Để chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ bảy Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XVI, chiều ngày 26 tháng 6 năm 2013 Ban kinh tế và ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh đã làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT về tình hình nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2013; về ban hành Quy định về xét công nhận và mức thưởng đối với nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng chí Phùng Bá Văn Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì buổi làm việc; tham gia làm việc có Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tư pháp.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, 6 tháng đầu năm sản xuất
nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp phát triển ổn định và đạt kết
quả tương đối toàn diện. Gía trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá so
sánh năm 1994) ước đạt 3.845 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; trong đó nông
nghiệp tăng 1,4%, lâm nghiệp tăng 14,5%, thủy sản tăng 5,9%.
Sản xuất vụ đông tăng so với cùng kỳ cả về diện tích, năng suất và sản
lương. Diện tích gieo trồng đạt 50.437 ha, tăng 7% so với cùng kỳ, sản lượng
đạt lương thực đạt 78.900 tấn tăng 18% so với cùng kỳ. Diện tích vụ chiêm xuân
đạt 219.034 ha, vượt 3,2% kế hoạch, năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha (giảm 2,3
tạ/ha so với cùng kỳ, do gieo cấy lúa BC15), sản lượng 759.432 tấn. Sản xuất vụ
thu mùa đến nay đã cấy 92.123 ha, đạt 70% kế hoạch.
Trồng rừng tập trung đạt 49,5% kế hoạch, diện tích khoanh nuôi tái sinh
và bảo vệ rừng đạt 100% kế hoạch.
Sản xuất thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá, khai thác và nuôi trồng đạt
58.982 tấn đạt 48,3% kế hoạch và tăng 5,1% so với cùng kỳ.
Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến ngày 20/6/2013 có 566 xã đã
phê duyệt đề án xã nông thôn mới. Đến nay có 3 xã đã được công nhận hoàn thành
19 tiêu chí nông thôn mới, 11 xã điểm bình quân đạt 11,8 tiêu chí, bình quân
toàn tỉnh đạt 7,62 tiêu chí, tăng 2,82 tiêu chí so với cùng kỳ.
Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2013 còn một số tồn tại, hạn chế: Chỉ
đạo thiếu quyết liệt và thiếu sự phối hợp giữa các cấp và ngành nông nghiệp nên
để cho nông dân nhiều địa phương gieo cấy 11.174 ha giống lúa BC15, trong đó có
8.048 ha giảm 70% năng suất. Mia đường năm nay tăng cả về diện tích, năng suất
và sản lượng nhưng giá giảm mạnh so với cùng kỳ. Dịch tai xanh xảy ra trên địa
bàn 20 xã ở 8 huyện; dịch lở mồm, long móng xảy ra trên địa bàn 16 xã ở 8
huyện; dịch tụ huyết trùng xảy ra ở 2 xã huyện Thường Xuân; 158 ha tôm nuôi
nhiễm bệnh đốm trắng. Gía thức ăn chăn nuôi tăng, sản phẩm tiêu thụ khó khăn,
giá thực phẩm giảm so với cùng kỳ, nên thu nhập của người chăn nuôi giảm.
Kết thúc buổi
làm việc, đồng chí Phùng Bá Văn Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh
ủy, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh đã đánh giá cao
những cố gắng của ngành nông nghiệp trong thời gian qua; công tác quản lý, chỉ
đạo của ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực; đã kịp thời tham mưu cho tỉnh
trong việc thực hiện các chương trình dự án, thu hút nguồn lực cho lĩnh vực
nông nghiệp. Tuy nhiên trong các tồn tại, hạn chế bên cạnh nguyên nhân khác
quan còn có nguyên nhân chủ quan, việc tham mưu chuyển dịch cơ cấu cây trồng
còn hạn chế; trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân còn bị bắt chẹt cả đầu
vào, đầu ra; việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh còn
chậm.
Về ban hành
Quy định về xét công nhận và mức thưởng đối với nghề truyền thống, làng nghề,
làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Ban kinh tế và ngân sách ghi
nhận các ý kiến của Sở Nông nghiệp và PTNT và sẽ xem xét khi thẩm định tờ trình
của UBND tỉnh.
Các kiến nghị
của Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban tiếp thu đầy đủ và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp
sắp tới.
Lê Quốc Thành