Thực hiện Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội khóa XIII và Kế hoạch số 216/KH-UBDTSĐHP ngày 28/12/2012 Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ngày 25. 02. 2013, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVI đã họp kỳ thứ 6 (chuyên đề), thảo luận, đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tham dự kỳ họp có các đồng chí Thường trực tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTQ tỉnh; đại diện Đoàn đại biểu QH tỉnh; các vị trong Ban chỉ đạo của tỉnh về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; thủ trưởng một số sở, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; đại diện Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, sau khi khẳng định giá trị thực tiễn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992 và yêu cầu khách quan của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để phù hợp với định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển toàn diện, bền vững của đất nước trong thời kỳ mới. Đồng chí nhấn mạnh: "Ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quyền lực của Nhà nước có được là xuất phát từ quyền lực của nhân dân trao cho mà có. Hiến pháp là văn bản chính trị - pháp lý tạo nền tảng vững chắc, thiết kế một xã hội dân chủ, ổn định và phát triển. Vì thế, Hiến pháp phải được kết tinh đầy đủ ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của toàn thể nhân dân. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục tổ chức lấy ý kiến sâu rộng, thực chất trong mọi tầng lớp nhân dân. Từ cơ quan, tổ chức đến cá nhân công dân mọi người đều có quyền và trách nhiệm đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; đại biểu HĐND là những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân có quyền và trách nhiệm đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Với mục đích, yêu cầu và ý nghĩa cao cả đó, tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh và các vị đại biểu tham dự kỳ họp hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, dân chủ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng vào tất cả các chương, điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã công bố".
Không khí thảo luận tại kỳ họp sôi nổi, nghiêm túc. Các đại biểu thể hiện thống nhất quan điểm về đường lối chỉ đạo của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Quốc hội và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến thảo luận cơ bản thống nhất với bố cục, nội dung cốt lõi của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, song, cũng đã đóng góp nhiều nội dung vào hầu hết các chương điểu của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ngoài các ý kiến thảo luận trực tiếp tại kỳ họp, nhiều đại biểu HĐND đã chuẩn bị nội dung đóng góp ý kiến bằng văn bản.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu HĐND và đại biểu tham dự kỳ họp, đã có sự nghiên cứu, chuẩn bị, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu thưký kỳ họp và Văn phòng HĐND tập hợp đầy đủ, khách quan các ý kiến đóng góp của đại biểu để tổng hợp chung (toàn tỉnh), báo cáo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đúng tiến độ theo theo kế hoạch.
Lưỡng Mỹ Quốc