Để chuẩn bị nội dung Báo cáo trình kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh, sáng ngày 03 tháng 7 năm 2013, Ban Văn hóa – Xã hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo một số sở, ngành về tình hình xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh từ năm 2006 đến năm 2012. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Trần Đức Thanh, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

vhxh_4_7_20131.jpg

        Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Viện Quy hoạch và Kiến trúc đã báo cáo việc thực hiện quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh từ năm 2006 đến 2012; nghe UBND thành phố Thanh Hóa báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch phát triển Khu Du lịch Văn hóa Hàm Rồng.

       Tiếp đó, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá thực trạng của công tác xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, công tác lập quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Trình tự, thủ tục lập quy hoạch tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. Nội dung các quy hoạch được lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh và địa phương; phù hợp với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và Thanh Hóa, góp phần khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, thu hút khách du lịch đem lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương.

Qua việc triển khai thực hiện quy hoạch, diện mạo các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh bước đầu được cải thiện về điều kiện hạ tầng kỹ thuật; dịch vụ du lịch, từng bước đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, đa dạng của du khách. Một số chỉ tiêu chủ yếu như: lượng khách, doanh thu, cơ sở lưu trú, lực lượng lao động... cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra. Tổ chức không gian du lịch đã từng bước hình thành rõ nét hơn. Công tác tuyên truyền quảng bá được chú ý quan tâm. Tài nguyên môi trường du lịch được chăm lo bảo vệ, phục vụ cho sự phát triển lâu dài, bền vững. Nhiều di tích, danh lam thắng cảnh của tỉnh ta được xếp hạng cấp quốc gia, đặc biệt Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, bất cập như: Chất lượng một số quy hoạch còn mang tính chủ quan, chưa bám sát nhu cầu và xu hướng thị trường; chưa bảo đảm sự hài hòa về lợi ích như: Khu du lịch Thành Nhà Hồ, Suối Cá Cẩm Lương. Một số quy hoạch không khả thi nên phải điều chỉnh nhiều lần như: Khu du lịch Quảng Cư, Khu du lịch Hải Hoà, Khu du lịch Hải Tiến, Khu du lịch Tiên Trang. Thiếu vốn đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư nên một số quy hoạch sau khi được phê duyệt không có khả năng triển khai như: Khu du lịch Nam Sầm Sơn (Quảng Xương); Khu du lịch Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc); Khu du lịch Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), nhiều quy hoạch chưa thực hiện cắm mốc gây khó khăn cho việc xác định khu vực được phép thực hiện các dự án đầu tư... Các dự án đầu tư du lịch thực hiện còn chậm, việc quản lý còn nhiều hạn chế, yếu kém, có những dự án sau khi được cấp phép đầu tư, chủ dự án sử dụng sai mục đích. Một số khu, điểm du lịch chưa thành lập ban quản lý. Công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế, chưa phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm trong lấn chiếm, thực hiện sai quy hoạch. Sự phối hợp trong công tác quản lý quy hoạch giữa các cơ quan chuyên ngành với các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp chưa chặt chẽ. Việc quản lý các quy hoạch phát triển du lịch chưa tập trung vào một đầu mối, còn phân tán. Công tác tuyên truyền, quảng bá kêu gọi đầu tư vào các khu, điểm du lịch còn nhiều hạn chế. Các cơ sở lưu trú còn yếu, trang thiết bị tại các cơ sở, khách sạn còn lạc hậu; dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm đồ lưu niệm còn nghèo nàn đơn điệu; dịch vụ thông tin, tài chính, ngân hàng, thương mại... chậm được đổi mới, tính hấp dẫn kém, nên giữ khách không lâu. Kinh doanh vận chuyển khách còn nhiều bất cập. Hoạt động hướng dẫn, thuyết minh tại các điểm, khu du lịch chưa thật sự hấp dẫn; việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ làm công tác hướng dẫn thuyết minh du lịch chưa nhiều; nguồn lao động phục vụ cho công tác du lịch chủ yếu là lao động tự do, thiếu tính chuyên nghiệp...

          Thay mặt Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn thống nhất nội dung các báo cáo trình bày tại buổi làm việc; đồng thời nhận định thời gian qua các sở, ngành, địa phương liên quan đến quy hoạch phát triển du lịch đã có nhiều cố gắng, song du lịch Thanh Hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công tác quản lý nhà nước về du lịch còn nhiều hạn chế, nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; sự phối hợp của các sở, ngành, cơ quan, các địa phương có liên quan chưa chặt chẽ. Năm 2015 là năm du lịch Quốc gia tổ chức tại Thanh Hóa và tỉnh ta cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành trọng điểm du lịch quốc gia. Để đạt được mục tiêu trên, vai trò tham mưu, phối hợp về việc thực hiện quy hoạch phát triển du lịch của các sở, ngành, cơ quan hữu quan là hết sức quan trọng... Những ý kiến đề xuất của các sở, ngành, các cơ quan, địa phương sẽ được Ban Văn hóa – Xã hội tổng hợp, báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp sắp tới./.

Lê Thu Hà


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:


 Bình chọn
Đánh giá của bạn về Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa
542 người đã bình chọn
Thống kê truy cập
Thống kê: 4.206.465
Trong năm: 1.361.419
Trong tháng: 132.789
Trong tuần: 26.632
Trong ngày: 974
Online: 106