Thực hiện kế hoạch khảo sát việc chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh và tiếp tục thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, sáng ngày 24 tháng 4 năm 2013 đoàn khảo sát của Ban Kinh tế và Ngân sách do đồng chí Phùng Bá Văn Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường. Đoàn khảo sát đã tập trung làm rõ các nội dung sau: Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng; việc thực hiện các cơ chế, chính sách về đất đai để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; việc cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết công việc cho tổ chức và cá nhân; các giải pháp để rút ngắn thời gian trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với tổ chức và công dân.

ktns_25_4_20132.jpg

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2012 và từ đầu năm đến ngày 15/4/2013, Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất tổng số 199 hồ sơ, trong đógiao đất 87 tổ chức, tổng diện tích131,75 ha; cho thuê đất 112 tổ chức, diện tích 216,39 ha; giải quyết đúng thời hạn là 194 hồ sơ; giải quyết chậm là 05 hồ sơ.

Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được ngành tài nguyên và môi trường, chính quyền cấp huyện, cấp xã quan tâm đẩy mạnh. Tỷ lệ cấp giấy đối với đất nông nghiệp, đất ở đạt khá cao, đã tạo điều kiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền của mình, làm cơ sở cho việc quản lý nhà nước về đất đai, tài sản theo quy định của pháp luật. Công tác đo đạc bản đồ gắn với đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được chỉ đạo chặt chẽ. Đến ngày 15/3/2013 trên địa bàn toàn tỉnh tổng diện tích đất ở đã cấp giấy CNQSD là 47.368,55 ha, đạt 88,81%; tổng diện tích đất nông nghiệp đã cấp giấy CNQSD lần đầu 173.592,65 ha, đạt 87,11%; tổng diện tích đất lâm nghiệp đã cấp giấy CNQSD là 439.802,82 ha, đạt 93,79%; đất của các tổ chức đã cấp giấy CNQSD là 98.449,16 ha đạt 71,95%.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các chính sách pháp luật về đất đai cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm, một số quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành chất lượng còn thấp, tầm nhìn hạn chế; công tác quản lý quy hoạch thiếu nhất quán. Việc điều chỉnh quy hoạch còn diễn ra thường xuyên, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Công tác quản lý bản đồ, hồ sơ địa chính tại cấp cơ sở còn yếu kém, nhiều xã, phường, thị trấn không thường xuyên cập nhật, chỉnh lý biến động về diện tích, loại đất, chủ sử dụng đất kịp thời; tại nhiều xã, phường, thị trấn do cán bộ địa chính thay đổi, hồ sơ địa chính mất mát, thất lạc, gây khó khăn cho công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định nguồn gốc đất để phục vụ công tác thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng.

Một số nơi chính quyền cấp xã, cấp huyện chưa thường xuyên cập nhật, thực hiện đúng quy định về trình tự thủ tục mới đã được ban hành, vẫn còn theo các trình tự thủ tục cũ không còn phù hợp; chưa thực hiện tốt việc tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân để dân biết, thực hiện; chưa thường xuyên theo dõi cập nhật những quy định mới của pháp luật để rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những thủ tục không còn phù hợp với quy định.

Một số nơi nhận thức của cấp ủy, chính quyền về công tác quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn chưa đầy đủ, còn coi đó là việc của cấp tỉnh vì các đối tượng này thuộc thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của cấp tỉnh; chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức hoàn thiện các thủ tục về đất đai để được giao đất, thuê đất. Một bộ phận cán bộ công chức trong hệ thống quản lý Nhà nước về đất đai vừa yếu về nghiệp vụ chuyên môn, vừa thiếu tinh thần trách nhiệm, còn hiện tượng sách nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ được giao. Một bộ phận nhỏ người sử dụng đất do thiếu hiểu biết hoặc bị lợi dụng nên chưa chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định của pháp luật đất đai, đặc biệt trong việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, còn đưa ra nhiều yêu sách trái quy định pháp luật.

Chiều cùng ngày Ban Kinh tế và Ngân sách đã làm việc với Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thanh Hóa về việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các doanh nghiệp, về kết quả huy động vốn, dư nợ cho vay, cơ cấu nguồn vốn, chất lượng tín dụng, lãi xuất huy động, lãi xuất cho vay đến 15/4/2013; tốc độ tăng trưởng tín dụng quý I/2013; chính sách ưu tiên vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh năm 2013; tình hình tiếp cận vốn ngân hàng của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh; các giải pháp của ngân hàng nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn vay được thuận lợi; đồng chí Lê Thị Thìn Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh tham gia buổi làm việc.

Theo báo cáo của ngân hàng dự ước đến 30/4/2013, tổng dư nợ trên địa bàn đạt 40.898 tỷ đồng, tăng 806 tỷ đồng (tăng 2%) so với đầu năm; tăng 4.523 tỷ đồng (tăng 12,4%) so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 49%, dư nợ trung - dài hạn chiếm 51% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay bằng VND chiếm 95% tổng dư nợ, dư nợ cho vay bằng ngoại tệ chiếm 5% tổng dư nợ. Theo báo cáo của các Chi nhánh ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn, đến 31/01/2013, có 3.067 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, với dư nợ 19.661 tỷ đồng, nợ xấu 1.153 tỷ đồng. Đến 28/02/2013, có 2.967 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, với dư nợ 19.371 tỷ đồng, nợ xấu 1.191 tỷ đồng. Đến cuối tháng 3/2013 có 3.030 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, với dư nợ 19.220 tỷ đồng, nợ xấu 1.121 tỷ đồng. Ngành ngân hàng trên địa bàn đã tập trung cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các đối tượng ưu tiên và thực hiện giảm lãi suất cho vay theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước. Tính đến 31/3/2013, các Chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn đã xem xét 44.249 hồ sơ xin vay vốn, trong đó cho vay 2.438 hồ sơ của doanh nghiệp, 41.560 hồ sơ của hộ sản xuất và cá nhân; 251 hồ sơ không cho vay do không đủ điều kiện.

Dư nợ cho vay 5 đối tượng thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phục vụ sản xuất kinh doanh công nghệ cao trên địa bàn theo Thông tư 09 đạt 17.938 tỷ đồng, chiếm 59,6%/ tổng dư nợ (không bao gồm dư nợ của Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội, hệ thống quỹ tín dụng cơ sở, Tổ chức tài chính quy mô nhỏ). Trong đó, cho vay lĩnh vực nông nghiệp đạt 11.005 tỷ đồng, chiếm 36,6%; cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 311 tỷ đồng, chiếm 1%; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 6.509 tỷ đồng, chiếm 21,6% và cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 113 tỷ, chiếm 0,4% tổng dư nợ.

Điều chỉnh giảm lãi suất cho 107.174 khách hàng, với dư nợ 16.410 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 452 khách hàng, với dư nợ 2.204 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho 303 khách hàng, với số tiền 6.951 triệu đồng.

Về nguyên nhân doanh nghiệp gặp khó khăn, khó tiếp cận vốn ngân hàng do các nguyên nhân chính sau: Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp rất yếu vì cả đầu tư và tiêu dùng đều thấp. Một số ngành sản xuất khó khăn, hàng tồn kho nhiều, tổng cầu giảm. Bên cạnh đó, trường hợp tồn kho chờ tiêu thụ do kỳ vọng vào giá, tạm trữ chờ tiêu thụ, do mùa vụ...Nhiều khách hàng, dù có nhu cầu nhưng không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn nên ngân hàng không thể cho vay được. Mặc dù, đã có cơ chế chính sách điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ của Ngân hàng nhà nước nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được Ngân hàng thương mại thực hiện vì còn phải căn cứ vào khả năng trả nợ của người vay. Bên cạnh nợ xấu phát sinh thì tài sản đảm bảo tiền vay cũng biến động, giá giảm, khó tiêu thụ hay khó bán, trường hợp ngân hàng có xiết nợ, phát mại thì bán cũng không có ai mua, hay giá bán rất thấp. Các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp đầu cơ, nay hàng tồn kho lớn; hoặc một số doanh nghiệp đầu tư quá lớn vào bất động sản. Nhìn chung, các doanh nghiệp này không thể cơ cấu lại được, hay trước đây họ không gắn với sản xuất, chỉ làm dịch vụ, trung gian.

Tại các buổi làm việc, các thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách, các đồng chí trong Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh đã phát biểu nhiều ý kiến, trao đi đổi lại, làm rõ các vấn đề mà đoàn quan tâm.

Kết luận các buổi làm việc, đồng chí Phùng Bá Văn Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa cho buổi làm việc; tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa, xây dựng báo cáo trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

 Lê Quốc Thành


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
542 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 4.209.154
Trong năm: 1.361.419
Trong tháng: 132.789
Trong tuần: 26.632
Trong ngày: 3.662
Online: 93