Thực hiện chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2013, ngày 15 tháng 4 năm 2013, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh do ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban chủ trì, đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các nội dung: Xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch, thực hiện quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; sửa đổi chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; tiến độ triển khai các công trình văn hóa trọng điểm; công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đại diện Thường trực HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu QH và HĐND tỉnh, Sở Xây dựng tham dự buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Ban đã nghe lãnh đạo Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch báo cáo việc xây
dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch, thực hiện quy hoạch phát triển du lịch trên
địa bàn tỉnh đến năm 2020; việc sửa đổi chính sách khuyến khích xã hội hóa các
hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; tiến độ triển khai các công trình văn
hóa trọng điểm; công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc trên địa
bàn tỉnh. Báo cáo đã nêu rõ trong những năm qua, toàn tỉnh đã có 24 quy hoạch
du lịch được lập, trong đó có 21 quy hoạch du lịch đã được phê duyệt như: Thành
Nhà Hồ- Vĩnh Lộc, Hàm Rồng - thành phố Thanh Hóa, Quảng Cư, Trường Lệ - thị xã
Sầm Sơn, Hải Tiến - Hoằng Hóa, Nam Sầm Sơn - Quảng Xương, Hải Hòa - Tĩnh Gia...Trên
cơ sở quy hoạch được duyệt, giai đoạn 2007 - 2012 có trên 30 dự án đầu tư cơ sở
hạ tầng du lịch đã và đang được triển khai (chủ yếu đầu tư hệ thống đường giao
thông) với tổng dự toán gần 600 tỷ đồng, đã giải ngân trên 300 tỷ đồng; thu hút
56 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đăng ký trên 16.000 tỷ đồng,
trong đó có những dự án sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mang tầm quốc
gia khu vực và quốc tế như: Dự án tổ hợp khách sạn cao cấp Vạn Chài, dự án Khu
du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Linh Trường, dự án Khu du lịch sinh thái Quảng
Cư, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng biển Hải Hòa, dự án nuôi trai lấy ngọc kết hợp
du lịch sinh thái ở Bến En...Các quy hoạch phát triển du lịch sau khi được phê
duyệt đều được công bố rộng rãi để các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai
thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch.
Quá
trình triển khai việc xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch, thực hiện quy
hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả ban đầu,
tuy nhiên vẫn còn một số bất cập như: Chất lượng không ít quy hoạch còn hạn
chế, chưa thực sự bám sát nhu cầu và xu hướng thị trường, công tác phối hợp
giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành, các ngành và chính quyền các cấp thiếu
đồng bộ, công tác kiểm tra thực hiện các quy hoạch chưa cụ thể; việc thu hút
các nhà đầu tư vào các dự án du lịch còn chậm, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng
phục vụ cho phát triển du lịch nhất là đầu tư để trùng tu, tôn tạo, bảo vệ các
di tích danh thắng tiến độ thực hiện chậm, thiếu điểm vui chơi giải trí, thiếu
các điểm du lịch đặc thù tạo sự hấp dẫn cho du khách, sản phẩm du lịch còn
nghèo nàn đơn điệu, chưa thỏa mãn được nhu cầu của khách; việc phát triển nguồn
nhân lực phục vụ phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức; thiếu vốn đầu
tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, khu tái định cư; việc kiểm
tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức,
cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, hầu hết các khu du lịch khi được phê duyệt
quy hoạch đều không có Ban quản lý để thực hiện việc quản lý, giám sát theo quy
hoạch, một số dự án kinh doanh du lịch triển khai chưa bám sát nội dung quy
hoạch. Cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển du lịch chậm
được ban hành ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút các nguồn vốn đầu tư vào
phát triển du lịch.
Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể
thao phát triển không đều ở các vùng miền và các lĩnh vực. Việc huy động nguồn
lực trong nhân dân cho hoạt động văn hóa còn hạn chế; Công tác bảo vệ, tu bổ,
phục hồi và phát huy giá trị di tích của tỉnh trong nhiều năm qua đã có nhiều
chuyển biến tích cực. Từ năm 2011-2013 tổng số vốn đầu tư từ chương trình mục
tiêu Quốc gia về văn hóa, vốn hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án bảo quản, tu bổ,
phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh là 32,12 tỷ đồng. Mỗi năm tỉnh dành một phần
nguồn ngân sách để đầu tư cho các công trình nhằm chống xuống cấp di tích; các
nguồn vốn xã hội đầu tư vào lĩnh vực bảo tồn di tích ngày càng nhiều hơn...
Tại
buổi làm việc, các đại biểu đã cùng trao đổi, làm rõ một số nội dung như: du
lịch Thanh Hóa chưa phát triển tương xứng và lợi thế với tiềm năng, vấn đề đào
tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch; việc sửa đổi cơ chế, chính sách để
thực sự khuyến khích sự quan tâm của toàn xã hội vào việc phát triển các hoạt
động văn hóa, thể thao và du lịch; tiến độ thi công các công trình trọng điểm
còn chậm...Ông Nguyễn Anh Tuấn, PhóTrưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND
tỉnh thay mặt Ban đề nghị lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu
tiếp thu ý kiến của các đại biểu, phát huy những kết quả đạt được, khắc phục
những tồn tại hạn chế. Những đề xuất kiến nghị của ngành, Ban sẽ tập hợp báo
cáo trình tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVI sắp tới ./.
Lê Thu Hà