Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thông báo tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khoá XV, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp có liên quan, tập trung giải quyết những vấn đề cử tri đã kiến nghị, kết quả thực hiện nh¬ư sau:

1. Về kiến nghị có chính sách hỗ trợ sản xuất và đời sống nhân dân các xã vùng ngập nước lòng hồ sông Mực và vùng trũng Vườn quốc gia Bến En

Hồ sông Mực có nhiệm vụ tích nước phục vụ phát triển sản xuất và cắt giảm lũ cho vùng hạ du. Theo thiết kế, mực nước gia cường của hồ là cos 37,7m, khi nước dâng cao đến cos này thì có 285 ha đất ở và đất sản xuất của 3 xã: Xuân Thái (Như Thanh), Tân Bình và Bình Lương (Như Xuân) thuộc khu vực lòng hồ và vùng trũng Vườn quốc gia Bến En bị ngập, với 659 hộ, 22.964 khẩu bị ảnh hưởng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vùng ngập nước lòng hồ sông Mực và vùng trũng Vườn quốc gia Bến En phát triển sản xuất, ổn định đời sống, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu Chi cục Phát triển nông thôn lập Dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng ngập hồ sông Mực giai đoạn 2010 - 2015. Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ di dân tái định cư, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và thực hiện các giải pháp bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân, với tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ là 54.401 triệu đồng. Hiện nay, Dự án đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện trong năm 2010.

2. Tình hình thực hiện khu bảo tồn rừng sến Tam Quy, huyện Hà Trung

Rừng sến Tam Quy, huyện Hà Trung, có diện tích 349 ha, là rừng sến tự nhiên duy nhất còn lại ở nước ta. Để bảo tồn và phát triển, năm 2001, UBND tỉnh đã chỉ đạo Lâm trường Hà Trung (nay là BQL rừng phòng hộ và rừng đặc dụng Hà Trung) xây dựng Dự án khu bảo tồn thiên nhiên rừng sến Tam Quy, với mục tiêu là bảo vệ bằng được diện tích rừng sến hiện còn, nghiên cứu, thực nghiệm một số mô hình nhằm duy trì, mở rộng thêm diện tích khu bảo tồn rừng sến.

Thực hiện Dự án nêu trên, Ban quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng Hà Trung đã thực hiện nhiều biện pháp bảo tồn và phát triển như: nghiên cứu, tuyển chọn các hạt giống sến gốc để gieo ươm và trồng bổ sung, tăng mật độ rừng sến; tập trung đầu tư hệ thống đường nhựa, đường tuần tra, đường điện và trạm biến áp, hàng rào xanh bảo vệ rừng sến. Đến nay, rừng sến đã được phục hồi xanh tốt; các loài chim, thú từng bước được bảo vệ và phát triển; ý thức tự giác của cộng đồng dân cư trong tự quản, bảo vệ rừng được nâng lên.

3. Về quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong KKT Nghi Sơn

Trên cơ sở quy hoạch chung, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý KKT Nghi Sơn, phối hợp với sở Xây dựng tiến hành lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến nay, đã phê duyệt và công bố công khai quy hoạch chi tiết các khu chức năng, bao gồm: các khu công nghiệp số 1, số 2, số 3, với diện tích 635 ha; khu công nghiệp luyện kim (xã Hải Thượng): 474 ha; khu công nghiệp nhiệt điện Nghi Sơn: 255 ha; khu trung tâm dịch vụ công cộng (xã Hải Thượng): 38,7 ha; cảng khu vực vịnh phía Nam đảo Biện Sơn (thuộc các xã Nghi Sơn, Hải Thượng, Hải Hà): 922 ha; khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn: 100 ha; khu nghĩa trang nhân dân (xã Nguyên Bình): 51 ha; các khu tái định cư: Mai Lâm, Tĩnh Hải, Xuân Lâm- Nguyên Bình, Hải Hà, Trúc Lâm, với diện tích 412 ha.

Các khu chức năng còn lại (bao gồm: KCN số 4, số 5; KCN sản xuất và lắp ráp linh kiện cơ khí, thuộc xã Mai Lâm; KCN phía Tây QL 1A, thuộc xã Phú Lâm; khu đô thị số 3; khu đô thị trung tâm; khu dịch vụ thương mại và điểm dừng đỗ xe, thuộc xã Tùng Lâm; khu du lịch sinh thái Trường Lâm, sông Bạng; các khu dân cư: Tùng Lâm, Trường Lâm, Tân Trường; khu xử lý chất thải rắn Trường Lâm; các khu nghĩa trang: Mai Lâm, Tĩnh Hải, Hải Hà, Hải Yến, Hải Thượng), UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để trình duyệt theo kế hoạch.

4. Về tiến độ đầu tư công trình điện cho 7 xã của huyện Quan Hoá chưa có điện lưới quốc gia

Công trình điện lưới quốc gia của 7 xã, huyện Quan Hoá, gồm: Thanh Xuân, Phú Xuân, Phú Sơn, Phú Thanh, Trung Thành, Thành Sơn và Trung Sơn, được đầu tư theo Dự án năng lượng nông thôn II (RE.II), vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo quy định của WB, dự án được chia làm 2 phần; Ban quản lý dự án RE.II của tỉnh chịu trách nhiệm đầu tư phần hạ thế; Công ty Điện lực I chịu trách nhiệm đầu tư phần trung thế (trạm biến áp và đường dây cao thế).

Đến hết năm 2008, đã hoàn thành việc đầu tư phần hạ thế, song, nhân dân của 7 xã nêu trên vẫn chưa được dùng điện lưới quốc gia, do phần trung thế đầu tư chưa hoàn thành. Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã trực tiếp nhiều lần làm việc với Công ty Điện lực I để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, khẩn trương hoàn thành phần trung áp để đấu nối với lưới điện hạ thế đã được đầu tư. Do chỉ đạo quyết liệt, đến nay công trình lưới điện trung áp đã cơ bản hoàn thành, Điện lực Thanh Hoá cam kết sẽ đóng điện vào cuối năm 2009.

5. Về tình hình đầu tư xây dựng đập Lèn

Trước tình hình nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào nội địa, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân các huyện ven biển. Để bảo đảm ngăn mặn, giữ ngọt, chủ động nguồn nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT lập dự án đầu tư xây dựng đập Lèn, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hoá và Nga Sơn. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ đưa công trình đập Lèn vào danh mục dự án ưu tiên sử dụng vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc.

Trong khi dự án chưa triển khai, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Hậu Lộc lập dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu, thau chua rửa mặn và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các xã ven biển, bảo đảm phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Hiện nay, dự án đang khẩn trương hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện.

6. Về tiến độ đầu tư xây dựng công trình hồ Phượng Xuân, Như Thanh

Công trình hồ Phượng Xuân, huyện Như Thanh được UBND tỉnh quyết định đầu tư từ tháng 10/2006, với tổng mức đầu tư hơn 8,7 tỷ đồng. Theo hợp đồng ký kết giữa Sở Nông nghiệp và PTNT (chủ đầu tư) với nhà thầu thi công, đến ngày 10/5/2008, công trình phải hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hết năm 2008, dự án mới hoàn thành toàn bộ công trình đầu mối (gồm các hạng mục: Đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước, ngầm qua tràn, cầu dân dụng, nhà quản lý) và 220 m kênh chính; các hạng mục còn lại của công trình gồm 1.908m kênh chính và các kênh nhánh chưa thi công, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của công trình. Tồn tại trên có nguyên nhân do khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng, song nguyên nhân chủ yếu là do nhà thầu thiếu kinh nghiệm, yếu về năng lực, không thực hiện đúng cam kết hợp đồng đã ký kết.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại, sớm đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đồng bộ công trình, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành thanh lý hợp đồng với nhà thầu và bàn giao các hạng mục hoàn thành cho UBND huyện Như Thanh quản lý, sử dụng; đồng thời xác định khối lượng còn lại, lập gói thầu mới và lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực để tiếp tục thi công. Hiện nay, sở Nông nghiệp và PTNT đã lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu của dự và đang hoàn thiện thủ tục để thi công các hạng mục còn lại, bảo đảm hoàn thành công trình trong năm 2009.

7. Về việc đầu tư nâng cấp Quốc lộ 47, đoạn thành phố Thanh Hoá - thị xã Sầm Sơn

Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 47, đoạn thành phố Thanh Hoá - thị xã Sầm Sơn, dài 15 km, có tổng mức đầu tư 728 tỷ đồng, do Bộ Giao thông - Vận tải quyết định đầu tư. Dự án được đầu tư xây dựng với quy mô đường hai chiều: nền đường rộng 26m, mặt đường rộng 18m, giải phân cách giữa rộng 4m, vỉa hè mỗi bên rộng 4m. Dự án đang hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ để khởi công xây dựng vào ngày 21 tháng 12 năm 2009.

8. Về đầu tư nâng cấp tuyến đường Cầu Trầu–Nưa và đường Nưa–Sim

- Tuyến đường Cầu Trầu – Nưa, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đi lại của nhân dân trong vùng, UBND tỉnh đã quyết định bổ sung tuyến đường này vào danh mục công trình chuẩn bị đầu tư năm 2009. Hiện nay, Sở Giao thông - Vận tảiđang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để triển khai thực hiện.

- Tuyến đường Nưa - Sim đã được chấp thuận đầu tư bằng nguồn vốn ADB. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải yêu cầu Ban QLDA giao thông III và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để triển khai xây dựng trong tháng 12 năm 2009.

9. Về đầu tư xây dựng tuyến đường Xuân Lam, Xuân Vinh - Thọ Xuân đi Vạn Hà, huyện Thiệu Hoá

- Tuyến đường trên bao gồm 2 đoạn. Đoạn đi qua huyện Thọ Xuân, dài 22 km, được đầu tư theo hình thức ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần, phần còn lại do UBND huyện Thọ Xuân tự huy động bằng các nguồn vốn hợp pháp để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn, nên UBND huyện Thọ Xuân mới đầu tư xây dựng đoạn Xuân Lam – Xuân Thiên, dài 6 km. Đoạn còn lại (16 km), UBND tỉnh đã làm việc với Ngân hàng phát triển Châu Á đề nghị đưa vào danh mục Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp miền Trung tỉnh Thanh Hoá. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT (chủ đầu tư) và UBND huyện Thọ Xuân khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để triển khai xây dựng.

- Đoạn đi qua huyện Thiệu Hoá, dài 12 km, được đầu tư bằng nguồn vốn JIBIC, UBND tỉnh đang chỉ đạo UBND huyện Thiệu Hoá khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để khởi công xây dựng trong năm 2009.

10. Về tình hình và tiến độ xây dựng cầu treo Chiềng, xã Phú Sơn, huyện Quan Hoá

Cầu treo Chiềng, bắc qua sông Mã, thuộc Quốc lộ 15A, đi xã Phú Sơn, huyện Quan Hoá. Ngày 28/5/2008, trong quá trình thi công, cầu treo Chiềng bị sự cố tụt cáp neo, dẫn đến phải tạm dừng. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải (chủ đầu tư) và các đơn vị chức năng làm rõ nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm, khẩn trương khắc phục sự cố để tiếp tục thi công công trình. Tuy nhiên, quá trình xây dựng cầu treo Chiềng gặp khó khăn, bất cập, do phát sinh dự án đầu tư xây dựng thuỷ điện Hồi Xuân. Theo tính toán, cầu treo Chiềng thuộc khu vực lòng hồ thuỷ điện và sẽ ngập sâu trong nước khoảng 2m, khi hồ thuỷ điện Hồi Xuân tích nước. Theo đề nghị của C.ty thuỷ điện Hồi Xuân, UBND tỉnh đã đồng ý cho C.ty lập phương án đầu tư xây dựng cầu mới thay thế cầu treo Chiềng cũ để tránh ngập nước và hoàn thành trong tháng 9 năm 2009. Song, do khủng hoảng tài chính do đó C.ty đề nghị cho phép đầu tư vào năm 2011.

Trong khi dự án chưa triển khai, để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải khắc phục sự cố tiếp tục xây dựng cầu treo Chiềng theo thiết kế được duyệt. Hiện nay, dự án đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II năm 2010.

11. Về việc đầu tư xây dựng nhà bán trú dân nuôi cấp trung học cơ sở các xã Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung, Pù Nhi, huyện Mường Lát

Những năm qua, tỉnh ta đã đầu tư xây dựng nhà bán trú dân nuôi cấp THCS cho 15 xã ở các huyện miền núi, trong đó, có xã Mường Lý và xã Tam Chung của huyện Mường Lát, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi và vùng khó khăn.

Để tiếp tục đầu tư xây dựng nhà bán trú dân nuôi cấp THCS cho các xã Trung Lý, Pù Nhi, huyện Mường Lát và các xã nghèo thuộc 7 huyện nghèo của tỉnh, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ bố trí vốn từ nguồn Trung ương hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, góp phần giúp cho con em đồng bào các dân tộc có điều kiện học tập tốt hơn.

12. Tình hình và giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do chất thải của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoá Quỳ, Như Xuân; Nhà máy bia Nghi Sơn và Hợp tác xã chế biến bột cá Đại Hải, huyện Tĩnh Gia

- Yếu tố gây ô nhiễm môi trường ở Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoá Quỳ, Như Xuân chủ yếu là nước thải và khí thải. Do dung tích các hồ xử lý nước thải không đáp ứng yêu cầu, nên Nhà máy đã thải ra môi trường lượng nước chưa được xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, bình quân mỗi ngày Nhà máy đã thải ra từ 60 - 70 tấn bã sắn; số bã này không được phun thuốc vi sinh để khử mùi, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ và đời sống của nhân dân khu vực xung quanh.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Như Thanh và UBND xã Hoá Quỳ, kiểm tra, yêu cầu Nhà máy tiến hành nạo vét, cải tạo các hồ chứa hiện có, đầu tư xây dựng thêm hồ chứa mới, bảo đảm đủ khả năng xử lý hết lượng nước thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra môi trường; đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý triệt để lượng bã sắn thải ra. Đến nay, Nhà máy đã thực hiện việc nạo vét, cải tạo, nâng dung tích các hồ chứa hiện có, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý lượng bã sắn thải ra hàng ngày.

- Nhà máy bia Nghi Sơn thuộc Công ty cổ phần bia Thanh Hoá xây dựng tại xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia. Sau gần 2 năm đi vào sản xuất, Nhà máy chưa xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xả nước thải theo quy định; nước thải sản xuất của Nhà máy khoảng 200 m3/ngày đêm chưa được xử lý, thải trực tiếp ra sông Nhà Lê, gây ô nhiễm môi trường nước và các xã xung quanh.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã nghiêm cấm Nhà máy xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường; đồng thời yêu cầu Nhà máy khẩn trương đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý môi trường khi sản xuất; theo cam kết của Nhà máy, dự kiến cuối tháng 12/2009, hệ thống xử lý nước thải sẽ hoàn chỉnh, đi vào hoạt động.

- Hợp tác xã Đại Hải thuộc xã Phú Lâm, huyện Tĩnh Gia, có công suất thiết kế 15 tấn cá tươi/ngày (tương đương khoảng 3 tấn bột cá/ngày). Hiện nay, năng lực sản xuất của Hợp tác xã mới đạt 50% công suất thiết kế. Quá trình hoạt động sản xuất, Xưởng chế biến bột cá của Hợp tác xã đã thải ra lượng nước thải và khí thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã yêu cầu Hợp tác xã phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Năm 2008, Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải và thu gom khí thải qua tháp hấp thụ và hệ thống Xyclon màng nước; đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy trình bể tự hoại và hồ sinh học. Tuy nhiên, lượng chất thải ra môi trường nước và môi trường không khí chưa được xử lý triệt để; theo kết quả quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, tại thời điểm tháng 8/2009, một số chỉ tiêu trong môi trường không khí như H2S, NH3, trong môi trường nước như BOD5, COD, SS, tổng N và Coliform còn vượt tiêu chuẩn cho phép.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, yêu cầu Hợp tác xã chế biến bột cá Đại Hải tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường, bảo đảm hoàn thành trong năm 2009; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, buộc Hợp tác xã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải theo quy định. Hiện nay, Hợp tác xã đang tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải bảo đảm đạt tiêu chuẩn, trước khi thải ra môi trường.

13. Báo cáo tình hình các xã Tam Chung và Trung Lý, huyện Mường Lát không được áp dụng mức phụ cấp đặc biệt

Hiện tại, xã Tam Chung, Mường Lý, Trung Lý và thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát đang được hưởng chế độ phụ cấp khu vực, hệ số 0,5, nhưng không thuộc địa bàn được hưởng phụ cấp đặc biệt mức 30% theo Thông tư số 09/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ; các xã Mường Chanh, Tén Tần, Pù Nhi, Quang Chiểu được hưởng chế độ phụ cấp khu vực, hệ số 0,7; các xã Tén Tần, Quang Chiểu, Pù Nhi được hưởng phụ cấp đặc biệt mức 30%.

Theo kiến nghị của cử tri huyện mường Lát, UBND tỉnh đã có văn bản số 1064/UBND-MN ngày 19/3/2008 đề nghị Bộ Nội vụ cho 4 xã: Mường Chanh, Mường Lý, Tam Chung và Trung Lý, được hưởng phụ cấp đặc biệt mức 30% và điều chỉnh hệ số phụ cấp khu vực của các xã: Mường Lý, Tam Chung và Trung Lý đang hưởng từ 0,5 lên 0,7. Tuy nhiên, qua xem xét, Bộ Nội vụ đã có văn bản số 1446/BNV-TL ngày 19/5/2008 đồng ý bổ sung phụ cấp đặc biệt mức 30% đối với xã Mường Chanh, không bổ sung phụ cấp đặc biệt đối với 3 xã: Mường Lý, Tam Chung và Trung Lý, đồng thời giữ nguyên mức phụ cấp khu vực hiện hưởng của 3 xã này để đảm bảo tương quan với địa bàn xung quanh.

(Trích từ Báo cáo số 78/BC-UBND ngày 07/12/2009 của UBND tỉnh Thanh Hóa).


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
542 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 4.185.515
Trong năm: 1.349.506
Trong tháng: 144.449
Trong tuần: 30.926
Trong ngày: 1.804
Online: 77