Tiếp tục chương trình làm việc với các ngành liên quan để chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa XVI, sáng ngày 07/11/2012, Thường trực HĐND tỉnh đã làm việc với Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa để nghe báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2012; tình hình quản lý kinh doanh xăng dầu và kết quả xử lý các cửa hàng kinh doanh xăng dầu xây dựng ngoài quy hoạch. Đồng chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trần Đức Thanh, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc; cùng tham dự có các Phó trưởng ban chuyên trách của HĐND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Năm
2012, trên lĩnh vực Công nghiệp và Thương mại có 03 chỉ tiêu được giao định
hướng kế hoạch. Sau khi rà soát tại các cơ sở sản xuất và phối hợp thống nhất
với các ngành liên quan, dự kiến có 03 chỉ tiêu thực hiện đạt kết quả như sau:
Chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, kế hoạch giao 24.940 tỷ đồng, tính đến
hết tháng 10/2012, giá trị sản xuất công nghiệp 10 tháng ước đạt 18.857,6 tỷ
đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ và bằng 75,6% kế hoạch. Giá trị sản xuất công
nghiệp năm 2012 ước đạt 23.699 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2011 và bằng
95,02% kế hoạch; Chỉ tiêu xuất khẩu, kế hoạch giao 565 triệu USD, tổng giá trị
xuất khẩu 10 tháng ước đạt 609,416 triệu USD tăng 52,31% so với cùng kỳ và bằng
107,86% kế hoạch. Dự ước tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2012 đạt 725 triệu
USD, tăng 47,31% so với năm 2011 và bằng 128,32% kế hoạch; Chỉ tiêu tổng mức
lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ, kế hoạch giao 40.000 tỷ đồng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thị trường 10 tháng năm 2012 ước
đạt 34.470,907 tỷ đồng, tăng 30,3% so với cùng kỳ và bằng 86,5% kế hoạch. Dự
ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2012 đạt 42.346 tỷ đồng,
tăng 32,85% so với năm 2011 và bằng 105,9% kế hoạch.
Tình hình quản lý kinh doanh xăng dầu và kết quả xử lý các
cửa hàng kinh doanh xăng dầu xây dựng ngoài quy hoạch: Theo quy hoạch, trên địa
bàn tỉnh Thanh Hóa có 483 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, bao gồm: 393 cửa hàng đang
hoạt động chiếm 81,3% (trong đó đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
cho 387 cửa hàng); 47 cửa hàng đang làm thủ tục xây dựng chiếm 9,7%; 43 cửa
hàng chưa thỏa thuận cho nhà đầu tư chiếm 9%. Ngoài ra, có 22 điểm bán dầu
DIEZEN ven biển và 15 trạm cấp phát xăng dầu nội bộ của các đơn vị. Sở đã chỉ
đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh tuân thủ các quy
định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, đo lường và thời gian trong kinh
doanh xăng dầu; tăng cường, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa
bàn tỉnh…Chỉ đạo Chi Cục quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra,
kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, kiểm tra xử lý
dứt điểm các cửa hàng xăng dầu xây dựng ngoài quy hoạch..
Sau khi nghe báo cáo, các
thành viên trong Đoàn của Thường trực HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm và đề nghị Sở
làm rõ những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong thực tế như cự
ly xây dựng các cửa hàng xăng dầu theo quy hoạch chưa thực sự thống nhất và phù
hợp với thực tế trên địa bàn, dẫn đến việc tổ chức triển khai thực hiện còn
nhiều bất cập, công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu chưa được quan
tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao, có lúc còn buông lỏng lơ là, để cho nhiều cửa
hàng kinh doanh xăng dầu ra đời và tồn tại… Thay mặt
Sở Công Thương, đồng chí Hoàng Văn Hùng, Giám đốc, đã giải trình những vấn đề
mà Đoàn công tác quan tâm; những khó khăn, bất cập trong công tác điều hành và
quản lý của mình.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thị Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ
Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao sự cố gắng và những kết quả
đạt được của Sở Công thương trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu Sở tiếp tục
quản lý nghiêm công tác quy hoạch chợ, quản lý xăng dầu trong thời gian tới; vị
trí, kiến trúc, hệ số sử dụng đất đối với chợ; nên kiểm tra xem trong tỉnh hiện
nay có bao nhiêu chợ đã xây nhưng không có ý kiến của sở và những chợ đã xây
dựng nhưng không hoạt động; Chỉ đạo tháo dỡ 4 trạm xăng dầu xây dựng trái phép.
Tăng cường bám sát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh
nghiệp, trong đó tập trung cao cho các nhóm ngành sản phẩm có mức ảnh hưởng lớn
đến vùng nguyên liệu tại chỗ, lao động tại chỗ và có thị trường nội địa ổn
định, đảm bảo đủ nguyên liệu để các doanh nghiệp này sản xuất và tiêu thụ phát
huy hết công suất thiết kế, tăng sản lượng sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với
UBND các huyện, thị nhằm tăng cường công tác du nhập, nhân cấy phát triển nghề,
làng nghề để gia tăng thêm giá trị sản xuất công nghiệp của nhóm tiểu thủ công
nghiệp; đẩy mạnh công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ phát
triển cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề và nâng cao tay
nghề; cung cấp kịp thời thông tin giúp các doanh nghiệp trong quá trình tìm
kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới. Chỉ đạo Chi
cục quản lý thị trường, phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương có
liên quan, tăng cường công tác kiểm tra, chống trốn lậu thuế, gây thất thu
thuế, phát hiện xử lý kịp thời những đối tượng vi phạm, nhằm tạo môi trường
cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể doanh nghiệp, trong sản xuất và kinh
doanh./.
Trần Thị Hiền