao động.
- Tổ chức một hội nghị TXCT tại xã, phường, thị trấn, hoặc thôn, bản, phố; số lượng cử tri tham dự từ 80 - 150 người và ít nhất 70% trong số đó là người dân lao động. Ưu điểm của hội nghị TXCT theo dạng này là đại biểu HĐND tỉnh gần dân, trực tiếp nghe được tâm tư nguyện vọng của dân; đồng thời thực hiện chủ trương tổ chức luân phiên tại các xã để đến cuối nhiệm kỳ sẽ tiếp xúc được với cử tri tại hầu khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên cách thức tổ chức này cũng có điểm hạn chế là các ý kiến, kiến nghị cử tri nêu ra thường là những việc cụ thể, sự vụ, nhiều trường hợp chỉ thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp cơ sở.
- Nội dung tiếp xúc thực hiện theo cách phổ biến là, đại biểu HĐND tỉnh thông báo với cử tri về dự kiến thời gian tổ chức kỳ họp và những vấn đề HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định tại kỳ họp tới; thông tin đến cử tri về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng hoặc cả năm; báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp, kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp trước; tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và giải trình một số vấn đề cử tri nêu ra. Hầu hết các cuộc TXCT của đại biểu HĐND tỉnh đều có sự tham dự của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ của địa phương để kịp thời tiếp thu, giải đáp những kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền địa phương.
Từ đầu nhiêm kỳ (2011 - 2016) đến nay trải qua 4 kỳ họp, 27 tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức được 165 hội nghị TXCT (trong đó tiếp xúc trước kỳ họp 108 hội nghị, tiếp xúc sau kỳ họp 57 hội nghị); có 921 lượt ý kiến phát biểu; Ban thường trực UBMTTQ tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp được 79 nội dung kiến nghị thuộc 15 nhóm vấn đề thông báo tại kỳ họp thứ 3 và kỳ họp thứ 4 của HĐND tỉnh. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh tập trung nhiều nhất là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh; chính sách bao tiêu sản phẩm; chế độ chính sách với người có công; bảo đảm an sinh xã hội; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường...
Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị TXCT, một số đại biểu HĐND tỉnh còn chủ động TXCT bằng cách gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với cử tri ở nơi công tác, nơi cư trú, nơi đến làm việc...., qua đó chắt lọc, tổng hợp, kiến nghị với HĐND tỉnh và các cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết.
Tại các kỳ họp của HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đều phát biểu tiếp thu ý kiến của đại biểu HĐND và ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh, chỉ đạo các ngành, các cấp giải quyết. Tại 2/4 kỳ họp (trừ kỳ họp thứ Nhất, chủ yếu thực hiện công tác tổ chức, kỳ họp thứ 2 (bất thường) thông qua Quy chế hoạt động), UBND tỉnh đều báo cáo kết quả thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp trước. Kết quả, hầu hết các kiến nghị của cử tri thông báo tại các kỳ họp đã và đang được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết; một số nội dung tuy chưa thể giải quyết được ngay nhưng đã có kế hoạch, lộ trình giải quyết. Kết quả đó có thể chưa đáp ứng được đầy đủ nguyện vọng của nhân dân, nhưng so với khả năng và tình hình thực tế của tỉnh thì những nội dung đã và đang giải quyết thể hiện rõ sự nỗ lực của UBND và các ngành chức năng ở tỉnh, tập trung giải quyết có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề cử tri kiến nghị, trong đó tỷ lệ cao nhất là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, miền núi; đầu tư cho nông nghiệp, thôn thôn và nông dân; cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực; giải quyết chính sách đối với người có công; chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non (cuối năm 2011, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết chuyển đổi toàn bộ các trường mầm non bán công trên địa bàn tỉnh sang công lập)...được cử tri đồng tình, hoan nghênh.
2. Một số hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
- Tổ chức TXCT để báo cáo kết quả sau kỳ họp nhìn còn hình thức, chủ yếu là dự và báo cáo kết quả tại kỳ họp HĐND cấp huyện. Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn cử tri đã nắm được thông tin về kết quả kỳ họp thông qua theo dõi báo chí, phát thanh, truyền hình nên nhu cầu của việc tiếp xúc để nghe báo cáo kết quả kỳ họp không cao, cử tri ít mặn mà.
- Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, các ý kiến đóng góp vào chương trình nghị sự của kỳ họp HĐND tỉnh rất ít (thậm chí có hội nghị không cử tri nào đề cập tới) mà chủ yếu nêu ý kiến, kiến nghị những vấn đề thuộc đời sống, sinh hoạt hàng ngày, không liên quan gì đến nội dung, chương trình của kỳ họp. Biết rằng, những ý kiến này là tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đòi hỏi đại biểu phải lắng nghe; cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, ban hành hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.Nguyên nhân chủ yếu của tình trạngtrên là do các tổ đại biểu chưa tổ chức TXCT theo chuyên đề, vì vậy chưa thể hướng các ý kiến, kiến nghị vào những vấn đề trọng tâm theo chủ định. Và việc chưa thực hiện tiếp xúc cử tri theo chuyên đề lại do ở thời điểm tiếp xúc, các đề án, dự thảo nghị quyết chưa chuẩn bị xong nên chưa có cơ sở đưa ra trưng cầu ý kiến cử tri.
- Đại biểu HĐND tỉnh ít tổ chức TXCT một cách độc lập (mỗi đại biểu một điểm tiếp xúc) mà chủ yếu TXCT với sự tham gia của cả tập thể tổ đại biểu. Nguyên nhân của tình trạng này là do, mặc dù Luật nêu ra vấn đề đại biểu TXCT độc lập nhưng không bắt buộc, cử tri không yêu cầu; mặt khác trình độ, năng lực, vị trí công tác, khả năng diễn thuyết của đại biểu chưa đồng đều.
- Kết quả giải quyết các vấn đề theo ý kiến, kiến nghị của cử tri còn hạn chế. Nguyên nhân có phần do hiệu quả của công tác theo dõi, đôn đốc của Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND tỉnh chưa cao; mặt khác nguyện vọng của cử tri là vô hạn và thường cao hơn thực tế, trong khi khả năng đáp ứng của chính quyền có hạn, giải quyết phải trên cơ sở khả năng thực tế, nhất là về kinh phí.
Đ/c Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị
3. Một số kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động TXCT của đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa:
3.1. Hoạt động TXCT phải có kế hoạch định hướng của Thường trực HĐND tỉnh và kế hoạch chi tiết của tổ đại biểu. Kế hoạch định hướng quy định về nội dung hội nghị TXCT, khung thời gian thực hiện, số lượng, thành phần cử tri tham dự; khuyến cáo vận dụng hài hòa, hợp lý giữa tiếp xúc "đại cử tri" và cử tri là những người dân lao động nhằm vừa bảo đảm tính đại diện, vừa gần dân, sát thực tế. Kế hoạch TXCT của tổ đại biểu phải phù hợp với kế hoạch của Thường trực HĐND tỉnh; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo quy định của luật về TXCT.
3.2. Thực hiện tốt việc theo dõi, đôn đốc các tổ đại biểu TXCT theo kế hoạch. Yêu cầu các tổ đại biểu khi xây dựng kế hoạch TXCT cần gửi Thường trực HĐND tỉnh để nắm tình hình chung; chỉ đạo Văn phòng phân công lãnh đạo, chuyên viên theo dõi hoạt động của các tổ đại biểu; tham dự hội nghị TXCT của tất cả các tổ đại biểu, tổng hợp báo cáo (nhanh) tình hình với Thường trực HĐND và phản ánh thông tin kịp thời trên Website (thanhhoadbnd.vn) của Đoàn đại biểu QH và HĐND tỉnh.
3.3. Thực hiện tốt việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri hiện đang tồn tại những bất cập khách quan, chứa đựng mâu thuẫn khó giải quyết. Vấn đề xoay quanh việc thực hiện nguyên tắc đại biểu HĐND phải tiếp thu, phản ánh trung thực, đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri với HĐND và cơ quan nhà nước hữu quan. Từ đó, nếu tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri theo hướng chắt lọc, khái quát và chỉ lựa chọn những vấn đề phù hợp với tình hình thực tế để thông báo tại kỳ họp thì tính khả thi trong thực hiện sẽ cao hơn, nhưng dễ vi phạm nguyên tắc "đầy đủ, trung thực". Nếu tập hợp đầy đủ theo đúng nguyên tắc thì số lượng kiến nghị quá nhiều, đương nhiên vượt xa khả năng giải quyết trên thực tế, do đó tính khả thi thấp, tính hình thức cao.Vì vậy, việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri là việc làm yêu cầu phải hết sức chu đáo, vừa phải tuân thủ nguyên tắc trung thực vừa phải chắt lọc, khái quát nhằm bảo đảm tính khả thi trong thực hiện.
3.4. Thường trực HĐND, các Ban và đại biểu HĐND tỉnh luônquan tâm công tác theo dõi, giám sát, đôn đốc UBND tỉnh và các ngành chức năng thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
- Từng đại biểu mở sổ theo dõi chặt chẽ những nội dung đã kiến nghị, thường xuyên đôn đốc và cập nhật kết quả thực hiện.
- Để tham mưu, giúp Thường trực HĐND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ này, Văn phòng đã phân công (bằng văn bản) để chuyên viên thực hiện việc theo dõi địa bàn huyện, thị xã, thành phố, báo cáo Chánh Văn phòng tình hình địa bàn được phân công, lập, quản lý hồ sơ về ý kiến, kiến nghị của tri, theo dõi, cập nhật kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các đơn vị được phân công; phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh đổi mới nội dung, hình thức, tăng tần suất, thời lượng phát sóng chuyên mục "Diễn đàn cử tri", phản ánh những ý kiến, kiến nghị của cử tri; ý kiến của đại biểu HĐND và ý kiến trả lời của các cơ quan chức năng về những vấn đề bức xúc, nhiều người quan tâm; mở đường dây nóng tại các kỳ họp để nhân dân kịp thời phản ánh, kiến nghị, vv.
3.5. Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động TXCT. Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh thông báo rộng rãi trên sóng phát thanh, truyền hình thời gian, địa điểm TXCT của các tổ đại biểu để cử tri biết, tham dự; cử phóng viên trực tiếp theo dõi, đưa tin về hoạt động tiếp xúc cử tri của các tổ đại biểu; những tổ không có phóng viên báo, đài tỉnh tham dự cũng được phản ánh, đưa tin thông qua băng hình của đài truyền thanh - truyền hình huyện gửi về. Tại kỳ họp, tổ chức truyền hình, truyền thanh trực tiếp trên sóng tất cả các phiên họp của HĐND, do đó Thông báo của UBMTTQ về ý kiến, kiến nghị của cử tri và Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được đọc và được truyền hình, truyền thanh trực tiếp để nhân dân theo dõi, giám sát. Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần làm cho hoạt động TXCT, theo dõi, đôn đốc, thực hiện ý kiến kiến nghị của cử tri ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch và hiệu quả hơn.
3.6. Cần quan tâm bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đại biểu HĐND tỉnh; thực hiện thường xuyên việc cung cấp thông tin, tài liệu cho đại biểu; mời đại biểu tham dự một số hội nghị, hội thảo, tham gia các hoạt động giám sát, khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh khi về địa phương công tác, tạo điều kiện để đại biểu HĐND tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu.
3.7. Cần khuyến khích và tạo điều kiện để đại biểu HĐND tỉnh chủ động TXCT độc lập, hạn chế dần cách tiếp xúc tập thể, vai trò chính chỉ dồn vào một hoặc hai đại biểu, các đại biểu khác tham gia hình thức. Khuyến khích các tổ đại biểu vận dụng TXCT theo chuyên đề để thu thập các ý kiến, kiến nghị chuyên sâu, nhất là đối với các cơ chế chính sách. Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh đôn đốc các cơ quan chức năng sớm hoàn thành các đề án, dự thảo nghị quyết để gửi các tổ đại biểu làm tài liệu, căn cứ để tiếp xúc cử tri theo chuyên đề khi tổ đại biểu yêu cầu.
Trên đây là một số kết quả trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa từ đầu nhiệm kỳ 2011- 2016 đến nay và một số kinh nghiệm bước đầu rút ra từ thực tiễn hoạt động. Rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi, góp ý của đại biểu các tỉnh bạn để chúng tôi tiếp thu, học tập nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri trong thời gian tới./.