Tiếp tục giám sát việc xây dựng quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, ngày 05/6/2013 Ban Văn Hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã làm việc với UBND huyện Cẩm Thuỷ và UBND huyện Vĩnh Lộc. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh chủ trì các buổi làm việc. Cùng tham dự có đại diện một số sở, đơn vị liên quan và đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

vhxh_ct_10_6_20131.JPG

Trong buổi sáng, sau khi trực tiếp khảo sát công tác xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch của Khu Du lịch suối cá Cẩm Lương, Ban Văn hóa - Xã hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Cẩm Thuỷ. Theo báo cáo của UBND huyện, thực hiện quyết định số 2182/QĐ-UBND ngày 07/7/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về việc phê duyệt chương trình du lịch tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2011-2015, huyện đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch từ năm 2011-2015 định hướng đến năm 2020. Hình thành một số tuyến du lịch trong huyện và kết nối với các tuyến du lịch trong tỉnh như: Cửa Hà - Suối Cá (Cẩm Lương) - Làng Dùng (Cẩm Liên) - Chùa Rồng - Chùa Chặng, gắn với tuyến du lịch Sầm Sơn - Thành Nhà Hồ - Suối Cá - Lam Kinh. Quy hoạch du lịch suối cá Cẩm Lương theo quyết định 292/QĐ-UBND ngày 03/2/2004 của Chủ tịch UBND tỉnh với diện tích quy hoạch 20ha gồm các khu chức năng: khu dịch vụ công cộng, khu nhà nghỉ, khu cắm trại, khu ẩm thực, khu cây xanh công viên, khu vườn thủ tộc, khu nhà Mường, khu tổ chức lễ hội thể thao, khu dân cư, khu cây xanh cách ly, bãi đỗ xe...Trên nền quy hoạch được phê duyệt huyện đã tổ chức quản lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Không gian kiến trúc cảnh quan môi trường không bị phá vỡ, có 19 hộ dân trong vùng quy hoạch đã ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện quy hoạch, bảo vệ tài nguyên du lịch của địa phương, không xây dựng các công trình kiên cố. Đến nay, về cơ bản khu vực suối cá và hang động vẫn được bảo vệ và giữ gìn nguyên trạng; vệ sinh môi trường, xử lý thu gom rác thải được chú ý quan tâm và thực hiện nghiêm túc; Số lượng khách đến tham quan ngày một đông tỷ lệ bình quân đạt31,4%/năm. Công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông phục vụ du lịch tiếp tục được quan tâm như Cầu cứng Cẩm Lương, đường Hang Bò. Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc quản lý quy hoạch, vẫn còn những tồn tại hạn chế như: Quy hoạch khu du lịch suối cá Cẩm Lương20ha đã được phê duyệt từ năm 2004 đến nay vẫn chưa được tổ chức thực hiện; diện tích quy hoạch hạn chế nên khó thu hút được các nhà đầu tư lớn để phát triển du lịch; tình trạng các hộ dân xây dựng lều quán tạm làm cho không gian khu trung tâm trở nên trật hẹp; dịch vụ phục vụ khách du lịch còn nghèo nàn, kém hấp dẫn; hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch theo quy hoạch, vẫn còn nhiều hạng mục chưa được đầu tư, xây dựng...

vhxh_vl_10_6_20131.JPG

Buổi chiều cùng ngày, các thành viên đoàn công tác đã nghe lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Lộc báo cáo việc xây dựng quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Trong những năm qua, Vĩnh Lộc đang từng bước trở thành địa bàn phát triển du lịch của tỉnh, với 61 di tích được xếp hạng, trong đó có 14 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và đặc biệt là di sản văn hoá thế giới Thành Nhà Hồ. Nhiều điểm di tích và danh thắng thu hút nhiều khách đến tham quan như Thắng tích Kim Sơn, quần thể di tích động Hồ Công, chùa Giáng, Phủ Trịnh... trên địa bàn huyện hiện còn lưu giữ 29 di sản văn hoá phi vật thể thuộc 6 loại hình và 4 lễ hội truyền thống, nhìn chung các lễ hội đều gắn với các di tích và lưu giữ được các di sản phi vật thể. Công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ du lịch được quan tâm, hệ thống đường giao thông dẫn đến các di tích trọng điểm, số lượng nhà hàng, nhà nghỉ đã được các doanh nghiệp cá nhân đầu tư xây dựng chiếm 2.31% so với toàn tỉnh. Hệ thống giao thông đường bộ có quốc lộ 45 và quốc lộ 217, giao thông liên xã, liên thôn cũng được mở mang, toàn huyện có 285 km đường xe cơ giới đã được rải nhựa hoặc bê tông hoá. Trên địa bàn huyện có 2 tuyến sông: sông Bưởi và sông Mã tạo cho huyện có mạng lưới giao thông thuỷ bộ khá hoàn chỉnh, các cầu trên các tuyến giao thông đã được xây dựng tạo thuận lợi cho sự phát triển về kinh tế - xã hội của huyện.

Năm 2011 Thành Nhà Hồ được Unesco công nhận là di sản văn hoá thế giới, có vùng lõi 155.5ha (gồm: Hoàng Thành 142.2ha; La Thành 9.0ha; đàn tế Nam Giao 4.3ha) và vùng đệm rộng 5078.5ha thuộc địa phận hành chính của 8 xã và 1 thị trấn thuộc huyện Vĩnh Lộc. Diện tích của khu vực khoanh vùng di sản Thành Nhà Hồ chiếm 1/3 diện tích tự nhiên của huyện Vĩnh Lộc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật quanh khu di sản đã và đang được đầu tư phát triển như hệ thống giao thông, nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ giải trí.Sau khi được Unesco công nhận là di sản văn hoá thế giới đã thu hút lượng lớn khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu, giá trị của Thành Nhà Hồ được khách tham quan trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn. Riêng năm 2012 thu hút 62.730 lượt khách, khách đến huyện Vĩnh Lộc thường đi theo tour Sầm Sơn - Thành Nhà Hồ - Suối cá Cẩm Lương, góp phần tăng doanh thu ngân sách của tỉnh từ du lịch.

Các thành viên Ban Văn hóa – Xã hội và đại diện các sở ngành có liên quan đã ghi nhận sự nỗ lực của huyện và phân tích làm rõ tầm quan trọng của Khu Du lịch suối cá Cẩm Lương, Khu Du lịch Thành Nhà Hồ cũng như sự quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các huyện Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc và của tỉnh. Đồng thời, nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc đầu tư xây dựng và thực hiện quy hoạch như tại huyện Cẩm Thủy, hoạt động du lịch còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch; công tác tuyên truyền quảng bá du lịch chưa được quan tâm đúng mức, sản phẩm du lịch còn đơn điệu; đội ngũ nhân lực làm du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế cả về chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ; thu hút đầu tư vào các dự án kinh doanh du lịch còn chậm; hoạt động du lịch cộng đồng còn hạn chế... Tại huyện Vĩnh Lộc, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật dịch vụ gắn với việc phát triển du lịch Thành Nhà Hồ phát triển chậm chưa đáp ứng yêu cầu, sản phẩm còn nghèo nàn, hệ thống đường giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế; dịch vụ vui chơi giải trí, ẩm thực còn nghèo nàn nên việc thu hút và giữ chân khách du lịch chưa được như mong muốn. Việc đầu tư cho bảo tồn, nghiên cứu đang dừng lại ở quy mô nhỏ chưa xứng tầm với giá trị di tích; đầu tư phát triển nguồn nhân lực chưa được quan tâm đúng mức...

Thay mặt đoàn công tác, Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện Cẩm Thủy, UBND huyện Vĩnh Lộc, Trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các thành viên đoàn công tác để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Những đề xuất kiến nghị của địa phương, đơn vị, Ban sẽ tập hợp báo cáo trình tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVI ./.

 Lê Thu Hà


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
542 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 4.207.549
Trong năm: 1.361.419
Trong tháng: 132.789
Trong tuần: 26.632
Trong ngày: 2.057
Online: 173